Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 14

Hy Vọng

Biến cố hãi hùng trong ngày 11 tháng 9 vừa qua đã đem lại không biết bao nhiêu tang thương và đổ vỡ. Tuy nhiên, giữa những tang thương và đỗ vỡ đó, chúng ta cũng thấy lóe lên những tia hy vọng. Có người đã nói con người có thể nhịn ăn một vài mươi ngày, nhịn uống một vài ngày và nhịn thở một vài phút mà vẫn có thể sống nhưng con người không thể sống một giây phút nào cả nếu không có hy vọng. Hy vọng không phải chỉ là ước mơ hay một điều mong muốn nào đó. Hy vọng đi chung với niềm tin và đó là lẽ sống của con người. Chính trong hy vọng mà người ta cầu nguyện, hướng về Đấng Chí Cao để kêu cầu. Bao nhiêu buổi cầu nguyện đã được tổ chức khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Mọi người đều hướng về Đấng thiêng liêng để kêu cầu. Trong hoàn cảnh hiện tại, không ai có thể phủ nhận sự quan quan trọng và cần thiết của yếu tố tâm linh. Và đó chính là điều chúng tôi trình bày hàng tuần trên hệ thống phát thanh nầy.

Trước những biến cố trong đời sống dù vui hay buồn, chúng ta đều có những phản ứng khác nhau, tùy nơi niềm tin của chúng ta. Sau biến cố ngày 11 tháng 9, một số người được thức tỉnh quay về tìm kiếm những giá trị tâm linh. Nhưng cũng có người bất bình, cho rằng Thiên Chúa bất công, thiếu tình thương hay đã không ra tay cứu giúp những người đặt niềm tin nơi Ngài. Con người chúng ta được Thiên Chúa ban cho ý chí tự do nên chúng ta có thể có những ý kiến và phản ứng khác nhau. Nhưng vấn đề là vấn đề chỗ đứng và cái nhìn của chúng ta. Con người hữu hạn, có những giới hạn về không gian và thời gian. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những gì ngay trước mắt mà không thấy được bức tranh toàn thể. Để thấy được bức tranh toàn thể, chúng ta cần có cái nhìn của đức tin, nhìn vào sự việc như cái nhìn của Thiên Chúa.

Cái nhìn của Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta qua Thánh Kinh là Lời của Ngài. Qua lời dạy của Chúa, chúng ta có thể hiểu được phần nào sự việc trong cái nhìn của Thiên Chúa. Lời Chúa cho chúng ta thấy những điều sau:

1. Sự đau khổ của con người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm của đau khổ là điều con người không giải thích được. Thánh Kinh ghi lại câu chuyện một con người đạo đức hiền lương tên là Gióp. Ông là người kính thờ Thiên Chúa, cư xử tốt với mọi người và không làm điều gì sai quấy, nhưng hết tai nạn nầy đến tai nạn nọ dồn dập xảy đến cho ông. Thiên tai và cướp bóc lấy đi hết của cải, tài sản và cả 10 người con của ông. Ông mắc phải một chứng bệnh mà mọi người đều xa lánh. Người vợ của ông chế nhạo, chê cười và bảo ông hãy rủa sả Đức Chúa Trời và chết đi cho rồi. Ba người bạn thân đến thăm, thay vì an ủi, vỗ về đã lên án, buộc tội ông cho rằng ông đã phạm tội với Chúa nên mới ra nông nỗi nầy. Trước hoàn cảnh đó, ông Gióp đã làm gì? Lúc đầu ông đã chấp nhận hoàn cảnh và không trách Chúa, ông ý thức thân phận khổ đau của con người, nhưng càng về sau, ông cũng đã than thân trách phận và cũng đặt câu hỏi với Chúa.

Tất cả những diễn tiến trên là trong cái nhìn của con người. Không một ai biết rằng đàng sau những biến cố đó là một thách thức của ma quỷ với Đức Chúa Trời về ông Gióp. Ma quỷ cho rằng sở dĩ ông Gióp kính thờ Chúa là vì Chúa ban phước cho ông. Bây giờ nếu Chúa đem tai nạn đến chắc ông không còn thờ kính Chúa nữa và Thiên Chúa đã cho phép quỷ sa-tan đem những tai nạn dồn dập đến cho ông Gióp. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng của Ngài qua thiên nhiên cho ông Gióp và những người bạn của ông thấy và họ chỉ có thể làm một điều là hết lòng tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban phước gấp bội lại cho gia đình ông Gióp về của cải, tài sản và con cái. Câu chuyện trên hé mở cho chúng ta thấy phần nào về huyền nhiệm của đau khổ. Con người chúng ta chỉ thấy một chiều, một phía mà không thấy phía bên kia. Đối diện với khổ đau, vì vậy chúng ta cần phải có đức tin. Tin nơi Thiên Chúa toàn năng đầy tình thương và tin tưởng vào quyền tể trị tuyệt đối của Ngài.

2. Quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa là một khía cạnh quan trọng khác trong lời dạy của Chúa. Thánh Kinh dạy: "Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người" (Thư La-mã chương 8 câu 28). Hai chữ "mọi sự" cho chúng ta thấy quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm cho mọi sự hợp lại sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài. Ai trong chúng ta cũng biết trò chơi ghép những mảnh vụn lại thành một bức tranh hay một hình ảnh xinh đẹp tiếng Anh gọi là jigsaw puzzle. Mỗi miếng trong bức tranh đó không có ý nghĩa gì cả, có khi còn có hình thù hay màu sắc quái dị nữa. Nhưng khi những mảnh vụn đó được ráp lại với nhau thì đó là cả một bức tranh xinh đẹp và có ý nghĩa. Cuộc đời của chúng ta và của cả thế giới nầy cũng vậy. Có những sự việc, những biến cố chúng ta không tài nào hiểu nổi. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao việc nầy việc nọ xảy ra trong đời sống chúng ta. Nhưng niềm hy vọng cho chúng ta như Thánh Phao-lô đã dạy, đó là, "CHÚNG TA BIẾT RẰNG Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người." "Chúng ta biết" nói lên tính cách xác quyết của chúng ta trước mọi sự việc và "những ai yêu mến Người" cho thấy tâm tình chúng ta cần có để vui sống. Sống với lòng kính yêu Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của đời sống.

Ý thức sự đau khổ của con người là một huyền nhiệm, ý thức quyền tể trị của Thiên Chúa trên mọi hoàn cảnh, chúng ta có hy vọng đích thực nơi Thiên Chúa và đưa chúng ta đến một hành động cụ thể là cầu nguyện. Nhiều người sẽ cho rằng cầu nguyện là thụ động là không thiết thực. Vâng, cầu nguyện là thụ động và không thiết thực thật nếu chúng ta chỉ cầu nguyện mà không làm gì cả. Nhưng cầu nguyện là bày tỏ lòng tin nơi Thiên Chúa và song song với lời cầu nguyện là những việc làm thực tế của chúng ta qua các công tác cứu trợ hoặc hiến máu hoặc đóng góp tài chánh. Cầu nguyện là yên lặng, công nhận rằng có một quyền năng, có một sức mạnh lớn hơn chúng ta, chúng ta không thể vượt qua được. Cầu nguyện là ý thức tính cách giới hạn và mong manh của con người. Cầu nguyện là bày tỏ niềm hy vọng trước cái huyền nhiệm của khổ đau và trước quyền tể trị tuyệt đối của Thiên Chúa.

Hai chữ quan trọng trong lời dạy của Chúa là "lợi ích" hay "tốt lành" hay "thiện mỹ." Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa làm cho mọi sự việc kết hợp lại với nhau đem lại lợi ích, tốt lành, thiện mỹ cho người yêu mến Chúa. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự cứu rỗi. Như con đối với cha, chúng ta chỉ cần yêu mến Chúa, tôn thờ Ngài, chúng ta sẽ có cái nhìn vượt thời gian và không gian, vượt cái nhìn hạn hẹp của con người để có hy vọng đích thực cho đời sống. Trọng tâm của Phúc Âm là Chúa Giê-xu. Qua cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa, kinh nghiệm ơn tha thứ và hiểu được tình yêu và chương trình của Ngài trong đời sống chúng ta. Niềm tin nơi Chúa Giê-xu sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn của Chúa. Cái nhìn đó sẽ giúp chúng ta sống trong tin yêu và hy vọng. Bao nhiêu người đã kêu cầu đến Chúa và có hy vọng đó. Riêng Bạn thì sao? Bạn đã kêu cầu đến Chúa để có hy vọng đích thực nơi Ngài không?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành