Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 9

Vẹn Lòng Trung Tín

Từ bài giảng luận “Giữ Lòng Trung Tín

CN Mảch 03, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống. (Khải-Huyền 2:10b)

(đọc Khải Huyền 2:8-11)

Xin được bắt đầu với một ít tư liệu về Hội Thánh Si-miệc-nơ, được diễn giả đặt tên cho là HỘI THÁNH TRUNG TÍN, so với Hội Thánh Thay Lòng (Ê-phê-sô) của bức thư thứ nhất:

Thật ra chúng ta không tìm thấy một tài liệu nào trong Kinh thánh về Hội thánh tại Si-miệc-nơ. Về phương diện lịch sử, thành Si-miệc-nơ cách thành Êphêsô 50 dặm về phía Bắc, hiện nay vẫn còn với tên gọi là Izmir. Đây là một thành phố cạnh tranh với thành Êphêsô về mọi mặt: Trong khi Êphêsô được gọi là thành phố "Ánh sáng của A-si", thì Si-miệc-nơ được gọi là "Bông hoa của A-si", thương mại, văn hóa, cũng như về việc thờ lạy hình tượng, nhất là hợp tác chặt chẽ với Lamã Đế quốc qua việc thờ lạy tượng Hoàng đế Lamã.

Đặc biệt, khoảng 600 TC., thành phố nầy đã từng bị người Lydians phá hủy hoang tàn, cho đến năm 400 TC. mới được gây dựng lại. Thành phố Si-miệc-nơ đã chết rồi nhưng đã sống lại, có lẽ đó là lý do Chúa xưng Danh Ngài là Đấng chết rồi mà đã sống lại, để nhắc họ.

Người ta biết đến Hội thánh tại Si-miệc-nơ là từ bức thư nầy và lịch sử Hội thánh ghi thời kỳ hậu Sứ đồ, Giáo phụ Polycarpe tuận đạo tại đó năm 168 SC. (trích từ bài “006 Thư Gởi HT Si-miệc-nơ”/tim-ai.net)

Chịu khổ là nét đặc trưng của hội thánh: đó là lý do giải thích tại sao tên gọi của hội thánh ở đây là Si-miệc-nơ. Si-miệc-nơ ra từ chữ myrrh (một dược), do đó có nghĩa là chịu khổ và tượng trưng cho hội thánh đang ở dưới cơn bắt bớ.( trích từ chương ba/hội thánh tại si-miệc-nơ/suoinuocsong.com)

Thông điệp Chúa dành cho tôi qua hai bức thư này là gì? Chúa không ngăn cấm tôi dùng cách này hay cách kia để phát triển công việc nhà Chúa, nhưng tôi phải cẩn trọng để đừng vì công việc bộn bề mà “bỏ” mất đi cái cội rễ tình yêu mà Chúa đã khổ công cấy vào trong lòng tôi; đó mới là căn nguyên cho mọi hành vi “kính Chúa, yêu người” mà tôi theo đuổi suốt cuộc đời mình. Trong quá trình hầu việc và thờ phượng Chúa, nếu tôi biết “giữ” lòng trung tín trong mọi việc lớn nhỏ, tôi sẽ được Chúa khen thưởng và sẽ ở bên Chúa đời đời, ở kề bên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và cũng là Đấng thắng hơn mọi sự, kể cả sự chết.

Ta biết sự khốn khó nghèo khổ của ngươi (dầu ngươi giàu có mặc lòng) (câu 9). Đó là một lời nhắc nhở, vì Chúa nhìn thấy hêt, bởi tôi có thể ảo tưởng về Hội Thánh nơi tôi sinh hoạt hay tự mãn với chính đời sống theo Chúa của tôi, tôi phải luôn tỉnh thức để học biết ngày càng hơn về Đấng mà tôi đang thờ phượng. Chỉ có tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa, tôi mới thật sự khôn ngoan và trưởng thành, nếu không tôi sẽ cứ miệt mài trong sự nghèo khó và ngu muội. Trung tín với Lời Chúa, tôi sẽ nên giàu có trong nước Ngài, Chúa luôn muốn tôi được hạnh phúc và Ngài muốn thấy tôi được hạnh phúc trong bước đường tưởng chừng như là quá khốn khó đó. Trung tín với Chúa, tôi mới có thể thắng hơn những cám dỗ ngọt ngào của thế gian này.

Khá giữ trung tín cho đến chết (câu 10). Sự gièm chê, sự khốn khổ, sự nghèo ngặt, sự mất mát có thể làm tôi thối lui, lời Chúa dạy tôi giữ trung tín trong nghich cảnh dù chúng có thể theo đuổi tôi lâu dài cho đế cuối đời, tôi cũng phải trung tín cho đến chết, tôi sẽ chiến thắng vì Đấng luôn ở bên cạnh tôi đã thắng rồi, tôi còn lo sợ điều gì khi không có thế lực nào có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Ngài.

Kẻ xưng mình là người Giu-đa, mà kỳ thực không phải, chúng nó vốn thuộc về hội quỉ Sa-tan (câu 9). Tôi không có ý nói đến ai khác, vì đây cũng là một lời Chúa nói với chính tôi, nếu tôi không thật sự trung tín với Chúa, tôi dù mang danh là tuyển dân, là con cái đức tin, là đại sứ của Chúa; tôi vẫn là kẻ bị xem như đứng về phía đối nghịch lại với Chúa. Tôi phải hết lòng trung tín với Chúa để có thể nhìn ra những kẻ như vậy mà không bị lôi cuốn ra khỏi vị trí chiến đấu của mình. Đức Chúa Jesus có lần dạy các môn đồ rằng : “Các ngươi sao chẳng hiểu rằng không phải về bánh mà ta muốn nói đâu? nhưng hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê”.(Mt 16:11). Đối với họ, tôi phải có thái độ dứt khoát như Chúa đã nói trong thư cho Hội Thánh Ê-phê-sô bên trên : “Song ngươi có điều nầy khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Ni-cô-la, mà ta, ta cũng ghét nữa”(Khải 2:6). Học giống như Chúa, nghĩa là tôi không ghét họ nhưng “ghét những việc làm” của họ. Lòng trung tín với Chúa sẽ giúp tôi thắng hơn cả trong lãnh vực này, vì điều đó có thể xảy đến ngay trong cộng đồng anh em tôi.

Tôi chắc chắn sẽ sống tốt bên cạnh Chúa, cho dù bây giờ tôi có thể sẽ chịu khổ và vẫn phải đối diện với sự chết thứ nhất như mọi người. Tôi ơi! “Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ” (câu 10).