Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 114

Chuyện... Hào Phóng (1)

Kinh Thánh: Châm Ngôn 11: 25; Giăng 3: 16; Công Vụ 20: 35.

Kính thưa quý độc giả và thính giả yêu quý,

Theo từ điển định nghĩa thì “hào phóng” có nghĩa là có lòng rộng rãi trong cuộc sống, rộng rãi trong sự ban cho.

Tôi đọc đâu đó trên internet, người ta cho biết, các nhà kinh tế học của Mỹ phát hiện ra rằng chỉ số sáng tạo của một quốc gia thường được dựa trên ba điều căn bản là tài năng, công nghệ, và sự khoan dung (hào phóng). Trong đó, khoan dung là chấp nhận sự khác biệt, chỉ có khi ta thấu cảm người khác. Những quốc gia có chỉ số khoan dung (hào phóng) cao nhất thế giới là Thuỵ Điển, Phần Lan, Mỹ, Hà Lan. Họ đều là những quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bực, dẫn đầu thế giới.

Có một số câu nói hay về sự hào phóng, rộng lượng như sau:

+ Sẽ không có tình yêu khi không có sự bao dung, sẽ không có sự tha thứ khi không có tình yêu đích thực

+ Tôi càng sống lâu, đọc nhiều, kiên nhẫn hơn và lo lắng tìm hiểu nhiều hơn, tôi dường như càng biết ít đi... Hãy biết vừa phải. Có lòng khoan dung. Sống nhún nhường. Như thế là đủ.

+ Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗi lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp.

+ Tha thứ là hành động tôi làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác. Nó thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc đời mà tôi học được và nó giúp tôi tiếp tục bước đi.

+ Hãy chủ động tìm kiếm cơ hội cho sự tử tế, cảm thông và kiên nhẫn.

...

Bạn có bao giờ gặp được người hào phóng chưa? Hay bạn đã từng có lần nào sống trong sự hào phóng, rộng lượng chưa?

Nếu sự hà tiện, chắt bóp đáng ghét bao nhiêu, thì sự hào phóng, rộng lượng đáng yêu bấy nhiêu.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường hay gặp những con người sống hà tiện, chắt bóp, chỉ biết khư khư giữ lấy cho mình, chứ không hề biết giúp đỡ người khác là gì. Những người như thế, khi gặp hoạn nạn, cướp bóc, thường bị người ta chế giễu, chê cười, hơn là cảm thông, chia sẻ nỗi đau.

Tôi nhớ hồi còn đi học, có học bài thơ mang tính chất trào phúng “Hỏi thăm quan Tuần mất cướp” của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ như một lời phê phán tên quan sống tham lam, ích kỷ, ky cóp, để rồi lâm phải cảnh bị kẻ cướp vào nhà cướp đồ đạt và đánh cho mình mẩy đến bị thương:

“Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông/ Nó lại lôi ông tới giữa đồng/ Cướp của, đánh người, quân tệ nhỉ / Thân già, da cóc có đau không?/ Bây giờ trót đã sầy da trán/ Ngày trước đi đâu mất mảy lông/ Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa/ Kẻo mang tiếng dại với phường ngông”

Sống mà ky cóp, ích kỷ thì khi gặp tai nạn, cũng chẳng mấy ai thương. Nhưng ngược lại, sống mà biết ban phát, sống hào phóng, rộng rãi thì ai cũng yêu mến, kính trọng phải không bạn?

Trong Kinh thánh có ghi lại những câu chuyện về sự hà tiện, chắt bóp như là để lên án tính xấu nầy của con người, như trong sách Sa-mu-ên thứ hai, chương 12, câu 1 đến câu 4 có chép lại một câu chuyện hà tiện ...nổi tiếng như sau:

“CHÚA sai tiên tri Na-than đi gặp vua Đa-vít. Ông đến gặp vua và nói: "Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, và một người nghèo. Người giàu có rất nhiều đàn chiên dê, và bò. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài một con chiên cái nhỏ mà ông đã mua. Ông nuôi nó, và nó lớn lên trong nhà ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, và ngủ trong lòng ông. Ông coi nó như một đứa con gái. Một ngày kia, có khách đi đường xa đến thăm người giàu. Ông này tiếc, không muốn bắt chiên dê, hoặc bò của mình làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo làm thịt đãi khách" -BDM (*)

Tôi tin rằng, không một ai trong chúng ta, khi nghe đến câu chuyện nầy mà lòng không giận người nhà giàu ích kỷ đáng ghét, không có chút lòng vị tha nào. Khi Tiên tri Na-than kể câu chuyện nầy cho vua Đa-vít nghe, thì mới vừa nghe xong, vua liền nổi giận và phán rằng kẻ làm điều đó thật đáng chết, vì không có lòng thương xót người khác.

Kinh thánh cũng ghi lại nhiều câu chuyện về sự hào phóng, rộng lượng đáng để chúng ta suy gẫm và học hỏi.

Một câu chuyện hào phóng nổi bật nhất trong Cựu Ước, có lẽ là câu chuyện về Áp-ra-ham dâng Y-sác, con một của mình cho Đức Chúa Trời, được ghi lại trong sách Sáng-Thế chương 22. Áp-ra-ham đến tuổi một trăm, Chúa mới ban cho ông một con trai một chính thức, tên là Y-sác. Có thể nói, không có niềm vui nào lớn hơn, không có gì quý báu hơn cho vợ chồng Áp-ra-ham và Sa-ra là Y-sác –đứa con của lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho .

Ấy vậy mà, khi Đức Chúa Trời muốn ông dâng đứa con yêu dấu hơn cả bạc vàng đó để làm của lễ thiêu cho Chúa, thì ông “đã không bàn với thịt và máu”, liền vui lòng vâng lời làm theo.

Kinh thánh ghi lại rằng: “Chúa bảo: “Hãy dắt Y-sác , đứa con một mà con yêu quý, đem đến vùng Mô-ri-a và dâng nó làm tế lễ thiêu trên một ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con.” (Sách Sáng Thế, chương 22: 2). Áp-ra-ham dậy sớm thắng lừa, đem Y-sác và hai đầy tớ theo cùng củi để đốt của lễ thiêu, rồi đi đến nơi Chúa chỉ định. Đến nơi, “Áp-ra-ham dựng một bàn thờ, sắp củi lên, rồi trói Y-sác , con mình, rồi đem đặt lên lớp củi trên bàn thờ. Áp-ra-ham đưa tay cầm dao để giết con mình.” (Sách Sáng Thế, chương 22, câu 9, 10). Ngay lúc đó, “Thiên sứ bảo: “Đừng giết đứa trẻ, cũng đừng làm gì nó cả! Vì bây giờ, Ta biết ngươi kính sợ Đức Chúa Trời và không tiếc con ngươi với Ta, dù là con một của ngươi!” (Sách Sáng Thế, chương 22, câu 12) Rồi, Đức Chúa Trời dự bị một con chiên đực để Áp-ra-ham làm của lễ thiêu thay cho con trai một của mình.

Sách Sáng Thế chương 22 là một câu chuyện hào phóng thật cảm động, cảm động đến...run sợ. Tôi tin rằng bất cứ người nào khi đọc đến câu chuyện đức tin cao độ và tuyệt vời của Áp-ra-ham trong Sáng Thế chương 22 cũng đều cảm phục và kính nể tấm lòng yêu mến Chúa tuyệt đối của ông. Áp-ra-ham có thể hy sinh mạng sống của ông vì Y-sác, nhưng với Đức Chúa Trời, nếu Ngài muốn, thì ngay cả Y-sác, ông cũng không tiếc với Ngài. Và ông đã thật sự dâng Y-sác khi Đức Chúa Trời bảo ông.

Áp-ra-ham thật là người có tấm lòng ...hào phóng với Đức Chúa Trời đáng cho chúng ta học hỏi và làm theo trên linh trình theo Chúa và phục vụ Ngài biết bao!

Một câu chuyện hào phóng khác trong Cựu Ước mà tôi cũng rất ấn tượng mỗi khi đọc đến.

Nếu Áp-ra-ham có tấm lòng ...hào phóng với Đức Chúa Trời, thì người này lại có tấm lòng hào phóng với đầy tớ của Đức Chúa Trời. Đó chính là câu chuyện về người đàn bà Su-nem. Bà có lòng hiếu khách, luôn nài mời đầy tớ của Đức Chúa Trời là Tiên tri Ê-li-sê dùng bữa ở tại nhà mình. Kinh thánh chép lại sự hào phóng của bà như sau: “Bà ấy nói với chồng bà: “Mình à, tôi biết người hay đi ngang qua nhà chúng ta đây, là người thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xây một căn phòng trên sân thượng, có tường vách hẳn hoi, rồi để trong đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cái đèn, để mỗi khi người ấy đến với chúng ta thì sẽ ở trong phòng ấy.” (Sách Các Vua thứ hai, chương 4, câu 9, 10)

Người đàn bà nầy thật là một con người chu đáo, tỉ mỉ. Xây một căn phòng có tường vách hẳn hoi để cho đầy tớ của Đức Chúa Trời đến ở đã là quý lắm rồi; nhưng bà vẫn thấy...còn thiếu, vẫn thấy là chưa đủ. Bà liền trang bị thêm một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cây đèn để phục vụ cho đầy tớ của Đức Chúa Trời, mà bà gọi một cách rất trân trọng là “người thánh của Đức Chúa Trời.”

Thiết nghĩ, Tiên tri Ê-li-sê sẽ rất cảm động mỗi khi đến ở trong căn phòng đó, vì ông thấy được tấm lòng hào phóng của người đàn bà nầy.

Mỗi lần đọc đến câu chuyện nầy, tôi cũng rất cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của người đàn bà Su-nem. Người đàn bà nầy không biết là tên gì, vì Kinh thánh không ghi lại, chỉ nói đến địa danh nơi bà ở là Su-nem thôi.

Dù không ghi lại tên người, nhưng tôi tin rằng mỗi khi người ta nhắc đến địa danh Su-nem, hay mỗi khi người ta có dịp đến thăm nơi nầy, hành động hào phóng của bà dành cho “người thánh của Đức Chúa Trời” là Ê-li-sê cũng được thế hệ hậu lai nhắc lại để nhớ đến bà.

Nếu nhiều con dân Chúa ngày nay cũng có tấm lòng hào phóng, rộng lượng như người đàn bà ở Su-nem ngày xưa, thì các đầy tớ của Đức Chúa Trời hẳn cũng sẽ được khích lệ nhiều lắm và vui mừng lắm lắm vậy...

Hỡi quý thính giả và độc giả yêu quý,

Quý vị có muốn sống một đời sống hào phóng, rộng lượng như Áp-ra-ham, như người đàn bà Su-nem không? Hỏi có nghĩa là đã trả lời. Tôi tin rằng quý vị cũng như tôi đều muốn sống một đời sống hào phóng, biết ban cho và giúp đỡ người khác.

Xin gởi tặng quý vị câu Châm ngôn ý nghĩa về sự hào phóng để chúng ta cùng được khích lệ sống trong tinh thần ban cho rộng rãi nhé.

“Người rộng rãi sẽ được no đủ. Kẻ cho người uống nước, sẽ được nước uống.” (Sách Châm Ngôn, chương 11, câu 25).

Nguyện Chúa ban phước cho hết thảy mỗi một chúng ta. A men!

(Còn tiếp một kỳ)

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)