Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 349

Vua Nhân Danh Chúa

Từ bài giảng luận "Chúa Giê-xu Vào Thành Giê-ru-sa-lem"

CN March 25, 2018 - Hội Thánh North Hollywood

Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! (Lu-ca 19:38) [đọc Lu-ca 19: 29-40]

Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tuần Thánh thì lại đọc đúng phân đoạn Kinh Thánh của Phúc Âm Lu-ca. Rồi thì, lại phải nhắc đến những nhân vật xuất hiện trong sự kiện quan trọng này để nhắc nhở nhau rằng hãy hạ mình xuống để được Chúa dùng vào trong công việc lớn của Ngài. Bởi thế cho nên, bài giảng luận tuần này cũng nói đến hai điều lớn như mọi năm: Đức Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem và Ngài được đón tiếp như một vì vua.

Riêng tôi, cũng sẽ không nói gì hơn, nhưng phân chia biến cố quan trong này theo một cách hơi khác đi một chút: những điều Chúa phán và những điều Chúa không phán.

Hãy đọc phân đoạn và liệt kê sau đây những điều Chúa đã phán: sai hai môn đồ đi lấy lừa, trả lời với chủ lừa, và sau cùng lời phán với mấy người Pha-ri-si, trong đó có một lời dự phòng với đá. Nhìn chung, tất cả đều có một quyền năng tối cao trong những lời đó, vì "Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1). Bởi thế cho nên, tôi không đồng ý với lời giải thích của một bản giải nghĩa Thánh Kinh nói rằng: Đức Chúa Giê-xu đã có một thương lượng trước với chủ lừa và câu nói "Chúa cần dùng nó" là một mật khẩu được hai bên đồng thuận ấn định (hãy xem trên Vietbible). Với hai môn đồ, điều Chúa sai biểu trực tiếp là hiển nhiên được thực hiện. Với chủ lừa là lời gián tiếp, do có độ tin cậy ít hơn. Còn đối với con lừa là một điều khó gấp bội để sai khiến được nó. Tất cả được giải quyết bởi phải có môt uy quyền không thể chối cải trong lời phán ra của Chúa, kể cả nếu phải dùng đến giải pháp sau cùng là "đá sẽ kêu lên". Điều đó vẫn chính xác cho đến muôn đời. Ngày nay, chính những lời của Chúa có thể thay đổi bản chất, tính tình, đời sống và địa vị của một cá thể. Quan trọng là ai đó có nghe và tiếp nhận bằng chính đức tin của mình không?

Còn về phần những người Pha-ri-si. Thánh Kinh giải nghĩa gợi ý rằng đây có thể là những người có cảm tình với Đức Chúa Giê-xu. Họ chỉ lên tiếng nhắc nhỡ Chúa đừng quá công khai, ồn ào như thế sẽ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của Ngài. Điều đó cũng đáng gẫm, nhưng lý do là họ không biết Chúa đang bước từng bước vào một chương trình đã lên kế hoạch và Ngài không sai lầm trong từng chi tiết lớn nhỏ nào cả. Trước hết là làm cho ứng nghiệm lời tiên tri, để nhắc mọi người về lời phán của Đức Chúa Trời có từ trước với dân sự Chúa, và họ là những người phải biết rõ hơn ai hết. Sau là mở ra một ân sủng diệu kỳ dành cho tất cả những kẻ tin. Lời của Chúa lúc nào cũng có ý tốt lành cho tôi, chỉ do tôi không nhìn biết, không chịu hiểu ra, để cho tối tăm làm mê muội, quay đi không nghe được tiếng phán minh bạch của Chúa ngay bên cạnh tôi.

Và những lời Chúa không phán biểu là gì? "Hai môn đồ lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi" "nhiều kẻ trải áo trên đường" "cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời". Điều tôi vẫn thường được nghe nói đến là hôm nay họ tung hô khi Chúa vào thành, nhưng vài bữa ngay sau đó họ đồng thanh đòi đóng đinh Chúa trên thập tự giá. Riêng với tôi, liên kết này có vẻ hơi khập khiểng, bời đám đông theo Chúa lúc này là "cả đám môn đồ " và nếu có những ai khác ăn theo thì chắc rằng đã không được Thánh Kinh quan tâm mà nhắc đến. Không thể suy diễn để làm cho sự kiện trở nên nặng nề hơn. Sự tự nguyện trong hành động của những môn đồ lúc đó đã là đủ lắm rồi cho kế hoạch lớn của Chúa, Ngài phải bị giết như chiên con trước lễ Vượt qua. Và đó cũng là sự đóng góp được chấp nhận để công việc của Chúa hoàn chỉnh theo ý Ngài.

Từ đó, phải thấy ra và nhìn nhận rằng: Đức Chúa Giê-xu đã giáng sinh để đem "Hòa bình dưới đất, ân trạch cho loài người" (Lu-ca 2:14), Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị vua hòa bình cỡi một chú lừa con, nhưng thế gian này lại từ chối, "Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy" (Giăng 1:11). Không vì vậy mà Ngài thất bại trong nhiệm vụ cao cả của mình, Ngài vẫn là Đấng đem "Bình an ở trên trời và vinh hiển trên các nơi rất cao" đến với những người bằng lòng đón tiếp Ngài vào đời sống. Thế giới mờ tối luôn muốn hạn chế ân sủng của Chúa, nhưng Ngài vẫn chiếu ánh sáng nhân từ và thương xót cách tối ưu để cứu người ra khỏi án phạt đời đời: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy" (Giăng 1:12,13).