Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 8

Nhu Cầu Đời Sống - Xã Hội

Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri. ” (Mathiơ 7:12)

Con người có năm nhu cầu căn bản trong đời sống. Hai ngày qua, chúng ta đã suy gẫm nhu cầu thể chất – physical need và nhu cầu tình cảm – Emotional need. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm nhu cầu xã hội – Social need. Nhu cầu xã hội chỉ về đời sống sinh hoạt với cộng đồng. Chữ xã hội trong tiếng Anh là society, được Tiến sĩ Alex Thio định nghĩa trong quyển Sociology như sau: “Xã hội là một sự tuyển chọn trao đổi của nhiều cá nhân, chia xẻ cách sống giống nhau và cùng sống chung trong một lãnh thổ nhất định. ” Xã hội nào cũng cần có sự kết hợp từ nhiều cá nhân và gia đình. Ông Robert J. Havighurst, trong quyển Human Development and Education, phân chia đời sống trưởng thành theo ba giai đoạn như sau:

TUỔI THANH NIÊN (18-39): 1. Chọn bạn đời hay chọn sống độc thân; 2. Học tập chung sống hòa bình (với bạn đời); 3. Bắt đầu xây tổ ấm; 4. Sinh con & nuôi con; 5. Mua nhà & chưng dọn; 6. Chọn lựa nghề nghiệp; 7. Tham gia các hoạt động, xã hội, dân sự; 8. Bạn bè.

TUỔI TRÁNG NIÊN (40-59): 1. Thành công trong lãnh vực dân sự, xã hội; 2. Thành công trong nghề nghiệp, sinh nhai; 3. Dạy dỗ con cái nên người hữu dụng & trách nhiệm; 4. Phát triển sở thích, giải trí, tiêu khiển; 5. Phát triển tình chồng vợ; 6. Chấp nhận & điều chỉnh sự thay đổi của thân thể; 7. Điều chỉnh lối sống để săn sóc cha mẹ già yếu.

TUỔI CAO NIÊN (60 trở lên): 1. Tập sống với đau ốm bệnh tật; 2. Tập nếp sống hưu trí và thù lao thấp; 3. Tập sống khi vợ chồng qua đời; 4. Tìm an ủi với những bạn già; 5. Tham gia các sinh hoạt xã hội, dân sự; 6. Sống một đời sung mãn

Theo bản liệt kê của ba giai đoạn tuổi trưởng thành trên, chúng ta đều đồng ý rằng xã hội nào cũng cần có ba lứa tuổi trên. Ngược lại, ba lứa tuổi trên cũng rất cần một xã hội nhất định để thích nghi sinh hoạt. Kinh Thánh cho biết khi Đấng Tạo Hóa dựng nên tổ phụ con người là A-đam, Ngài biết nhu cầu của ông A-đam là phải có người giúp đỡ (Sáng-thế Ký 2:18). Người đó là bà Ê-va. Từ khi gia đình đầu tiên nầy xuất hiện trên đất cách đây hơn 6 nghìn năm, con người biết rằng mình không thể sống riêng rẽ được. Con người cần có một tập thể, một cộng đồng, một quốc gia để tương trợ và phục vụ lẫn nhau. Nhờ vào cộng đồng hay xã hội của một quốc gia mà con người được thành nhân, biết mình và biết người; được thành công để lãnh đạo theo những kỹ năng chuyên biệt. Nhờ có xã hội mà con người mới có được học thức, địa vị, và quyền thế. Xã hội nào cũng có nhiều thành phần khác nhau. Có người giàu, kẻ nghèo. Có người sang, kẻ hèn. Có người học thức, kẻ dốt nát. Có người khỏe, kẻ bệnh v.v... Điểm quan trọng là mỗi thành phần trong xã hội đều cần nhau để sống, để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, một quốc gia hùng cường.

Thật tội nghiệp cho một cá nhân hay một gia đình tự biệt lập mình ra khỏi cộng đồng để hưởng thụ hoặc xa lánh mọi người với bất kỳ lý do nào. Người như vậy không khác nào một kẻ ích kỷ chỉ biết sống cho mình, hay cho gia đình mình mà thôi! Một người có tinh thần xã hội là người quan tâm đến người và sẵn sàng giúp người. Tại Hoa Kỳ, người ta lập nhiều cơ quan từ thiện và tổ chức nhiều công tác xã hội để giúp người. Cố Tổng thống John F. Kennedy đã nói một câu bất hủ với dân chúng Mỹ rằng: “Đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho các bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì cho nước Mỹ. ” Thật vậy, muốn đáp ứng được nhu cầu xã hội ta hãy trở nên người phục vụ hơn là người hưởng thụ. Thay vì phê bình, chỉ trích xã hội, ta hãy góp phần xây dựng xã hội để giúp cho xã hội mình đang sống càng trở nên tốt đẹp hơn. Hãy sống sao cho xứng đáng với trách nhiệm của một người công dân Việt Nam đối với cộng đồng mình tại hải ngoại và đối với đồng bào mình tại quê nhà. Cũng đừng quên sống sao cho xứng đáng với trách nhiệm của một người công dân Hoa Kỳ đối với cộng đồng Mỹ tại đất nước nầy. Dân chúng Hoa Kỳ ngưỡng mộ Mục sư da đen Martin Luther King vì ông chú trọng đến nhân quyền trong xã hội. Dân chúng Ấn Độ cũng vô cùng cảm kích Ông Gandhi vì ông đã tranh đấu cho nhân quyền tại Ấn Độ. Người dân Ấn cũng không quên công khó của một người ngoại quốc, Mother Teresa đã tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và dân chúng Ấn Độ.

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Giê-su khi đi giảng Tin Lành của nước Trời, Ngài đã đến với mọi thành phần trong xã hội để phục vụ dân chúng. Phúc Âm Mathiơ 4:23 chép: “Đức Chúa Giê-su đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ tật bịnh trong dân. ” Hãy cùng nhau bắt chước theo gương của Đức Chúa Giê-su. Mong lắm thay!

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc