Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 118

Thơ Thanh Hữu - Một Tiếng Thơ Độc Đáo! (1)

(Kính tặng nhà thơ Thanh Hữu với lòng kính yêu!)

Trong số các nhà thơ Cơ-đốc được sinh ra từ vùng đất “Quảng Nam chưa mưa đà thấm” của miền Trung nước Việt mà tôi mến mộ và kính nể, có nhà thơ Thanh Hữu (TH).

TH là một nhà thơ Cơ-đốc có một tiếng thơ độc đáo, đáng để chúng ta tìm đọc và ...thưởng thức.

Tôi đọc được thơ TH hơi trễ, nhưng một khi đã ...khám phá ra được đây là một tiếng thơ độc đáo là tôi bắt đầu ...ghiền đọc thơ TH cho đến nay.

Không biết cho đến nay, TH đã cho ra mắt được mấy tập thơ rồi? Nhưng khi ...nhấp chuột vào trang Vietchristian.com, một trong những trang mạng Cơ-đốc mà tôi thường ...viếng thăm, chọn mục “Thơ” và tìm tên Thanh Hữu, là tôi thấy hàng trăm bài thơ của TH xuất hiện trên đó. Qua đó, tôi biết TH có một sức sáng tác khá mạnh, khá dồi dào, và ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ để ca ngợi Chúa.

Trước đây mấy năm, tôi có được đọc tập thơ “Nắng Đã Lên Rồi” của TH. Và cũng ...cả gan viết lời bình cho tập thơ ấy nữa (xem “Đọc Nắng Đã Lên Rồi” của Thanh Hữu” trên Vietchristian.com).

Nay, tôi lại được hân hạnh đọc thêm một tập thơ mới nữa của TH, đó là tập thơ “Cất Cánh Bay Cao” (CCBC). Và lại được đọc... trước mọi người nữa mới...đã chứ, vì tôi được ...giao một trọng trách là đọc để có vài lời giới thiệu tập thơ nầy với độc giả theo lời mời của tác giả.

CCBC là tập hợp hơn 150 bài thơ được TH sáng tác từ năm 2016 đến tháng 3/ 2019.

Có thể nói hai thể thơ chủ yếu được TH dùng để sáng tác trong tập thơ nầy là thơ lục bát và thơ tám chữ. Và đây cũng có thể nói là hai thể thơ sở trường của tác giả, nếu nhìn toàn cục những sáng tác của nhà thơ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Ngoài ra, cũng có một số bài thơ được làm theo thể thơ bảy chữ, và một vài bài tác giả kết hợp hai thể thơ bảy chữ và tám chữ lại với nhau một cách ...mới lạ và hay.

Thơ lục bát của TH có ba chữ “dễ” và một chữ “khó”, đó là dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc và ...khó quên. Điều đó cho thấy nhà thơ có tài làm thơ lục bát, vì lục bát là thể thơ dễ làm, nhưng khó hay, một khi một bài thơ lục bát ra đời, người ta có thể đọc nó dễ dàng, nhưng có điều là người ta có nhớ nó lâu trong lòng không mới là khó. Một khi người ta nhớ nó lâu là người làm thơ đã đạt được ...thành công rồi vậy.

Có nhiều bài thơ lục bát hay trong tập thơ đáng yêu nầy mà bạn nên đọc và nên nhớ. Có những bài thơ lục bát làm tôi không thể không chú ý tới như:

Ngày nay thế giới văn minh/ Người ta biết rõ ngoại hình của nhau/ “Facebook” khoe ảnh sang giàu/ Áo quần tươm tất, nhà cao bạn vàng. (Chúa biết tôi)

Hay:

Như nhà thông thái một thời/ Ta nhìn vào những con người trần gian. Tổng thống, tài tử, giàu sang/ Kẻ phát minh mới chỉ đàng mình đi/ Thất vọng, lạc lối, hồ nghi/ Tìm đâu phương hướng để đi về Nguồn/...Tình yêu, Lời Chúa hằng còn/ Lòng con nhất quyết sắc son theo Ngài/ Dù ai phê phán mặc ai/ Con bước theo anha sao Ngài mà thôi. (Theo ánh sao)

Bạn sẽ tìm đọc được nhiều những bài thơ lục bát hay và đáng nhớ như thế trong CCBC.

Đọc CCBC tôi thích tác giả ở điểm là nhà thơ luôn là một nhà quan sát ...tài tình.Từ những sự việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, tác giả liên tưởng đến đời sống tâm linh theo Chúa và rồi so sánh, đi đến chọn lựa điều gì tốt nhất nên theo, nên đeo đuổi, và khích lệ người khác đeo đuổi những giá trị có tính chất vĩnh hằng.

Cụ thể, khi nhà thơ quan sát cuộc sống hiện đại tại đất nước hiện đại nhất thế giới, siêu cường số một thế giới là Mỹ, nhà thơ đã viết:

Anh đang sống, nền văn minh hiện đại/ Hưởng dụng nhiều, những sản phẩm tinh khôn/ Bao tiện nghi, bao mạng lưới viễn thông/ Xe tự lái, máy tự hành, tự động/ Bao hỏa tiễn, trên trời cao lồng lộng/ Bao phi thuyền, vượt sao Hỏa không gian/ Bao tàu ngầm, lặn sâu biển ngút ngàn/ Bao “robot” phô trương ngoài siêu thị...Chỉ Thiên Chúa nguồn khôn ngoan thiên đạo/ Vượt đất trời, vượt vũ trụ thiên ngân/ Đấng tuyệt luân, tuyệt mỹ, và tuyệt trần/ Đấng tự hữu, nguồn yêu thương vô hạn. (Khôn ngoan người và khôn ngoan Trời)

Hay ở một bài thơ khác:

Một kỹ sư, với bàn tay khối óc/ Đã tạo thành một sản phẩm vô tri/ Dù đẹp xinh, nhưng máy chẳng biết gì/ Chẳng thông cảm, buồn vui hay hạnh phúc/ Máy tự động, nhưng chỉ là vật chất/ Biết đứng đi, theo máy tính lập trình/ Biết nói cười, theo bộ nhớ thông minh/ Biết hoạt động, theo quy trình sản xuất/ Máy có thể, dáng hình như người thật/ Biết vẩy tay, biết cong cổ cúi đầu/ Biết đứng ngồi, biết nháy mắt nhìn lâu/ Biết trò chuyện, nhưng vẫn là “robot”/... Ta là một, tuyệt phẩm Ngài mong đợi/ Ban thẩm quyền, trong mục đích tuyệt luân/ Hãy đứng lên, ta chúc tụng vui mừng/ Sống đắc thắng, trong tầm nhìn tuyệt đích. (Người và máy)

Rất nhiều những quan sát thực tế như thế được TH dùng để sáng tác thơ của mình. Và những bài thơ có ...gốc rễ từ thực tế như vậy thường để lại trong ta những ý nghĩa sâu sắc, những bài học đáng quý với những giá trị lâu dài, hữu ích, vì nó gần gũi với mình.

Trong CCBC, ta cũng thấy được trái tim của TH luôn luôn có một niềm đau đáu về những rào cản ngăn trở sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của đạo Chúa trên quê hương Việt Nam thân yêu của mình:

Với quê hương thân yêu, trái tim nhà thơ như cùng nhịp đập với người dân quê nhà trong những trăn trở trước vận nước đầy thách thức:

Thức đêm xem mạng truyền hình/ Đồng hương đứng dậy biểu tình khắp nơi/ Ngậm ngùi thương lắm ai ơi/ Quê hương đau khổ làm tôi chạnh lòng/ Nào anh lao động công nhân/ Chị bán rau cải, cùng anh thợ hồ/ Nào bác đang đạp xích lô/ Sinh viên, giáo chức vang hô ngập đường/...Vượt trên thế lực trần gian/ Vượt trên sức mạnh, mưu toan con người/ Trong Danh Cứu Chúa Ngôi Lời/ Tuyên bố bẻ ách bao đời đau thương. (Khóc cho quê hương)

Hay trong một bài thơ khác với tình hình thời sự nhà cầm quyền Việt Nam muốn cho Trung Quốc thuê đất làm ba đặc khu đến ...99 năm, làm người dân cả nước như đứng ngồi không yên trước những ...dự luật đáng sợ nầy, nhà thơ cũng không thể nín lặng được, dù tuổi đã về chiều:

Muốn yên lặng, khi quê hương dậy sóng/ Muốn làm ngơ khi tuổi đã về chiều/ Vì biết rằng mình chẳng sống bao nhiêu/ Nhìn đất nước đang trên bờ vực thẳm/ Chín chín năm, tôi bấm tay tính nhẩm/ Là ba đời, ba thế hệ nhân sinh/ Việc ngày nay, ảnh hưởng con cháu mình/ Chúng hãnh điện hay cúi đầu tủi nhục/...Chúng không muốn cúi đầu trong nhục nhã/ Vì ông cha bán đất mẹ cho Tàu/ Chúng không muốn mang tủi hận thương đau/ Vì dòng họ của mẹ, cha bán nước? (99 năm)

Với sự phát triển chậm chạp của đạo Chúa, TH cũng sốt ruột, nóng lòng vì những rào cản không đáng có đang làm chậm lại đà phát triển của Tin Lành trên quê hương thân yêu khi so sánh với những nước trong cùng khu vực:

Sao em mằm mãi trong nôi?/ Tin Lành Nam Việt lâu rồi y nguyên?/ Mẹ cha đã tốn nhiều tiền/ Mua sắm áo tốt, góp quyên nhà thờ/ Em có cơ sở nên thơ/ Khang trang rộng rãi bây giờ tiện nghi/ Nhưng buồn em vẫn chưa đi/ Trong nôi nằm mãi biết khi nào ngừng?/ Trăm năm làm lễ ăn mừng/ Buồn lòng, không lớn, chưa từng biết đi/ Bịnh tật “bảo thủ” căn di/ Nằm nôi cứ tưởng Ê-li lên trời. (Nằm mãi trong nôi)

TH thấy được một trong những rào cản lớn khiến cho đạo Chúa chậm phát triển trên quê hương, đó là rào cản giáo phái, rào cản bảo thủ, truyền thống, khiến Thánh Linh không thể tự do vận hành cách mạnh mẽ để mở mang vương quốc Chúa được:

Mời Linh Thánh Chúa yêu thương/ Mở khai tâm trí, mở đường suy tư/ Không theo truyền thống khư khư/ Cho mình chính nghĩa riêng tư một mình/ Trời mây, sông, núi mông mênh/ Quyền năng, ân tứ đổ trên bao người/ Á, Phi, Nam Mỹ Chúa ơi/ Phấn hưng tràn ngập bao lời ngợi khen/...Vượt trên giáo phái nhân sinh/ Vượt trên tổ chức, hòa mình anh em/ Trông chờ gió thổi bùng lên/ Phấn hưng ào đến đậu trên nhiều người. (Rập khuôn hay biến hóa)

(Còn tiếp một kỳ)

Mục Sư Nguyễn-Đình-Liễu.