Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 170

Con Cái Đức Chúa Trời

Từ bài giảng luận "Bổn Phận Của Con Dân Chúa"

CN Oct 19, 2014 - Hội Thánh North Hollywood

Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh. Nếu anh em xưng Đấng không tây vị anh em, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy (1Phi-e-rơ 1:15-17)

[đọc thêm 1Phi-e-rơ 1:13-21]

Người tin nhận và đi theo Chúa được Thánh Kinh nhắc đến có khi với những danh xưng ý nghĩa, có lúc bằng những cách gọi thông thường, hay những ví sánh đơn giản ... nhằm đặc tả tính cách của một con người được ân điển làm cho biến cải. Như trong câu 14 của bức thư này, trưởng lão Phi-e-rơ nói với các tín hữu sống rải rác trong vùng Tiểu Á ngày xưa rằng: "Anh em đã nên như con cái hay vâng lời". Một cách gọi không thể diễn giải hết bản chất của Cơ-Đốc Nhân; nhưng từ một góc nhìn có định hướng, điều đó nhắc tôi phải hết sức cẩn trọng về địa vị, ân sủng, quyền hạn, bổn phận, cả thái độ và quan điểm sống của mình với Chúa. Tôi vâng theo lời phán dạy của Chúa để Chúa thành hình trong lòng tôi, Ngài sẽ được nhìn thấy qua đời sống thường nhật của tôi, và từ đó Chúa được tôn cao trong bất cứ môi trường nào tôi sinh sống.

Cả hai câu trong bức thư được trích dẫn bên trên đều nói đến "cách ăn ở". Đời sống đổi mới của Người Cơ-Đốc không phải là những hình thức tôn giáo, cũng chẳng phải là lý tưởng cao siêu hay những hành vi vượt ra khỏi mọi thứ tầm thường của trần gian. Người của Chúa là những người được nhìn thấy thay đổi rõ nét ngay trong lối sống hằng ngày. Người không còn oằn mình dưới áp lực của những ham muốn xác thịt, cho dù vẫn phải mang lấy và sống trong hình hài hư hoại của xác thịt. Bằng sự vâng phục Đức Chúa Trời, người sẽ sống trung tín, tiết độ và lạc quan (câu 13). Tôi, một con cái hay vâng lời của Chúa không còn chìm đắm trong "sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình" (câu 18). Tôi không trở thành siêu nhân với năng lực vô song vượt thoát ra khỏi vòng cương tỏa của tội lỗi, nhưng bởi vì tôi đã bằng lòng đón nhận ơn cứu chuộc từ "huyết của chiên con không lỗi không vít" (câu 19), nên tôi "làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13).

Có thể tôi đã bắt đầu cuộc đời theo Chúa bằng cách học hỏi từ các trưởng bối, các đàn anh đàn chị đi trước. Tuy nhiên, dần dà tôi phải tự hướng mắt, hướng cả lòng mình về Đấng tôi "không thấy mà yêu mến" (1Phi-e-rơ 1:8), để được "trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài" (Ê-phê-sô 5:1). Đức Chúa Trời là "Đấng thánh" nên tôi phải học tập nên thánh để xứng đáng là con cái của Ngài. Đức Chúa Trời là "Đấng không tây vị", vì thế, tôi không thể lợi dụng tình yêu thương của Cha mà sống phóng túng, định hướng sai lạc hay làm gì tùy ý. Cha trên trời luôn coi sóc tôi để hướng tôi đến hoàn thiện hoàn mỹ theo phương cách của Ngài.

Tôi không thể tự mình nên thánh. Chẳng có sự cố công gắng sức nào của riêng tôi đủ làm tôi thánh trong mọi cách ăn ở của mình. Cũng chẳng ai có tư cách xét duyệt để phong thánh cho tôi. Nói cho cùng, dù xoay trở mọi cách, tôi cũng chẳng đáng được vinh dự tột đỉnh đó. Tôi có thể được đặt vào danh phận của một thánh chức, vẫn chưa phải là điều kiện ắt có và đủ để tôi đứng thẳng trước sự thánh khiết tuyệt đối của Chúa. Dẫu vậy, tôi được gọi là thánh đồ, là người biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, là con cái thuộc về Cha trên trời. Chiếc áo công bình Chúa ban cho tôi đã được tẩy trắng tinh bằng huyết Chiên Con và tôi được thay đổi trong từng suy nghĩ, hành vi, lời nói, tức là trong cách ăn nết ở tốt lành của một người thuộc về Chúa Thánh Khiết. Tôi phải luôn học tập cho đến ngày tôi gặp lại Chúa, khi kết thúc toàn vẹn học kỳ, mọi sự trong tôi sẽ tối ưu để bước vào nước vinh hiển của Chúa.

Một điều khác tôi phải ghi khắc trong lòng và nhắc đi nhắc lại luôn là sống kính sợ Chúa, lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy. Điều răn lớn nhất đó lại được đặt trên thâm tình cha con giữa Chúa và tôi. Nhắc lại, tôi phải là con cái hay vâng lời. Nói bằng lời thì dễ, nhưng trên thực tế biết bao nhiêu lần tôi chẳng để ý đến tương quan ngọt ngào đó? Tôi kính Chúa, dĩ nhiên. Sợ Chúa, tôi không dám nói khác hơn. Vậy mà, những tình cảm riêng tư của tôi đối với Chúa, có đúng là chân tình; có hết lòng, hết sức, hết ý, hết cả linh hồn; có thật gần gũi Đức Chúa Trời như con với Cha? Tôi có như một trẻ nít luôn lo sợ sự trách phạt của Cha khi làm điều chính mình cũng nhận biết là không đúng; hay tôi cứ tỉnh bơ vì nghĩ rằng mình đủ khôn để quyết định cách ứng phó với mọi hoàn cảnh, với mọi người và cả với Cha trên trời? Nếu tôi thấy được Cha Từ Ái luôn ở bên cạnh, dõi mắt Người theo từng bước chân tôi trên đường đời, tôi có dám tơ hào mà ăn ở cách không xứng đáng cùng với sự kính sợ Chúa chỉ có trên đầu môi chót lưỡi? Đức Chúa Trời không bao giờ hù dọa tôi, Ngài luôn khe khẻ nhắc tôi về sự hiện diện của Đấng "xét đoán từng người theo việc họ làm". Than ôi! Tôi thường hay quên Ngài trong nhiều tình huống, để tôi dễ dàng xoay trở với những toan tính riêng tư.

Tôi ơi! Hãy luôn nhắc nhớ mình là con cái của Đức Chúa Trời. Chớ có lơ là mà mang tội nghịch tử.