Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 31

Một Chữ Đồng

Từ bài giảng luận “ĐỒNG TÌNH THƯƠNG, ĐỒNG TÂM TRÍ, ĐỒNG TƯ TƯỞNG

CN Aug 18, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

… anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. (Phi-Líp 2:2)

(đọc Phi-Líp 2:1-4)

Ngày nay, xã hội đang càng ngày càng tiến bộ, những phương tiện truyền thông đại chúng bằng nhiều cách đang níu kéo mọi người ngày càng như gần gủi lại với nhau. Dẫu vậy, để có thể đồng cảm với người nào đó ở quanh ta vẫn cứ là vấn đề nan giải, huống chi nói đến đồng tình, đồng tâm, hay đồng chí thật sự với nhau; cho dù đang cùng là thành viên của một đoàn thể. Với cộng đồng thánh của Chúa cũng không loại trừ. Vấn đề tưởng chừng như là không có lối thoát, vậy mà Thánh Kinh với chỉ vài hàng đơn giản, Phao-lô đã chỉ ra một phương án khả thi để chúng ta có thể thấy ra rằng trên đời này vẫn còn có thể sống vui vẻ trong sự hiệp một, mang niềm vui cho chính đời sống cá nhân, chia sẻ hạnh phúc với nhau qua nếp sống cộng đồng để làm vui lòng Cha chung đang ở trên thiên quóc chờ đón các con khắp nơi quây quần lại để hưởng hạnh phúc trong nước đời đời.

Hiệp một là vấn đề sinh tử cho mọi người chứ không riêng gì với Cơ Đốc Nhân. Bởi thế cho nên, trước khi từ biệt các môn đề của mình để bước lên thập giá, Đức Chúa Jesus đã cầu nguyện cho họ như vầy: “Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở thế gian, và Con về cùng Cha. Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy. ” (Giăng 17:11). Không ai trong chúng ta quên được câu chuyện ngụ ngôn về bó đủa mà người cha muốn dạy cho các con mình tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh. Đức Thánh Linh cũng đã cảm động để Phao-lô viết xuống những lời ví sánh sự thống nhất của Hội Thánh như thân thể toàn vẹn của Đấng Christ, khi gửi thư cho Hội Thánh Ê-phê-sô: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người” (Ê-phê-sô 4:4-6).

Vậy thì Kinh Thánh dạy làm sao để chúng ta cùng nhau có được một chữ ĐỒNG quý báu đó? Hãy đọc lại từ câu khởi đầu của phân đoạn 2, thư Phi-Líp này:

Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót (câu 1). Tất cả những điều được nhắc đến đều thấp thoáng hình ảnh của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện hữu đan xen nhau. Đó là cốt lõi của vấn đề. Nếu đời sống của tôi có sự hiện hữu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời cùng đồng công đưa tôi vào cuộc sống mới, nghĩa là tôi trở lại với mối thông công thân thiết cùng Chúa, thì với anh em, tôi cũng sẽ sống hiệp một với nhau chẳng có gì khó khăn cả. Kính Chúa thì có thể yêu người. Đồng cảm với Chúa thì trước sau gì cũng sẽ đồng cảm với người, với nhau thôi. Nếu tôi sống trong ân sủng của Chúa, thì anh em (trong đó có tôi) hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi (cho cả anh em và Chúa nữa) vui mừng trọn vẹn (câu 2)

Muốn được như vậy tôi phải luôn tâm niệm một điều đơn giản: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”(câu 3,4). Nghĩa là tôi không còn đặt mình chót vót trên đỉnh của cuộc đời, của lòng mình nữa, nhưng ở đó là sự ngự trị của Chúa. Và điều tôi cư xử thường xuyên với mọi người là “vì anh em mình trước khi lo nghĩ cho chính mình”. Đó là quyết định tự do của cá nhân tôi, tôi có toàn quyền ưng thuận hay từ chối.

Không biết với mọi người thì sao chứ với riêng tôi, thắng hơn chính mình trước hết không phải là chuyện đơn giản, nói là làm được. Câu trả lời cho tôi từ Thánh Kinh: nếu tôi chịu ở trong Chúa thì sẽ thấy kết quả tốt lành đó ngay thôi. Tôi tin như vậy, còn Bạn thì sao?