Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

Nhắm Mục Đích Mà Chạy

Từ bài giảng luận “Quyết Tâm Đầu Năm

CN Jan 06, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Philíp 3:14)

( đọc Phi-líp 3:1- )

Ngay khi mở đầu cho bài giảng luận, diễn giả đã phân tích khá tỉ mỉ giữa hai hành vi “quyết định” và “quyết tâm”, quyết định đơn giản chỉ là nêu ra vấn đề, còn quyết tâm là đoan chắc sẽ thực hiện cho bằng được sự lựa chọn đó. Chính điều đó dẫn luồng tư tưởng tôi đến sự cẩn trọng khi bước vào hai vấn đề đơn giản của câu được chọn hôm nay: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước.

Đây là một phân đoạn Kinh Thánh rất quen thuộc, nên có người đã từng vội vàng lý giải rằng: quên lửng sự ở đằng sau có nghĩa là buông bỏ quá khứ, để nhẹ nhàng bươn theo sự ở đằng trước, nhắm mục đích ở tương lai mà thẳng tiến. Tôi không có ý tranh cải về lập luận này, nhưng hãy đọc lại vài điều mà Thánh Kinh có ghi chép: “37 Đa-vít lại nói: Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay người Phi-li-tin kia”. (1Sam 14:34-37) ; còn đối với Phao-lô: “Vì phải khoe mình, thì tôi sẽ khoe mình về sự yếu đuối tôi.(2Co 11:30). Như thế, những điều xảy ra trong quá khứ của những người thuộc về Chúa không phải là điều nhất thiết không được đề cập đến. Chính vì thế nên tôi phải thật cẩn trọng tìm hiểu điều Phao-lô muốn nói đến ở đây để không sai lệch trong nhận thức lẽ thật của Thánh Kinh.

“Quên lửng” mang ý nghĩa đừng để sự tự hào hay sự tự ti của quá khứ gây áp lực trên quyết định dấn thân vào một tương lai sáng lạng ở phía trước. Nếu sở hữu những điều Phao-lô có được liệt kê trong phân đoạn Kinh Thánh trích dẫn cần đọc, tôi dám chắc là tôi không cách nào thoát ra được sự tự hào, tự mãn của bản thân. Đó sẽ là những ngăn trở khủng khiếp, những đòn chí tử làm tôi ngã quỵ trên đường theo Chúa. Nào những thế thôi, trong tôi còn có một địch thủ đáng gờm khác, đó là sự tự ti, lúc nào cũng nghĩ rằng mình không xứng đáng, mình thiếu ơn, kém khả năng, chẳng bằng ai hết và chẳng dám làm một việc gì cho Chúa, cho Hội Thánh, cho cộng đồng. Tôi phải thắng hơn chính mình và điều đó là hợp lẽ, bởi tôi không thể hầu việc Chúa bằng sức riêng của mình, nhưng bất cứ lúc nào, ở đâu và hoàn cảnh nào, tôi đều phải thuận phục và nương nhờ vào ân điển của Chúa để hoàn thành trách nhiệm được giao cho. Tôi không có gì để tự hào, nhưng tôi đã được cứu, được rửa sạch bằng huyết của Cứu Chúa; bây giờ trước mặt Chúa, tôi được công nhận là đủ điều kiện để thi hành một công việc nào đó Chúa thấy tôi đủ tin cậy để phó thác cho tôi. Tôi không còn gì để khoe khoang, cũng chẳng có gì phải hổ thẹn, nhẹ nhõm bước từng bước vững chắc, trung tín cho đến khi nhận lấy phần thưởng vẫn dành sẵn cho tôi ở cuối đường phục vụ Thiên Chúa.

Tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Có nhiều điều đáng nói ở vế sau này của quyết định quan trọng trong đời sống Cơ-đốc. Đây không phải là một công việc thông thường trên đất, nhưng là một sự kêu gọi từ trên trời của Đức Chúa Trời. Đó là một thánh chức chứ không thể coi là một công việc có thể xem nhẹ. Bởi thế, tinh thần hầu việc Chúa của tôi phải tích cực, nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải, thực sự chạy chứ không chỉ bước đi, không có quyền nhởn nhơ, thơi thảnh, muốn ra sao cũng được, hay chỉ là để anh em không dị nghị, trách cứ.

Tôi muốn trở lại công việc nhỏ này trong một tinh thần Cơ-đốc như trên. Bằng một thể lực suy yếu, một phương tiện và môi trường không hoàn hảo; xin với Chúa cho tôi thực sự có một mạch sống trong tôi tuôn trào để góp phần hầu việc Chúa với anh em, không phải chỉ đơn thuần là đón nhận và hưởng thụ, mà làm vinh hiển danh Chúa và gây dựng thân thể Đấng Christ cùng lớn mạnh và đem ích lợi cho vương quốc vĩnh hằng. A-men!