Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 272

Lưỡi Người Khôn Ngoan




“Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay.” - Châm-ngôn 12:18

Chúa nói với chúng ta qua Lời của Ngài rằng lưỡi có sức mạnh đáng sợ và kinh ngạc. Chúng ta có thể sử dụng cái lưỡi của mình để mang lại phước lành và sự sống hay là dùng lưỡi để nói những lời nguyền rủa và đem đến sự chết. Lưỡi của chúng ta có thể là bộ phận khó kiểm soát nhất và khiến chúng ta rất hối hận nếu chúng ta sử dụng lời nói của mình mà vô tình hay cố ý làm tổn thương người khác. Để kiểm soát được lời nói, miệng lưỡi của chúng ta, thì chúng ta cần phải xin Đức Thánh Linh hướng dẫn, và suy gẫm Lời Ngài và làm theo!

Châm-ngôn 12:18 cho chúng ta biết, lưỡi có thể là một cái gươm đâm chết người khác, khi chúng ta nói những lời “vô độ”. Thật vậy, trong lời nói, có những từ ngữ đâm chém, giết hại, giống như những nhát kiếm. Có những lời nói ngang ngược làm đau buồn linh hồn người khác và đâm vào trái tim của họ. Những lời vu khống, giống như một thanh kiếm, làm tổn thương danh tiếng người khác và có lẽ không thể chữa lành hay lấy lại được. Những lời thì thầm, nói xấu, chỉ trích, và những điều xấu xa, thì giống như một thanh kiếm chia rẽ và cắt xén những biên giới của tình yêu và tình bạn, và phân rẽ những người thân yêu nhất với nhau. Lời vô độ là lời không độ lượng, không đo lường, không suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra; và sẽ làm tổn thương người nghe! Mặc khác, lưỡi cũng nói ra những “phương thuốc hay”, chữa lành người nghe. Lưỡi của người khôn ngoan, là lưỡi của những người kính sợ Chúa. Lưỡi của người khôn ngoan nói ra những lời khích lệ, nâng đỡ, yên ủi, hàn gắn những vết thương, phục hồi lại hòa thuận, và điều chỉnh các vấn đề. Có ít nhất 5 điều chúng ta cần suy xét trước khi nói, hầu cho lời nói chúng ta sẽ là “phương thuốc hay” đem đến sự chữa lành, bình an, khích lệ cho người nghe đến.
Thứ nhất, chúng ta cần nói đúng lúc, “nói khi nào”, “lúc nào thì nên nói”, tức là thời điểm đúng để nói. “Lời nói đúng lúc, khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc” (Châm-ngôn 25:11, BDM). Tự thân trái táo bằng vàng đã rất đẹp. Đặt những trái này trên đĩa bạc chạm trổ sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của chúng. Tương tự, cẩn thận chọn thời điểm thích hợp để nói có thể làm cho lời nói của chúng ta thu hút và hiệu quả hơn. Đôi khi chúng ta không nên nói, mà im lặng thì tốt hơn, “có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7b); “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” (Châm-ngôn 10:19).
Thứ hai, chúng ta cần nói đúng “lòng mình” (hay là thái độ, tâm trạng khi nói phải đúng cách). Cần phải xem xét lòng mình vui hay buồn, có đang tức giận không, có thù hằn gì không, hay là muốn giúp đỡ anh chị em mình lớn lên trong Chúa. Chúa Giê-su dạy rằng “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác” (Ma-thi-ơ 12:34b-35). Do đó, việc chọn những lời thích hợp bắt đầu từ trong lòng. Lời nói thường phản ánh cảm nghĩ thật sự của chúng ta về người khác. Nếu lòng tràn đầy tình yêu thương và thông cảm, thì lời nói của chúng ta chắc sẽ có sự khích lệ, nâng đỡ, tích cực xây dựng.
Thứ ba, chúng ta cần nói “đúng lợi ích” (hay mục đích nói để làm gì). Lời nói phải có lợi ích giúp người nghe, như sứ đồ Phao-lô đã khuyên rằng, ”chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29); “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6); “Môi miệng người công bình nuôi dạy nhiều người” (Châm-ngôn 10:21a). Lời tiên tri Ê-sai cho chúng ta biết, Đấng Mê-si-a được Đức Chúa Trời ban cho cái lưỡi để nói lời nâng đỡ kẻ mệt mỏi, “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi” (Ê-sai 50:4a).
Thứ tư, chúng ta nên nói đúng lời, dùng lời nói lành, lời nói lương thiện. Chúng ta cần chọn lựa từ ngữ thích hợp để nói, để tránh sự hiểu lầm! Dùng lời dễ hiểu, ngắn gọn, không nên dài dòng. “Miệng hay đáp giỏi khiến người vui vẻ; và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao” (Châm-ngôn 15:23); “Các mưu ác lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Song lời thanh sạch đẹp lòng Ngài” ( Châm-ngôn 15:26).
Thứ năm, chúng ta cần dùng đúng Lời Chúa để khuyên bảo, nâng đỡ, cầu nguyện, và gây dựng đức tin cho nhau, “Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).
Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có lưỡi để nói những lời lành! Chúng ta cần phải cẩn thận sử dụng lưỡi của mình, để khi nói ra sẽ giúp ích cho người nghe và được đẹp lòng Chúa. Phải luôn cẩn thận trong lời nói, vì lời nói có sức mạnh vô lường – có thể giết người và có thể nâng đỡ tinh thần, đem đến hy vọng. “Vả, Ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt lành, thì phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác và lời gian giảo” (1 Phi-e-rơ 3:10). Chúng ta nhớ rằng, chúng ta phải khai trình và chịu trách nhiệm về lời nói của chúng ta, Chúa Giê-xu phán, “Vả, ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt” (Ma-thi-ơ 12:36-37). Nguyện xin Chúa Thánh Linh dạy chúng con nói đúng lúc, đúng lòng (hay là đúng thái độ), đúng lợi ích, đúng lời (dùng đúng chữ nghĩa), đúng Lời Chúa cho người nghe đến, “Chúa ơi, xin mở môi tôi, rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi khen Chúa” (Thi-thiên 51:15); “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi” (Thi-thiên 141:3).

Khi cần đối đáp bạn ta,
Nói lời "ân hậu", thật thà đổi trao,
Đừng nên vô ý làm đau,
Tránh đi cãi lẩy, càu nhàu hư không!
Phải nên dọn sẵn tấm lòng,
Nhu mì, nhịn nhục, ra công giúp người,
Và luôn giải thích theo Lời,
Thánh Kinh dạy bảo, cứu đời lầm sai!

Ngọc Huỳnh Bích