Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 82

Tạ Ơn Chúa – Một Bài Thơ Lục Bát Đầy Cảm Hứng!

Phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)

Ta thường chỉ biết tạ ơn,
Khi mình thoát khỏi những cơn đau buồn.
Khi mình vượt khỏi tai ương,
Ra khỏi khổ nạn vấn vương trần đời.

Chỉ tạ ơn Chúa khi vui,
Khi ta thạnh lợi, khi nuôi mộng vàng.
Khi ta khoẻ mạnh giàu sang,
Thành công, đắc thắng, vẻ vang đường trần.

Chúa dạy là Cơ-đốc nhân,
Ta nên cảm tạ tri ân mọi điều. (1)
Dù bị thử thách bao nhiêu,
Dù bị bắt bớ lắm điều khổ đau.

Cảm tạ khốn khó qua mau,
Sẽ thấy phép lạ theo sau tức thời:
Năm ngàn người đói tả tơi,
Tìm đâu đủ bánh ở nơi khô cằn!

Năm bánh hai cá nhỏ nhen,
Làm sao cho đủ người ăn năm ngàn?
Cầm bánh “cảm tạ” Cha ban, (2)
Chúa làm phép lạ chứa chan dư thừa.

Nghĩa trang mộ đá ngày xưa,
La-xa-rơ chết đã vừa bốn hôm.
“Tạ ơn”, Chúa đã chúc tôn,
Rồi kêu sống lại thân hồn bước ra. (3)

Lời Chúa khuyên dạy chúng ta,
Nên tạ ơn Chúa trãi qua mọi điều. (4)
Vui buồn, phước họa bao nhiêu,
Tin rằng Chúa biết những điều xảy ra.

Trong quyền năng của Chúa Cha,
Tạ ơn mở lối trời hoa vui mừng.
Tạ ơn đường đến phục hưng, Tạ ơn đắc thắng cho từng ước mong.

THANH HỮU

Tháng 11 năm 2018

1. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18
2. Lu-ca 9: 16
3. Giăng 11:43 4. Phi-líp 4:6

Thanh Hữu (TH) là một gương mặt thơ Cơ-đốc Việt Nam rất quen thuộc với cộng đồng độc giả Cơ-đốc trong cũng như ngoài nước.

TH ... say mê làm thơ ngay từ khi còn nhỏ và cho đến bây giờ dù đã đến tuổi “đầu râu tóc bạc” rồi, ông vẫn ... say mê “nàng thơ” như tự thuở nào. Đó là một tình yêu chung thủy tuyệt đẹp dành cho thơ đáng được ngưỡng mộ.

TH, như chúng ta biết, ông là một thi sĩ Cơ-đốc thực thụ và ông cũng là một Mục sư với nhiều năm kinh nghiệm trong chức vụ hầu việc Chúa, cho nên thơ của ông mang đầy âm hưởng của thi ca Kinh Thánh, do lời Chúa đã thẩm thấu vào trong sâu thẳm của tâm hồn ông sau gần như cả cuộc đời theo Chúa và hầu việc Ngài của mình.

Mỗi khi đọc thơ TH, ta dễ cảm nhận được sự gần gũi thâm trầm, sâu sắc của thi sĩ với Đấng mà ông đã dành cả cuộc đời để tin cậy, tôn thờ và hầu việc, đó là Đức Chúa Trời.

Hôm nay, nhân mùa Lễ Tạ Ơn, một mùa Lễ trọng thể ở xứ Mỹ, xin mời bạn cùng tôi cùng dành chút thì giờ quý báu để cùng thưởng thức một thi phẩm nói về đề tài “Tạ ơn Chúa” của TH.

“Tạ Ơn Chúa” là bài thơ được TH làm theo thể thơ lục bát rất quen thuộc của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Thế thường, con người chúng ta thường chỉ biết vui mừng, và có thể nói lời cảm ơn ông Trời hoặc ai đó khi gặp sự hanh thông, may mắn trong công việc làm hay trong cuộc sống; chứ ít ai vui mừng, hoặc nói lời cảm ơn khi gặp sự khó khăn, hoạn nạn trong đời. Đó cũng là cách mà người tin Chúa ... thường hành xử:

Ta thường chỉ biết tạ ơn,
Khi mình thoát khỏi những cơn đau buồn.
Khi mình vượt khỏi tai ương,
Ra khỏi khổ nạn vấn vương trần đời.

Chỉ tạ ơn Chúa khi vui,
Khi ta thạnh lợi, khi nuôi mộng vàng.
Khi ta khoẻ mạnh giàu sang,
Thành công, đắc thắng, vẻ vang đường trần.

Nhưng Kinh Thánh thì thường dạy những người tin Chúa cần phải sống và hành xử vượt lên trên những cách suy nghĩ, hành xử thông thường của người đời. Vui mừng, tạ ơn Chúa những lúc thuận thời, bình an, hạnh phúc đã đành, những lúc “trời quang mây tạnh”, những lúc lối đi “đầy hoa thơm cỏ lạ” đã đành; nhưng hơn thế nữa, gặp những lúc “trời đầy mây và sấm chớp vang rền”, “lối đi gập ghềnh, khúc khuỷu”, chúng ta cũng cần phải biết nói lời tạ ơn Chúa. Dĩ nhiên là không dễ dàng để có thể làm điều đó, những một khi chúng ta làm được như thế, thì chắc chắn chúng ta “sẽ thấy phép lạ theo sau tức thời”. Một Cơ-đốc nhân bình thường sẽ chỉ có thể cảm tạ Chúa khi gặp vui mừng, phước hạnh; một Cơ-đốc nhân mạnh mẽ, sẽ cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh Chúa cho phép xảy đến. Lời Chúa dạy điều nầy thật sâu nhiệm: “Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.” (Gia-cơ 1: 2-4 –BDM) (*).

Nói tóm một lời, điều mà Cơ-đốc nhân cần học tập và thực hành trong sự cảm tạ Chúa là phải cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình. Đó là chân lý đến từ Kinh Thánh vậy: “Trong mọi hoàn cảnh, hãy cảm tạ vì đây là ý muốn Đức Chúa Trời cho anh chị em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.” I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 18). Thi sĩ viết:

Chúa dạy là Cơ-đốc nhân,
Ta nên cảm tạ tri ân mọi điều. (1)
Dù bị thử thách bao nhiêu,
Dù bị bắt bớ lắm điều khổ đau.

Cảm tạ khốn khó qua mau,
Sẽ thấy phép lạ theo sau tức thời:
Năm ngàn người đói tả tơi,
Tìm đâu đủ bánh ở nơi khô cằn!

Một gương mẫu về tinh thần cảm tạ Đức Chúa Trời mà mỗi con dân Chúa cần học hỏi và áp dụng trong đời sống, đó chính là Chúa Giê-xu. Trong cương vị một con người sống ở giữa vòng loài người, Ngài đã thể hiện sự cảm tạ Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh. Có những hoàn cảnh điển hình mà Chúa Giê-xu đã bày tỏ lòng cảm tạ, Kinh Thánh đã ghi lại thật sống động và đầy ngạc nhiên. Đó là trường hợp Ngài hóa bánh ra cho hơn năm ngàn người ăn ngay ở giữa đồng vắng, không chợ búa, không thực phẩm. Ngài đã cầm năm ổ bánh và hai con cá, ngước mắt lên, chúc tạ Đức Chúa Trời, rồi hóa bánh ra nuôi đoàn dân đông ăn no nê, và còn thừa lại đến mười hai giỏ đầy: “Ngài cầm năm ổ bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, chúc phước, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ để dọn ra trước đoàn dân.” (Lu-ca 9: 16). Và trường hợp Ngài kêu một người đã chết chôn trong mộ bốn ngày rồi, sống lại và bước ra khỏi mộ một cách vô cùng ngoạn mục. Đó chính là La-xa-rơ. Trước khi thực hiện phép lạ kêu La-xa-rơ sống lại, Ngài đã ngước mắt lên trời cầu xin như vầy: “Thưa Cha, con cảm ơn Cha vì đã nhậm lời con!” (Giăng 11: 41). Hai phép lạ đặc biệt ấy của Chúa Giê-xu đã được thi sĩ TH thể hiện dưới những vần thơ lục bát khá hay và dễ đi vào lòng người như sau:

Năm bánh hai cá nhỏ nhen,
Làm sao cho đủ người ăn năm ngàn?
Cầm bánh “cảm tạ” Cha ban,
(2)Chúa làm phép lạ chứa chan dư thừa.

Nghĩa trang mộ đá ngày xưa,
La-xa-rơ chết đã vừa bốn hôm.
“Tạ ơn”, Chúa đã chúc tôn,
Rồi kêu sống lại thân hồn bước ra. (3)

Tạ ơn Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh vô cùng bi đát như thế không dễ chút nào, nhưng Đức Chúa Giê-xu đã làm điều đó một cách thật kỳ diệu, thật trọn vẹn để lại cho chúng ta “một gương, hầu cho chúng ta noi dấu chân Ngài” trong vấn đề cảm tạ Chúa trong đời sống theo Chúa của mỗi chúng ta.

Là Cơ-đốc nhân, cách duy nhất để sống đẹp lòng Chúa và làm vinh hiển danh Ngài, đó chính là vâng giữ và làm theo tất cả những điều Ngài đã dạy; nhất là trong vấn đề tạ ơn Chúa. Hãy nhớ rằng chúng ta phải tạ ơn Chúa trong mọi sự, vì biết rằng và tin rằng Chúa luôn luôn có chương trình tốt nhất cho mỗi đời sống chúng ta vậy. Chúng ta thường hay thiếu quân bình trong hai lãnh vực cầu xin và tạ ơn với Đức Chúa Trời. Chúng ta thường cầu xin quá nhiều, nhưng chúng ta lại tạ ơn quá ít, dù sự ban cho của Ngài dành cho mỗi chúng ta là không kể xiết (II Cô-rinh-tô 9: 15). Hãy nhờ ơn Chúa và nhớ lời Chúa để quân bình lại hai điều đó trong đời sống theo Chúa của mỗi chúng ta, hầu được Chúa đẹp lòng:

Lời Chúa khuyên dạy chúng ta,
Nên tạ ơn Chúa trãi qua mọi điều. (4)
Vui buồn, phước họa bao nhiêu,
Tin rằng Chúa biết những điều xảy ra.

TH có một kết luận bài thơ thật sâu sắc tại đây:

Trong quyền năng của Chúa Cha,
Tạ ơn mở lối trời hoa vui mừng.
Tạ ơn đường đến phục hưng,
Tạ ơn đắc thắng cho từng ước mong.

Một trong những bí quyết để nhận được quyền năng của Chúa Cha, một trong những bí quyết để bước vào con đường vui mừng đầy trọn, một trong những bí quyết để đời sống thuộc linh được phục hưng, và một trong những bí quyết để đạt được những ước mong cháy bỏng đẹp ý Chúa trong cuộc đời, đó chính là “TẠ ƠN”.

Từ “Tạ ơn” được thi sĩ lặp đi lặp lại ba lần trong khổ thơ cuối cùng. Đây là sự lặp lại có dụng ý của nhà thơ nhằm để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tạ ơn Chúa trong đời sống và phước hạnh do sự tạ ơn đem lại cho người nào biết thực hành nếp sống tạ ơn trong cuộc đời của mình.

Bài thơ vì vậy mà trở nên đáng yêu và đầy ý nghĩa!

Bài thơ nhờ vậy mà trở nên có sức truyền cảm đến người đọc khá mạnh mẽ.

Có thể nói “Tạ Ơn Chúa – Một bài thơ lục bát đầy cảm hứng!

Cảm ơn thi sĩ TH đã luôn dành cho Chúa những vần thơ từ trong tâm can của mình để ca ngợi Ngài, để tôn vinh Ngài.

Nguyện Chúa ban ơn thêm sức cho Mục sư – Thi sĩ trong quảng đời còn lại để tiếp tục ... nhả tơ thơ dâng lên cho Đức Chúa Trời kính yêu, và khích lệ nhiều tôi con Chúa khắp nơi trên linh trình theo Chúa và phục vụ Ngài.

Tôi chưa được gặp Mục sư – Nhà thơ TH ngoài đời bao giờ, nhưng tôi lại ... gặp ông thường xuyên trong ... thơ trên những trang mạng Cơ-đốc. Và rồi tôi đã ... mê thơ ông tự thuở nào không hay.

Tôi mong ước có một dịp nào đó được Chúa cho gặp Mục sư –Nhà thơ mà tôi hằng mến mộ nầy để được nghe ông kể chuyện về cuộc đời theo Chúa và kinh nghiệm trong chức vụ mấy chục năm hầu việc Ngài, cũng như nghe nói chuyện về làm thơ, nhất là làm thơ ca ngợi Chúa của ông.

Trong Thánh Thi 20: 4 có chép: “Xin Chúa ban cho ngươi điều lòng ngươi mơ ước. Và hoàn thành mọi kế hoạch của ngươi.” Tôi tin nơi lời Chúa dạy.

Nguyện xin Chúa ban cho mỗi một chúng ta luôn luôn biết tạ ơn Chúa mọi lúc mọi nơi trong cuộc đời của mỗi chúng ta. A men!

Mùa Tạ ơn 2018

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh Thánh trích dẫn trong bài viết là từ Kinh Thánh Bản Dịch Mới (BDM)