Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 129

Khoảng Cách Giữa Hai Thế Hệ (Kỳ 2)

Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6)

Có ba loại gia đình mà con cái chúng ta chịu ảnh hưởng mỗi tuần. Gia đình thứ nhất là gia đình ruột thịt gồm có cha mẹ và anh chị em của chúng nó. Gia đình thứ nhì là trường học hay nhà thờ gồm có thầy cô và bạn bè. Gia đình thứ ba là bạn bè bên ngoài. Cho dù thuộc loại gia đình nào ở trên, con cái chúng ta đều ao ước có được hai điều: được yêu thương và được chấp nhận. Nếu chúng nó không cảm nhận được yêu thương và chấp nhận từ gia đình thứ nhất là cha mẹ và anh chị em thì chúng nó sẽ đi tìm hai điều đó trong gia đình thứ hai hoặc thứ ba. Tuần trước, chúng ta đã suy gẫm con cái cần được yêu thương. Hôm nay, mời bạn cùng tôi suy gẫm điều cần thứ hai là được chấp nhận.

2. Cần Được Chấp Nhận.

Điểm quan trọng trong gia đình Việt Nam tại xứ Mỹ nầy là phải chấp nhận sự pha trộn văn hóa, ngôn ngữ, và cá tính của con cái trong gia đình. Nếu chúng ta lấy một viên bột màu trắng trộn với viên bột màu đỏ thì nó sẽ trở thành màu hồng. Con cái của chúng ta sinh trưởng tại hải ngoại sẽ không thể nào là màu trắng hay màu đỏ được nhưng mà là màu hồng. Lối sống chúng nó bị pha trộn giữa hai văn hóa Việt-Mỹ. Ở tuổi thiếu niên, các bạn trẻ thích có mái tóc nhiều màu và mặc áo quần theo đúng mốt mới mỗi khi đi ra ngoài. Các bạn thích nghe những loại nhạc và dùng từ ngữ của riêng thế giới mình. Ngày nay, người ta gọi giới trẻ là “Thế Hệ Cuối Đầu” “Look Down Generation” vì các bạn trẻ nầy thích đeo headphone để nghe nhạc và cúi đầu nhìn cell phone xem hình ảnh và nói chuyện với bạn bè mình.

Ta cần phân biệt giữa con người, lời nói, và việc làm của con cái mình. Ta có thể không chấp nhận lời nói hay việc làm của con cái về một vấn đề nào đó. Nhưng ta vẫn chấp nhận chúng nó là con cái của mình. Điều đầu tiên con cái nhận biết cha mẹ có chấp nhận chúng nó hay không là do ánh mắt. Ánh mắt đến từ thái độ và con tim. Nếu tư tưởng hay thái độ và trái tim chúng ta chấp nhận con cái thì sự chấp nhận đó sẽ được bày tỏ qua nhiều hành động cụ thể. Một trong năm Ngôn từ Tình yêu của Mục sư Tiến sĩ Gary Chapman, thì “Lời Nói” đóng vai trò không kém phần quan trọng trong sự dạy dỗ con cái. Thay vì dùng quyền lực để ra lệnh cho con cái ta hãy giải thích, động viên, và hướng dẫn chúng nó.

Một trong những điều cần thiết trong gia đình người Việt Cơ Đốc tại hải ngoại là dạy con cái mình nói và hiểu được tiếng Việt. Có người nói rằng nếu ta nói được hai ngôn ngữ - tiếng mẹ đẻ và tiếng ngoại quốc thì giá trị bằng hai người. Hãy cùng nhau giúp đỡ dạy dỗ con cái chúng ta biết nói tiếng Việt. Nếu tiếng Việt còn thì văn hóa Việt mới còn và lòng yêu mến quê hương và đồng bào Việt mới mong tồn tại lâu dài. Như vậy, cách hay hơn hết là ta nên khuyến khích và giúp đỡ con cái mình thông thạo được tiếng Việt và tiếng Anh. Có đầu tư như thế, con em của chúng ta mới có thể dự phần hầu việc Chúa giữa vòng cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại và quê hương sau nầy.

Khi con cái ở trong tuổi thiếu nhi thì cha mẹ có thể làm một số việc như sau:

- Hãy cầu xin Chúa soi dẫn mình biết những điều tích cực (positive) về con cái mình mỗi ngày. Hãy cho con cái mình biết những điều tích cực đó. Đừng nhắc đi nhắc lại những điều tiêu cực (negative), nhưng hãy nói những điều tích cực. Đừng khen trước rồi chê sau. Hãy khen ngợi con cái hôm nay. Còn những điểm khuyết ta hãy chọn nói vào một thời điểm khác!

- Hãy nhìn vào ánh mắt của con cái khi nói chuyện với chúng nó. Hành động nầy bày tỏ rất nhiều tình yêu thương. Đừng bao giờ nói chuyện với con mà ánh mắt bạn lại nhìn vào một vật khác.

- Đừng sợ sẽ phải bỏ nhiều luật lệ trong nhà. Đôi khi ta nên thức khuya chơi games với con cái mình hay đi ăn kem hoặc xem xi-nê với chúng nó vào những buổi cuối tuần.

- Hãy hỏi ý kiến con cái của bạn về một số việc trong gia đình. Nếu con cái trong tuổi thiếu niên, bạn nên thông qua ý kiến với con cái khi phải làm một quyết định lớn như thay đổi việc làm, chỗ ở, hoặc Hội Thánh.

- Hãy viết một lời khích lệ và đặt nó trên bàn học hay để vào quyển Kinh Thánh của con cái mình.

- Hãy yêu thương con cái bằng cách áp dụng đúng ngôn ngữ tình yêu của chúng nó.

Một Mục sư Việt Nam tâm tình rằng khi con cái ông đến tuổi thiếu niên thì ông xem chúng nó như là bạn của mình. Ông tìm mọi cơ hội để nói chuyện với con của mình. Ông tôn trọng ý kiến của chúng nó. Ông làm gương và chỉ dẫn chúng nó qua những việc làm chung với nhau trong gia đình. Ông để tâm đến đời sống tâm linh của các con và thường cầu nguyện cho chúng nó. Ông cho biết qua sự gần gũi thân mật cách thường xuyên với các con, ông được chúng nó kể cho ông biết nhiều sinh hoạt hằng ngày và suy nghĩ của chúng nó. Nhờ đó, ông mới biết được một phần nào của đời sống con cái ông mỗi ngày ngõ hầu có thể cầu nguyện đúng nhu cầu cho các con của ông.

Việc làm của vị Mục sư kể trên cũng giống như việc làm của Gióp thuở xưa được ghi lại trong Gióp 1:1-5. Gióp làm công tác của một thầy tế lễ (minister - mục sư) cho gia đình ông. Gióp theo dõi sinh hoạt của các con mình và thường xuyên cầu nguyện cho chúng nó. Là bậc phụ huynh, Lời Chúa cho biết bạn và tôi đang giữ một thiên chức cao trọng – đó là mục sư (minister) cho gia đình mình. Chúng ta không thể thay đổi cá tính, việc làm hay con người của con cái mình nhưng ta có thể gây ảnh hưởng tốt trên đời sống chúng nó. Thay đổi đời sống con người là việc của Chúa bởi năng quyền của Ngài. Câu nói: “Cha làm thầy, con đốt sách.” có xảy ra, nhưng không nhiều. Ta hãy gắng sức làm trọn trách nhiệm dạy dỗ con cái bằng cách nêu gương tốt và cầu nguyện thường xuyên cho chúng nó.

Nguyện xin Chúa giúp mỗi chúng ta có đủ ơn, trí khôn ngoan, và lòng kiên nhẫn để dạy dỗ con cái mình. Châm Ngôn 22:6 chép: “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc