Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 60

Vài cảm nhận tản mạn khi đọc “Nếu những con chim biết nói” của Lữ Thành Kiến.

Mục sư Lữ Thành Kiến(LTK), cũng là nhà văn/nhà thơ Trần Nguyên Đán, vừa cho ra đời thêm một đứa con tinh thần với cái tên khá ấn tượng Nếu Những Con Chim Biết Nói (NNCCBN)*.

Tôi đã đọc xong tác phẩm mới nhất này của nhà văn và xin viết ra đây vài cảm nhận tản mạn của mình.

Với những bài viết được tác giả tập hợp lại từ những bài viết đã đăng rải rác lâu nay trên các sách báo đạo cũng như đời (cả báo mạng và báo giấy), tôi thấy những bài viết của tác giả luôn chứa đựng đầy ắp tình cảm của mình, vì thế khi đọc, người đọc luôn bị tình cảm đó cuốn hút vào trong các bài viết.

Trước hết, đó là lòng biết ơn của tác giả dành cho Đấng mà tác giả tôn thờ là Đức Chúa Trời. “Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng mà tôi luôn tin rằng đã, đang và sẽ hướng dẫn cuộc đời tôi cho đến ngày cuối.”(“Dòng Sông Yên Tĩnh,” tr. 41). Trong “Vài Lời Gởi Chúa Năm Mới”, ta thấy tràn ngập những lời tạ ơn Chúa của LTK. Nhà văn tạ ơn Chúa vì“Ngài đã tạo nên lịch sử Giáng Sinh”, vì Ngài đã ban cho ông có được nhà để ở, “tôi đa tạ Chúa cho tôi còn khoẻ mạnh”, “tôi đa tạ Chúa vì mình còn một gia đình để ở cùng, để chia sẻ cùng nhau vui buồn”, “một lời đa tạ Ngài vào sáng hôm nay, ngày đầu năm”... . Phao-lô ngày xưa đã kinh nghiệm ơn phước Đức Chúa Trời ban cho ông là vô cùng lớn lao và không thể nào diễn tả đầy đủ bằng ngôn ngữ giới hạn của loài người, nên ông đã viết: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (II Cô-rinh-tô 9: 15). LTK có lẽ cũng đã có cùng kinh nghiệm đó nên luôn có lời tạ ơn Ngài trong những tác phẩm của mình.

LTK cũng không quên cảm ơn những con người mà Chúa đặt để bên cạnh để giúp đỡ mình như cảm ơn người bạn trăm năm, cái xương sườn yêu quý mà Chúa đã biệt riêng ra cho mình, “tôi mang ơn cái tình yêu lặng lẽ của người phụ nữ ấy. Nhờ tình yêu lặng lẽ ấy, tôi có thể sống, làm việc và yêu thương.” (“Dòng Sông Yên Tĩnh,” tr. 41).

Trong vai trò làm người chăn bầy của Chúa, LTK có trách nhiệm giảng dạy lời Chúa cho bầy chiên với cả tấm lòng của mình. Và niềm vui của người hầu việc Chúa là khi thấy những con chiên trưởng thành. Không ít những con chiên trưởng thành đã biết ơn người chăn một cách cụ thể. LTK đã có những con chiên ... đáng yêu như thế (tất nhiên, những con chiên khác cũng đáng yêu thôi, nhưng những con chiên biết ơn như thế thì có lẽ ... đáng yêu hơn). Một lá thư ... tình của một con chiên dành cho người chăn yêu kính của mình mà LTK đã cẩn thận chép lại đây đủ biết tình cảm của con chiên dành cho người chăn quý báu là dường nào và cảm động làm sao:

Con cảm ơn Mục sư thật nhiều. Vì năm qua Mục sư đã ở gần, giảng dạy lời Chúa cho Hội thánh Greenbelt và qua đó tình cảm của gia đình con và gia đình Mục sư thật gần gũi và ấm áp. Con thật vui và được khích lệ rất nhiều. Gia đình Mục sư đi (con khỏi cần nói nhiều) Mục sư biết là con buồn lắm. Có gì cần Mục sư và Bà nhớ liên lạc với con, để con được vui và được khóc cùng với gia đình Mục sư nhé. Mùa Giáng Sinh này con nguyện Chúa yêu thương ban thật nhiều ơn phước, sức khoẻ trên gia đình Mục sư. Tụi con thương gia đình Mục sư nhiều nhiều lắm.

(“Dòng Sông Yên Tĩnh,” tr. 37-38).

Ôi, một tình cảm hết sức đáng quý mà không một người chăn bầy nào mà không nâng niu, gìn giữ. Có thể nói rằng chỉ cần có vài con chiên như thế cũng đủ làm ấm lòng người chăn cho dù đang ở giữa mùa đông lạnh giá của cuộc đời.

Đọc những truyện ngắn hay đoản văn của LTK, ta luôn thấy tác giả dành cho Đức Chúa Trời một vị trí độc tôn trong đó. Dù nói gì, viết gì, làm gì, LTK đều không quên tôn cao Chúa của mình, là Đấng mà tác giả đang tôn thờ. Tôi nhớ dường như trong tác phẩm Biển Rộng Hai Vai, LTK có bộc bạch tâm tình của mình rất rõ ràng rằng người ta có thể nói xấu hay đụng đến mình thì mình có thể chấp nhận được, nhưng sẽ không chấp nhận cho ai đó nói xấu, hay đụng đến Chúa của mình. Có ai đó đã nói một câu mà tôi rất tâm đắc như sau: “Con có thể bị hạ thấp chừng nào cũng được, nhưng Chúa phải được tôn cao qua sự hạ thấp của con.” Vì Chúa là độc tôn, nên LTK đã viết:

Tôi khám phá ra một điều: không phải là những cái gì tôi thích, mà là những cái gì Chúa thích. Từ lâu tôi đã học biết rằng cuộc đời này không phải là của tôi nữa, tôi biết rằng khi Chúa cho phép tôi có mặt trên đời này thì Ngài đã biết rõ rằng tôi phải làm gì. Chúa đã vẽ ra một con đường có đích đến cho tôi và cho tôi đi trên đường ấy như thế nào theo lòng tôi muốn nhưng cái điểm đến cuối cùng vẫn là do Ngài đã chọn, tôi không thể thay đổi, tôi không có quyền thay đổi.”

(“Khi Bầy Chim Vỗ Cánh,” tr. 51).

Khi đọc những dòng sau, tôi hiểu vì sao LTK luôn tôn cao Chúa Giê-xu, luôn dành cho Ngài vị trí độc tôn trong tác phẩm của mình: “Trước đó một ngày tôi đã vứt gói thuốc lá Mai vào trong bếp sau lời cầu nguyện, một việc mà tôi không thể làm được trong nhiều năm, thậm chí khi mẹ tôi từ Mỹ gởi về cho tôi những tấm hình những buồng phổi nám đen, lỗ chỗ ổ ong để khuyến cáo. Bà nói: Ba con cũng đã chết vì hút thuốc lá. Những tấm hình ngay cả những lời nói không lay chuyển được tôi. Chỉ có Chúa Giê-xu lay chuyển được tôi.”(“Tự Vẽ Chân Dung,” p. 136). Cảm tạ Chúa Giê-xu quyền năng, chỉ có Ngài mới có quyền năng để thay đổi tấm lòng của một con người từ xấu xa đến tốt đẹp, từ tuyệt vọng đến hy vọng mà thôi. Hầu như không có văn nghệ sĩ nào mà không “thơ túi rượu bầu”, uống rượu, hút thuốc, nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè và gái gú, đó là những “đam mê” không có thể dứt ra được của những văn nhân thi sĩ từ cổ chí kim thì phải, nhưng những văn nhân thi sĩ Cơ-đốc thì khác, Chúa đã cứu họ ra được những “đam mê chết người” đó một cách lạ lùng, cho nên không lạ gì trong cõi văn thơ của họ, Chúa luôn được tôn cao, chứ không phải “cái tôi” của mình, như lời tuyên dương của Xuân Diệu, “ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất.” Tôi nhớ thi sĩ Tường Lưu có bài thơ ca ngợi Chúa, vì Ngài đã cứu ông ra khỏi những “đam mê chết người” đó như sau:

Tôi cũng như ông cũng thế thôi
Nhưng mà nghĩ lại ông thua tôi
Lăng nhăng ông chỉ ba là hết**Còn tôi không dám kể ông cười
Chúa đã thương tôi đã cứu tôi
Vực tôi thoát khỏi bến mê rồi
Lòng dục tôi không chìu theo nó
Nhưng ham các sự ở trên trời.
Chúa thật tuyệt vời và đáng ca ngợi biết bao!

LTK dường như là yêu mùa thu hơn các mùa khác thì phải, vì hầu như trong các tác phẩm của mình, LTK cũng luôn dành ưu ái cho mùa thu. Mùa thu thì ai mà không yêu, vì nó dễ thương, nhưng văn thi sĩ thì yêu hơn một chút vậy mà. LTK đã có hẳn một tác phẩm có tựa đề “Ai Đã Vẽ Mùa Thu” luôn. Trong NNCCBN, LTK cũng “cưng” mùa thu dữ lắm":

Mùa thu bao la quá, rực rỡ quá, chẳng có hình ảnh nào lớn đủ, đẹp đủ để đè lên, trùm ra, che cho kín. Mùa thu vẫn cứ bầy bầy, ngang ngược, kiêu hãnh nằm ngang nằm dọc trong cái đầu và trái tim bệnh hoạn, cảm cúm. Không chừng mình bị swine thu, tôi lo lắng quá.”

(“Để Bớt Nhớ Mùa Thu,” tr. 61).

Tôi ngạc nhiên khi đọc: “Đã là con người thì ai cũng có một trái tim. Văn thi sĩ là người, văn thi sĩ cũng có một trái tim. Nhưng Mục sư thì cần hai trái. Một trái để ở Maryland, một trái ở Texas.” (“Để Bớt Nhớ Mùa Thu,” tr. 60), nhưng đọc tiếp, đọc tiếp, tôi hiểu ra rằng, sở dĩ Mục sư Lữ Thành Kiến cần hai trái tim, là vì một trái ông dành để yêu mùa thu ấy mà. Mùa thu ở Maryland chắc phải đẹp đến mê hồn, nên LTK mới dành một trái tim cho nó:

Khi rời khỏi Maryland, Mục sư sẽ nhớ nhất điều gì? Tôi nghĩ ngay đến, cái hình ảnh vừa hiện ra trong trí, mùa Thu. Tôi sẽ nhớ Mùa Thu. Phải, tôi sẽ nhớ Mùa Thu. Vào những ngày đầu tháng 10 đã bâng khuâng, hồi hộp, chờ đợi chiếc lá vàng đầu tiên, như chờ đợi người yêu đầu đời ngây thơ trong buổi hẹn đầu, và rồi ngây ngất, đắm đuối trong cái không gian bát ngát vàng hoa, vòng tay êm ái mở, ân cần chào mời, thiết tha ... Mùa Thu, cái Mùa Thu không hề biết phản bội.

(“Dòng Sông Yên Tĩnh,” tr. 27).

Đọc “NNCCBN”, tôi phát hiện ra rằng, LTK không có những “đam mê chết người” như là những văn nhân thi sĩ khác thường có, nhưng lại có một “đam mê ... không chết người” khác. Đó là “đam mê” uống cà phê Starbucks. Cái đam mê đáng yêu đó của Mục sư nhà văn đã được con chiên “để ý” và “phát hiện” ra luôn, để rồi viết thư cho Mục sư:

Mục sư cũng không cần phải bận tâm ai là người viết bức thư này, chỉ biết rằng đó là từ tấm lòng biết ơn của một tín đồ đối với Mục sư là đủ. Hy vọng Mục sư sẽ có thời gian cho chính mình, “enjoy” ở Starbucks (tín đồ thì phải biết Mục sư mình có sở thích gì chứ, phải không Mục sư?)”

(“Chỉ Là Một Cánh Chim Bay,” tr. 191).

Tôi nhớ đã có lần chính nhà văn LTK mời tôi có dịp nào qua Mỹ, ông sẽ dẫn tôi đi ... chiêu đãi cà phê Starbucks đã đời mới thôi. Tôi chưa được qua Mỹ, nhưng tôi đã được LTK chiêu đãi cà phê Starbucks đã đời trong NNCCBN rồi.

Đọc NNCCBN, tôi cũng phát hiện ra một điều đáng yêu nầy nữa nơi LTK – Tính hài hước nhẹ nhàng, dí dỏm:

Tôi chia sẻ với Mục sư về vấn đề Hon da ... ôm: tôi thấy người Việt mình tình cảm hơn người Mỹ nhiều, đi đâu cũng Honda, mà đã Honda thì phải có ... ôm. Vừa lên xe, đã ôm. Nếu không, khi xe phóng tới thì mình sẽ phóng... xuống đất. Cứ mỗi một cái ổ gà, lại ôm chặt hơn, mỗi cú thắng gấp, lại ôm chặt hơn nữa. Mà đường phố Việt Nam ổ gà với thắng gấp không hề thiếu. Chả trách chi Việt Nam bây giờ vẫn còn dẫn đầu thế giới về vấn đề con cái nhiều. Mỹ thì đi xe hơi, chỗ ai nấy ngồi, đâu có màn ôm ... bừa bãi như vậy. Tín hữu Tin Lành được dạy không nên vào những chỗ có chữ ôm, nhưng cái cú Honda ôm này thì quả thật không thể vâng lời được, không đi xe ôm thì đi bằng gì, tiền đâu mà đi taxi hoài. Khi tôi chia sẻ như vậy, ông Mục sư suy nghĩ một lúc rồi nói: Mục sư nói vậy, thôi từ nay em không cho nhà em đi Honda ôm nữa.

(“Nhật Ký Đường Dài,” tr. 86-87).

Vốn được đào tạo “chính quy,” tôi cẩn thận hỏi lại giáo phái của ông ta, và ngạc nhiên khi biết ông cũng là một Mục sư Báp Tít (trông đẹp trai và trẻ trung hơn so với tuổi) điều này thì do ông tự nói chứ tôi không có hỏi (nhìn ông khiến tôi suy nghĩ rằng có phải chăng hầu hết các Mục sư Báp Tít đều đẹp trai và trẻ hơn tuổi???)

(“Nếu Những Con Chim Biết Nói,” tr. 106-107).

Điều cảm nhận cuối cùng của tôi khi đọc NNCCBN, là tôi thích những đoạn văn hay, đẹp như thơ và rất giàu hình ảnh của LTK trong sách:

Nơi này, tôi đã đi bộ trong mùa Xuân, chạy xe trong mùa Hạ, đứng yên trong mùa Thu và nằm ngủ trong mùa Đông.

(“Dòng Sông Yên Tĩnh,” tr. 27).

Làm thế nào để cả Một Bầy Chim Cùng Bay lên, chứ không phải chỉ là một con, một vài con. Một Bầy Chim Vỗ Cánh bay lên mới tạo nên được hình ảnh một mùa xuân .... Một con chim bay trong bầu trời cũng đẹp, nhưng là vẻ đẹp của sự tĩnh lặng và cô đơn, vẻ đẹp của mùa đông buồn. Tôi thích vẻ đẹp của mùa xuân hơn, thích vẻ đẹp của một bầy chim đang bay hơn.”

(“Khi Bầy Chim Vỗ Cánh,” tr. 55-56).

Tôi chúc cho Việt Báo nói chung, và cho bạn lớn tôi nói riêng, cõng cái nón sắt trên lưng và bò đi tiếp. Con ốc sên thấy nhỏ xíu vậy, mà kiên trì hơn những chiếc máy bay đang bay đâu đó trên bầu trời mênh mông.

(“Phát Biểu Vắng Mặt,” tr. 179).

Và còn nhiều, còn nhiều những câu văn nghe như thơ và đầy hình ảnh như thế trong NNCCBN.

Tôi muốn mượn những lời của nhạc sĩ Thiên Kiều Giang trong lời tựa của sách nầy để làm lời kết cho những suy nghĩ tản mạn của mình nơi đây: “Cõi văn thơ của người đạo, và là người giảng Đạo, tôi tin rằng rất đẹp. Họ để nhiều giờ ‘văn nghệ văn gừng’ với Nhà Văn trác tuyệt trên cao, họ luôn đặt bút với thôi thúc duy nhất: Đạo. Thế nhưng họ phải trình bày sao cho độc giả không ngán ‘Đạo’, thậm chí, khi cần thiết, không nhận ra ‘mùi Đạo’ nữa. Con đường không dễ đi nhưng nó đẹp, nên người cầm bút Cơ-đốc Lữ Thành Kiến vẫn thích đi.” (“Cõi Văn Thơ Của Người Giảng Đạo,” tr. 6).

Vâng, chắc chắn bất cứ nhà văn, nhà thơ hay văn nghệ sĩ Cơ-đốc nào mà có nhiều thì giờ để dành cho việc “văn nghệ văn gừng” với Nhà Văn trác tuyệt trên cao, thì chắc chắn những sáng tác của họ sẽ làm đẹp ý Nhà Văn trác tuyệt trên cao và làm vui lòng người thôi.

Mục sư Nhà văn Nhà thơ Lữ Thành Kiến là một ví dụ.

Xin chúc cho vị Mục sư Nhà văn Nhà thơ Lữ Thành Kiến sẽ được Chúa ban cho có thêm những đứa con tinh thần đáng yêu khác nữa như những đứa con tinh thần mà Chúa đã ban cho Mục sư Nhà văn Nhà thơ trong thời gian qua.

-Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu-

Chú thích:

(*): Nếu Những Con Chim Biết Nói, tuyển tập ký, và truyện ngắn của Lữ Thành Kiến, 2012, thông báo trên trang mạng Sống Đạo, www.songdaoonline.

Để mua sách, xin vui lòng liên lạc với mục sư Lữ Thành Kiến, kienlu[AT]aol.com

(**): Từ bài thơ “Ba thứ lăng nhăng” của Tú Xương,

Một trà một rượu một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!