Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 126

Chuyện... Hư Không Và... Không Hư!

Kinh thánh: Giáo Huấn 1: 2; 12: 13-14; Lu-ca 12: 16-21; I Giăng 2: 17 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Nữ sĩ tài danh của Việt Nam chúng ta là Bà Huyện Thanh Quan đã từng có bài thơ hoài cổ kinh điển nổi tiếng với tựa đề “Thăng Long thành hoài cổ” như sau:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!”

Một bài thơ thất ngôn bát cú cực hay, như một viên ngọc trong văn chương Việt Nam từ cổ chí kim.

Bài thơ nói lên nỗi lòng của thi sĩ khi đứng trước Thăng Long thành đã từng là một thời vàng son với “ngựa xe như nước, áo quần như nen” (Nguyễn Du); nhưng rồi qua những biến thiên của thời cuộc, của vận nước nổi trôi, nay hoang tàn, chỉ còn cỏ cây với nền cũ cô tịch khiến lòng thi sĩ như đau đáu một niềm thương nỗi nhớ về một nơi vô cùng yêu dấu một thời.

Mỗi khi đọc đến bài thơ nổi tiếng đó là tôi nghĩ đến chuyện...hư không trên thế giới nầy. Có thể nói một cách chắc chắn rằng mọi vật, mọi công trình trên thế giới nầy rồi sẽ qua đi theo thời gian, theo những biến thiên của cuộc đời, của thế sự, của vũ trụ. Không có gì là có thể còn lại lâu dài, mãi mãi cả.

Nhà thơ Tú Xương tài hoa của Việt Nam cũng từng có một bài thơ nói đến những sự thay đổi đến “giựt mình” trong cuộc sống, trong xã hội. Đó là bài thơ “Sông lấp”:

“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”

Sông Vị Hoàng, một con sông đáng yêu của quê nhà thuở nào mà bây giờ một đoạn sông bên nhà thi sĩ ở đã biến thành...đồng bằng, và người ta làm nhà cửa, rồi trồng ngô khoai trên đó. Không ai có thể ngờ nơi nầy trước đây đã từng là một dòng sông hiền hòa, thơ mộng. Đêm nằm ngủ, nghĩ về quá khứ của quê hương, bất chợt nghe tiếng ếch vang lên giữa đêm thanh vắng làm nhà thơ nhớ đến nao lòng tiếng gọi đò thuở xưa trên bến sông xưa.

Tiếng ếch thì có thể có nhiều người nghe, nhưng để có được cái “giựt mình” đầy nỗi niềm đó thì chỉ có những người có trái tim nhạy cảm như Tú Xương thi sĩ mới có được.

“Sống lấp” quả là một bài thơ mang nhiều cảm xúc với sự hoài niệm về quá khứ thật xúc động và đầy tâm trạng.

Khi nói đến sự hư không của đời người, của sự vật, tôi nhớ đến lời của hoàng đế Sa-lô-môn đã viết trong sách Giáo Huấn thật sâu sắc như một triết lý, và hơn thế nữa là một chân lý trong cuộc sống.

Mở đầu sách Giáo Huấn của mình, vua Sa-lô-môn đã viết:

Giảng Sư nói: Phù vân, hư ảo! Hư ảo, phù vân!” (Sách Giáo Huấn, chương 1, câu 2a). Và rồi trong suốt sách Giáo Huấn, nhà vua nhắc đi nhắc lại ý nghĩa “phù vân, hư ảo” đó ít nhất là ba mươi bảy lần. Từ “phù vân, hư ảo” trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hơi nước”, “hơi thở”, chỉ sự mong manh, chóng qua đi của sự vật.

Chúng ta biết Sa-lô-môn là một vị vua Do-thái khôn ngoan nhất trong suốt lịch sử nhân loại; trước chẳng ai bằng và sau chẳng ai hơn. Ông đã luận về lịch sử học, về thiên văn học, về khí tượng học, về thủy văn học, về thế giới học, về khôn ngoan học, về giải trí học, về nông nghiệp học, về động vật học, về tài chính học, về nghịch lý học... trong sách của mình. “Vua nói ra ba ngàn câu châm ngôn và sáng tác một ngàn lẻ năm bài hát” (Sách 1 Các Vua, chương 4, câu 32). Một trí khôn trác tuyệt như thế làm sao người ta không ngạc nhiên được. Nữ hoàng của Sê-ba khi được đến diện kiến vua để xem sự khôn ngoan của ông thì bà “hết hồn, mất vía” (Sách 1 các Vua, chương 10).

Sau khi luận về hầu như mọi lĩnh vực trong đời sống như thế, vua đã đi đến kết luận trong cuối sách Giáo Huấn rằng: “Cát bụi trở về với cát bụi. Và tâm linh trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó. Giảng Sư nói: Thật là phù vân, hư ảo! Hư ảo, phù vân! Trí người không thể nào hiểu nổi mọi việc xảy ra trên đời.” (Sách Giáo Huấn, chương 12, câu 7, 8)

Vâng, mọi sự trên đời nầy rồi sẽ ra hư không hết, nếu không có Đức Chúa Trời trong cuộc đời của mình. Đó chính là chân lý mà Sa-lô-môn đã bày tỏ và con người cần học biết vậy!

Nhà văn Mark Twain nổi tiếng của Mỹ có nói “Cuộc đời là một giai đoạn vô nghĩa giữa chiếc nôi với chiếc quan tài.”

Nhưng thưa bạn,

Có một hy vọng cho con người chúng ta, ấy là nếu cuộc đời của mỗi một chúng ta có Đức Chúa Trời thì nó sẽ trở nên không hư.

Sau khi trải qua cả cuộc đời với đầy đủ mọi vinh hoa, phú quý ở trần gian, hoàng đế Sa-lô-môn thấy cuối cùng rồi tất cả đều là hư ảo, hư không, không có gì có thể tồn tại được mãi với thời gian. Và rồi, Sa-lô-môn đi đến kết luận một cách rất chính xác rằng: “Tóm lại, hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và vâng giữ các điều răn Ngài, vì đó là bổn phận của mọi người. Vì Đức Chúa Trời sẽ xét xử mọi việc, dù lành hay dữ, kể cả mọi việc kín giấu.” (Sách Giáo Huấn, chương 12, câu 13, 14)

Kinh thánh sách Phúc Âm Giăng chương 3, câu 16 chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.

Vâng, tất cả mọi sự trên đời nầy đều sẽ là hư không, nếu không có Đức Chúa Trời trong cuộc đời. Và ngược lại, nếu cuộc đời nào có Đức Chúa Trời hiện diện thì cuộc đời đó sẽ đầy ý nghĩa và...không hư. Đó là lời khẳng định từ Kinh thánh, quyển sách quan trọng nhất trong vũ trụ nầy.

Câu Kinh thánh trong sách Giăng, chương 3 ở trên là một câu Kinh thánh được nhiều người thuộc nhất trên thế giới, vì nó được xem như là trái tim của Kinh thánh. Câu Kinh thánh quý báu đó nói lên tình yêu thương vô cùng lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho con người và nói đến một đời sống không bị hư hoại khi có Đức Chúa Giê-xu làm chủ.

Trong sách Phúc Âm Lu-ca, chính Chúa Giê-xu có kể một câu chuyện như sau: “Ruộng của một người kia rất trúng mùa. Ông này ngẫm nghĩ: “Ta phải làm gì đây? Vì ta không còn chỗ để chứa hoa lợi nữa!” Rồi tự nhủ: “Ta sẽ làm thế này: ta sẽ phá dỡ các kho lẫm, xây lại cho lớn hơn. Ta sẽ thu trữ tất cả mùa màng của cải ta vào đó.” Ta sẽ bảo linh hồn ta: “Linh hồn ơi, ngươi đã có lắm của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi!”

Nhưng Đức Chúa Trời bảo ông ta: “Hỡi kẻ khờ dại kia! Đêm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, vậy của cải ngươi sắm sửa đó sẽ thuộc về ai? Những kẻ tích lũy tiền của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời cũng sẽ như thế!” (Sách Lu-ca, chương 12, câu 16-21)

Thật là một câu chuyện sâu sắc và đầy ý nghĩa cho mỗi một chúng ta. Nếu không có Chúa trong cuộc đời thì mọi sự rồi sẽ ra hư không hết mà thôi!

Vua Tự Đức, một vị vua nổi tiếng là văn hay chữ tốt, đã từng có những vần thơ như sau:

“Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê
Sống gửi rồi ra lại thác về
Khôn dại cùng chung ba thước đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê...”

Bài thơ của một hoàng đế đã thốt lên thực trạng chung của con người trên thế gian này, đó là mọi sự rồi sẽ qua đi mất, dù cho có là đế vương đi nữa, dù cho có khôn hay dại, giàu hay nghèo, ngẫm nghĩ sẽ thấy ghê sợ vì cái sự hư không của nó, cái chóng qua của nó, cái mong manh của nó. Và cuối cùng rồi ai ai cũng phải nằm xuống dưới “ba thước đất” mà thôi.

Thật chí lý phải không bạn?

Sứ đồ Giăng đã có một lời khẳng định dứt khoát rằng: “Và thế gian cùng với dục vọng của nó đều qua đi, nhưng ai làm theo ý định của Đức Chúa Trời tồn tại đến đời đời.” (Sách 1 Giăng, chương 2, câu 17)

Thế gian và mọi sự trên thế gian nầy rồi sẽ qua đi tất cả, đều sẽ hư không hết, nhưng nếu ai vâng giữ lời Kinh thánh, tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời thì người đó sẽ...không hư, sẽ được sự sống đời đời.

Nhà bác học Pháp nổi tiếng Blaise Pascal có một đặt cược cuộc đời rất sâu sắc: “Giả như Thượng Đế không có, ta chẳng mất gì cả, nếu đã tin vào Ngài. Nhưng nếu có Ngài, ta sẽ mất tất cả, nếu ta không tin.”

Thưa quý độc giả và thính giả là những người chưa tin Chúa Giê-xu,

Tôi ước mong bạn sẽ có cơ hội đọc hoặc nghe được lời Kinh thánh phán dạy về sự hư không của một cuộc đời không có Đức Chúa Trời, nhất là trong sách Giáo Huấn. Và rồi bạn cũng sẽ nhận biết được rằng nếu bạn có Chúa Giê-xu trong cuộc đời thì cuộc đời bạn sẽ...không hư. Bạn sẽ nhận được sự sống vĩnh phúc ở trong Ngài.

Hãy đến và tin nhận Chúa Giê-xu để cuộc đời bạn từ chỗ hư không sẽ biến thành không hư bạn nhé!

Martin Luther, nhà cải chánh giáo hội vĩ đại người Đức đã từng nói rằng: “Tôi đã ôm trong tay nhiều thứ, nhưng rồi mất tất cả, chỉ những gì tôi trao vào tay Chúa là còn thôi.”

Hãy trao cuộc đời bạn vào tay Chúa để bạn có được một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc miên viễn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban phước cho bạn cũng như cho tôi. A men!

California, ngày 18. 10. 2019

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)