Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 51

Giá Phải Trả

Nước Thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó. Nước Thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt,khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó. ” (Ma-thi-ơ 13:44-45)

Trong đời sống, có nhiều giá mà bạn và tôi phải trả tùy theo lý tưởng sống và sự đeo đuổi của mình. Ðối với người tị nạn chính trị, họ phải đánh đổi mạng sống để tìm sự tự do nơi xứ người. Ðối với người tìm kiếm đời sống kinh tế ổn định hơn, họ phải trả một số tiền khá lớn giống như những câu chuyện được kể ở trên. Ðối với người muốn thành công trong xã hội, họ phải đầu tư nhiều thời gian cho việc học hành và phải trả nhiều học phí để có được một tay nghề ổn định ở tương lai. Mục sư Tiến sĩ John Maxwell nói rằng: “Pay now, play later. Play now, pay later.” Tạm dịch là “Trả giá bây giờ, chơi sau nầy. Chơi bây giờ, trả giá về sau.” Nhưng thông thường giá phải trả về sau luôn luôn đắt hơn bây giờ! Người Việt ở Luân Ðôn có câu nói rằng: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con!” Bạn đang hy sinh đời mình để trả giá cho ai và để được hưởng những điều gì?

Ðời sống con người không phải chỉ có bao gồm những lãnh vực kể trên để bạn và tôi phải trả nhiều giá quá đắt ngõ hầu hưởng được nó. Có một thứ châu báu rất quí mà Kinh Thánh cho biết chúng ta phải trả một giá rất cao để hưởng được nó. Phúc Âm Ma-thi-ơ 13:44-45 chép: “Nước Thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó. Nước Thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó. ” Trong ẩn dụ thứ nhất, của báu chỉ về Chúa Giê-su và đám ruộng chỉ về Phúc Âm của Chúa được rao giảng. Những ai nghe, thấy, hiểu, và tiếp nhận Chúa Giê-su thì quý trọng Ngài hơn tất cả những điều khác mà họ đang có trên đất. Trong ẩn dụ thứ nhì, viên ngọc châu ở đây chỉ về Chúa Giê-su. Người tin theo Chúa giống như kẻ lái buôn từ bỏ những điều mình đang có để chiếm hữu được Chúa Giê-su trong đời sống mình. Món châu báu trong câu chuyện nầy không phải chỉ có giá trị trên đất nầy nhưng mà còn có giá trị ở trong cõi đời đời nữa. Món châu báu nầy không thể mua bằng tiền bạc nhưng mà bằng cả ý chí, tâm trí, và tấm lòng của người mua. Ðây là một sự trao đổi tình nguyện giữa hai đối tượng. Thứ nhất, Ðấng yêu thương con người là Ðức Chúa Giê-su tình nguyện mang chịu án phạt của con người trên cây thập tự để con người được sống tự do, bình an, và phước hạnh trong Thiên Quốc vĩnh hằng. Thứ nhì, con người đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su bằng cách mời Ngài chiếm hữu đời sống mình và xem những điều khác trên đời chỉ là những thứ yếu mà thôi.

Kinh Thánh cho biết Ðức Chúa Giê-su giáng thế trở thành người để hoàn thành một sứ mạng cao cả. Sứ mạng ấy là chết thay cho tội lỗi của nhân loại. Tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết? Theo luật pháp của Ðức Chúa Trời, nếu không có sự đổ huyết thì không có sự tha thứ. Trong thời Thánh Kinh Cựu Ước, mỗi khi con dân Chúa phạm tội, họ phải dùng con chiên hay bồ câu để làm sính lễ chuộc tội cho mình. Vì Ðức Chúa Trời là Ðấng Thánh khiết nên Ngài phải hình phạt tội nhân. Vì Ðức Chúa Trời là Ðấng Yêu thương nên Ngài phải cứu giúp tội nhân. Vì Ðức Chúa Trời là Ðấng Công Bình nên Ðức Chúa Con là Ðấng Christ bằng lòng gánh hết mọi tội lỗi của con người trên mình Ngài như một con sinh tế đổ huyết chuộc tội cho nhân loại một lần đủ cả để tội nhân được kể là công bình trước mặt Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 2:9; 9:22; Mác 10:45; Rô-ma 5:8; 1 Phi-e-rơ 3:18).

Bạn đang phải trả giá đắt để tìm kiếm điều gì cho đời sống mình? Có phải giá mà bạn phải trả đó là sự tự do, học vấn, hay sự nghiệp ở tương lai. Tôi luôn ước ao mọi người đều có được đời sống tự do, đủ ăn đủ mặc, và tích cực góp phần xây dựng xã hội và quốc gia của mình. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta phải ước mong một điều có giá trị vĩnh cữu hơn. Ðó là sự sống đời đời trong Ðức Chúa Giê-su ở nơi Thiên Quốc Ngài. Kinh Thánh cho biết Thiên đàng là một tặng phẩm biếu không cho bạn và tôi. Bạn không thể mua Thiên đàng bằng cách tu thân tích đức hay ăn hiền ở lành của mình ở trên cõi thế nầy được. Chúng ta được sự sống đời đời là do sự ban cho vô điều kiện của Ðức Chúa Trời dành cho bạn và tôi. Khi nói ‘vô điều kiện’ có nghĩa chúng ta không xứng đáng nhận nhưng lại được ban cho bởi vì ân điển của Thiên Chúa dành cho mình. Kinh Thánh trong Thư-tín Ê-phê-sô 2:8-9 chép: “Vả, ấy là bởi ân điển, qua đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Ðức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.

Bạn thân mến! Tôi biết bạn đang phải trả nhiều giá đắt cho đời sống tạm thời ở trên đất. Còn riêng sự sống đời đời của bạn thì sao? Bạn có quan tâm đến nó không? Xin đừng nghĩ chết là hết. Bạn chắc chắn còn có sự sống ở sau cõi tạm thời trên đất nầy. Thiên đàng là món quà miễn phí dành cho những ai muốn kinh nghiệm sự sống đời đời ở trong cõi vĩnh hằng với Ðấng Tạo Hóa của mình. Thiên đàng là tặng phẩm biếu không đó đang dành sẵn cho bạn hôm nay. Lời Chúa trong Rô-ma 10:9-10 dạy rằng: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. ” Nếu bạn sẵn lòng tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa đời sống mình, bạn chắc chắn nhận được sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su. Mời bạn hãy mở lòng ra tiếp nhận Cứu Chúa Giê-su làm Chúa và Chủ đời sống mình hôm nay. Mong lắm thay!

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc