Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 127

Chuyện... Giảng Và... Nghe Giảng (1)

Kinh thánh: Nê-hê-mi 8: 8; Ma-thi-ơ 7: 28, 29; Lu-ca 24: 27; Công Vụ 6: 4; 20: 7-12 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Là một Mục sư thì phải...giảng Kinh thánh để nuôi bầy chiên mà Chúa giao cho mình chăn là điều không phải bàn cãi chi nữa.

Tôi là một Mục sư, và tôi phải chuẩn bị bài giảng để rao giảng mỗi tuần. Một năm có năm mươi hai tuần thì có ít nhất năm mươi hai bài giảng Kinh thánh chính thức vậy, không kể các bài giảng khác khi có lễ nầy, lễ kia trong Hội thánh.

Không biết các Mục sư khác thì thế nào, chứ tôi thì cứ mỗi khi giảng xong bài giảng ngày Chúa nhật rồi là trong đầu liền suy nghĩ đến phân đoạn Kinh thánh kế tiếp để chuẩn bị cho bài giảng tuần sau. Và rồi sau đó, dành một thời gian nhất định cầu nguyện, đọc đi đọc lại phần Kinh thánh sẽ giảng, xin Chúa dạy dỗ cho mình những điều nào Ngài muốn cũng như dạy dỗ cho bầy chiên của Ngài vào Chúa nhật tới. Rồi lấy sổ soạn bài giảng ra viết bài giảng với dàn ý và những ý chính, những phần, những câu Kinh thánh liên quan đến đề tài. Tôi cũng lục tìm trong sách, trên mạng internet những câu chuyện, ví dụ minh họa thích hợp với bài giảng hầu làm cho bài giảng thêm phong phú.

Sau khi soạn xong, thì đọc lại và gạch dưới những điểm chính để dễ thấy, dễ nhớ, không phải bị quên khi giảng cho Hội thánh. Và cứ thế, đọc đi đọc lại vài ba lần bài giảng cho thuộc được dàn ý cũng như ý chính của bài giảng. Trong tuần, dù bài giảng đã soạn xong vẫn cứ thầm cầu nguyện xin Chúa ban phước cho bài giảng, cho người giảng và cho người nghe nữa.

Mặc dầu đã chuẩn bị kỹ bài giảng, nhưng vẫn thấy lòng hồi hộp, lo lắng. Tôi thường hay mường tượng ra trong đầu cảnh Chúa nhật tới mình sẽ giảng lời Chúa một cách tự tin trong quyền năng của Đức Thánh Linh và người nghe sẽ nghe một cách chăm chú, thích thú trong sự ban ơn của Ngài. Tôi vui mừng khi nghĩ đến viễn cảnh ấy. Và xin Chúa ban cho có được điều đó mỗi một Chúa nhật. Không có gì phước hạnh hơn cho một Mục sư là sau khi mình giảng, dân sự hiểu được lời Chúa và làm theo phải không bạn?

Có một số Mục sư ở lâu năm một Hội thánh tâm sự rằng ở lâu quá một Hội thánh từ mười đến mười mấy năm trời, bây giờ dường như hết bài giảng mất rồi Mục sư ơi! Không biết đó là lời tâm sự thật hay một lời nói vui, nhưng theo sự suy nghĩ của tôi, Kinh thánh là một quyển sách có đến sáu mươi sáu sách chứa nhiều đề tài phong phú, nhiều câu chuyện sâu sắc, ý nghĩa, có ích lợi để dạy con người trong sự công bình. Kinh thánh như một mỏ vàng vô cùng lớn mà càng đào sâu ta càng thấy nhiều vàng, tưởng chừng như không thể nào khai thác hết được.

Trong Kinh thánh có ghi lại những người được Chúa dùng để giảng dạy lời Ngài cho dân sự cách đầy ơn và mạnh mẽ.

Sách Phục truyền luật lệ ký có ghi lại ba bài giảng đặc biệt của Môi-se (từ chương 1 đến chương 30)

Sách Nê-hê-mi nói đến sự giảng dạy đầy ơn của thầy tế lễ và thầy thông giáo E-xơ-ra (chương 8)...

Giăng Báp-tít là một người giảng đạo mạnh mẽ và thẳng thắn vô cùng (bốn sách Tin Lành đều có chép về sự giảng dạy của ông)

Phi-e-rơ, Giăng, Ê-tiên, Phao-lô cũng là những người rao giảng lời Chúa cách ngay thật và đầy ơn Chúa. Phao-lô còn được giảng cho đến cả vua Ạc-ríp-ba nữa (Sách Công vụ, chương 26)

Một người rao giảng lời Chúa một cách đầy quyền năng hơn bất cứ ai, đó chính là Đức Chúa Giê-xu (sách Ma-thi-ơ, chương 7, câu 29)

Đặc biệt là Chúa Giê-xu đã để lại cho nhân loại một bài giảng mẫu mực, kinh điển cho tất cả mọi bài giảng của con người, đó là bài giảng trên núi, được ghi lại trong ba chương 5, 6 và 7 của sách Ma-thi-ơ.

Tôi có một ước ao, một ước ao từ lâu lắm rồi mà cho đến nay vẫn chưa làm được, vì...bản tánh xác thịt yếu đuối vốn có của mình. Ước ao đó là một ngày nào đó, gần đây trong tương lai, tôi sẽ học thuộc lòng được bài giảng trên núi tuyệt vời của Chúa Giê-xu kính yêu. Vâng, chắc chắn là như thế! Hãy đợi đấy và...chờ xem điều tốt lành ấy sẽ xảy đến với tôi, trong một tương lai gần. Tôi ước ao điều đó không chỉ xảy đến với tôi mà thôi mà cũng sẽ...xảy đến với hết thảy các Mục sư kính mến khác nữa. Và chắc chắn, Chúa Giê-xu sẽ mĩm cười khi tất cả các Mục sư đều thuộc lòng bài giảng trên núi tuyệt vời của Ngài.

Sự giảng dạy của Chúa Giê-xu ở đây thật là tuyệt vời. Kinh thánh ghi lại rằng: “Khi Đức Giê-xu dứt lời, đoàn dân đông vô cùng ngạc nhiên về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy dỗ đầy quyền uy chứ không như các chuyên gia kinh luật của họ.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 7, câu 28, 29)

Cách Chúa Giê-xu giảng dạy rất thực tế và gần gũi với đời sống dân sự. Ngài thường dùng những câu chuyện, những ví dụ trong đời thường như hạt giống, như cây vả, cây nho, như chuyện đánh cá, làm ruộng, ông chủ, người đầy tớ, chuyện cha con, gia đình...để giảng dạy. Và sự giảng dạy của Ngài đầy quyền năng, chứ không phải là lý thuyết suông, xa vời với cuộc sống. Cho nên, Ngài đã chính phục được vô số người theo Ngài thời bấy giờ cũng như ngày hôm nay.

Cảm tạ Chúa Giê-xu vì Ngài đã để lại một mẫu mực toàn bích cho con người chúng ta noi theo trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ngài thật là Đấng đáng để chúng ta tôn thờ và hầu việc duy nhất trên trần gian nầy!

Thử định nghĩa giảng Kinh thánh là làm gì nhỉ?

Một cách đơn giản nhất là: Giảng có nghĩa là đọc bản văn Kinh thánh một cách kỹ lưỡng, rõ ràng, rồi giải thích nó ra cho rõ nghĩa, để người nghe hiểu và làm theo, hầu đời sống được kết quả, phước hạnh. Chúng ta còn nhớ Kinh thánh ghi lại việc thầy tế lễ Ê-xơ-ra và những người Lê-vi giảng lời Chúa cho dân sự Ngài như thế này: “Họ đọc Kinh Luật của Đức Chúa Trời, đọc và giải nghĩa từng phân đoạn, cho nên dân chúng hiểu lời họ đọc.” (Sách Nê-hê-mi, chương 8, câu 8)

Tôi rất thích câu Kinh thánh nầy và tôi đã, đang và tiếp tục nhờ cậy Chúa để học đòi theo cách giảng lời Chúa mà thầy tế lễ Ê-xơ-ra ngày xưa đã làm cho dân sự của Ngài cho việc giảng dạy của mình. Và tôi luôn luôn khao khát một điều là xin Chúa cho con mỗi khi giảng dạy Kinh thánh, thì dân sự của Chúa sẽ nghe và hiểu được lời Ngài như đáng phải hiểu, hầu cho họ được lớn lên và mạnh mẽ trên linh trình theo Chúa.

Người ta nói có nhiều cách giảng Kinh thánh khác nhau như giảng theo đề tài, giảng theo câu gốc và giảng giải Kinh. Trong những cách đó, là một Mục sư, tôi thiết nghĩ chúng ta phải hướng đến cách giảng giải Kinh cho chức vụ của mình. Giảng giải Kinh phải là cách giảng ưu tiên hơn hết trong sự giảng dạy của các Mục sư vậy. Thầy tế lễ Ê-xơ-ra ngày xưa đã sử dụng phương pháp giảng giải Kinh để giảng lời Chúa cho dân sự và kết quả thật đáng mừng, đó là dân sự hiểu được lời Chúa và có được một đời sống vui mừng.

Chúa Giê-xu là bậc thầy về cách giảng giải Kinh. Trong sách Lu-ca, chương 24, từ câu 13 đến 32, có ghi lại bài giảng của Chúa Giê-xu dành cho hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út, câu 27 chép: “Rồi bắt đầu từ Môi-se và qua tất cả các tiên tri, Ngài giải nghĩa những điều về Ngài trong cả Kinh thánh cho họ.” Sau khi nghe lời giảng của Ngài, hai môn đệ được vui mừng và sốt sắng trong sự hầu việc Chúa.

Xin Chúa giúp đỡ cho con và cho các Mục sư trong sứ mệnh rao giảng lời Ngài một cách tốt đẹp nhất, hầu dân sự của Ngài có thể hiểu được lời Ngài, được vui vẻ và trưởng thành trong niềm tin.

Ngoài việc giảng dạy lời Chúa trong chức vụ Mục sư của mình, tôi cũng làm một tín đồ để nghe các Mục sư khác giảng dạy Kinh thánh nữa. Tôi cũng học được nhiều điều bổ ích cho niềm tin từ sự giảng dạy của nhiều Mục sư. Cảm tạ Chúa về điều đó. Mặt khác, tôi cũng buồn...năm phút khi nghe một số Mục sư giảng lời Chúa mà hàm lượng lời Chúa trong bài giảng thì rất ít, nhưng hàm lượng kiến thức từ những sách vở ngoài đời thì rất nhiều. Có thể khẳng định chắc chắn rằng không có lời nào trong thế gian nầy hơn được lời của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh cả. Không có lời nào trong thế gian nầy giá trị hơn lời Kinh thánh cả. Mọi lời, mọi sách của con người sẽ lạc hậu, sẽ qua đi, sẽ hư hoại theo thời gian hết, chỉ có lời Chúa mới còn lại đời đời mà thôi. “Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Đức Chúa Trời còn lại đời đời.” (Sách 1 Phê-rơ, chương 1, câu 24a, 25). Và dân sự của Ngài chỉ cần lời Ngài chứ không cần lời con người đâu.

Là Mục sư, ước ao mỗi một chúng ta hãy giảng lời Chúa cho dân sự là chủ yếu, đừng giảng lời con người cho dân sự quá nhiều. Những kiến thức từ sách vở của con người chỉ là thứ yếu, là phụ mà thôi. Tôi tin rằng các Mục sư yêu quý sẽ đồng ý với tôi điều nầy.

Là một Mục sư, chúng ta cần và rất cần phải học biết cách giảng dạy lời Chúa như thế nào đó cho dân sự hiểu được lời Ngài. Chúng ta giảng Kinh thánh mà dân sự không hiểu được lời Ngài là chúng ta có tội với Chúa vậy. Chúng ta giảng lời Chúa mà dân sự không nhớ được lời Chúa mà chỉ nhớ lời của con người thì chúng ta cũng có tội với Chúa. Kinh thánh phải luôn luôn giữ vai trò trung tâm trong sự giảng dạy của chúng ta. Không gì có thể thay thế được Kinh thánh cả.

Tôi nhớ một kỷ niệm, khi chúng tôi học lời Chúa về môn giảng dạy, đến khi tập giảng để Giáo sư và sinh viên đánh giá, góp ý, có một thầy sau khi giảng xong bài giảng của mình, chúng tôi không hiểu là thầy đã giảng gì nữa, vì suốt trong mấy mươi phút giảng, thầy không đá động gì hết đến phân đoạn Kinh thánh mà thầy chọn làm bài giảng, thầy chỉ nói mông lung đủ thứ chuyện không đâu vào đâu (có lẽ do...khớp quá khi nói trước đám đông chăng?). Cuối cùng, Giáo sư nhận xét, thầy giảng như thế nào mà thú thực, tôi ...chẳng hiểu gì cả. Thầy đó đáp, em giảng hết mình như vậy mà Giáo sư còn không hiểu à? Cả lớp chỉ biết nhìn nhau...cười và thấy...thương thầy đó làm sao!

Tôi cũng thấy có điều nầy xảy ra với một số các Mục sư khi giảng lời Chúa cho Hội thánh. Ấy là có một số Mục sư chọn đề tài bài giảng quá dài khiến cho con cái Chúa chỉ nội việc nhớ được cái đề tài bài giảng không thôi cũng đã là vất vả rồi chứ đừng nói chi đến việc nhớ đến nội dung bài giảng. Nếu một đề tài bài giảng mà có đến mười chữ trở lên thì con cái Chúa đã khó có thể nhớ được đề tài rồi. Thiết nghĩ, chúng ta nên đặt đề tài bài giảng ngắn nhất, ấn tượng nhất và phù hợp nội dung nhất để con cái Chúa có thể nhớ được. Hy vọng các Mục sư sẽ đồng ý điều nầy!

Tôi cũng thấy có một số Mục sư giảng...dài quá. Một bài giảng ngày Chúa nhật mà dài đến một giờ đồng hồ là người nghe khó có thể tiếp thu nổi. Khi chúng ta giảng đến sau phút thứ ba mươi trở đi là đầu óc người nghe đã bắt đầu muốn...turn off (đóng lại, tắt), không muốn nghe nữa rồi. Đến phút bốn mươi lăm trở đi là người nghe chỉ muốn...ngủ thôi. Người nghe thành...Ơ-tích hết cả!

Trong sách Công Vụ có ghi lại câu chuyện về ...giảng dài như sau: “Phao-lô giảng luận cho anh em tín hữu. Vì hôm sau phải lên đường, nên ông tiếp tục giảng cho đến nửa đêm. Trong phòng họp trên lầu có đốt nhiều đèn. Một thanh niên tên Ơ-tích ngồi trên thành cửa sổ ngủ gục trong khi Phao-lô giảng dài. Vì ngủ say quá, nên anh từ trên tầng thứ ba té xuống. Người ta đỡ dậy, thấy anh đã chết rồi. Nhưng Phao-lô đi xuống, nằm sấp người trên anh, ôm anh rồi bảo: “Đừng sợ! Linh hồn còn ở trong người!” Phao-lô lên lầu bẻ bánh ăn và tiếp tục giảng luận đến sáng mới lên đường. Người ta đưa thanh niên ấy về nhà, thấy còn sống, nên được an ủi nhiều.” (Chương 20, câu 7-12)

Có lẽ đây là lần duy nhất mà Phao-lô giảng dài như thế. Ông giảng suốt...cả đêm luôn. Giảng suốt cả đêm dài như thế mà vẫn tỉnh táo thì phải nói là Phao-lô được Chúa cho có một sức khỏe cực tốt và một tinh thần rất mạnh mẽ. Nể thật! Khó có ai trong chúng ta có thể có đủ sức khỏe để...giảng dài được như Phao-lô. Lý do Phao-lô giảng dài được cho thấy ở đây là vì ngày mai ông phải lên đường, không còn ở lại với con cái Chúa ở đó nữa, nên ông muốn dốc đổ lòng mình ra với họ. Vì ông giảng quá dài, nên một thanh niên tên là Ơ-tích đã ngủ gục và vì ngủ say quá, nên đã phải té xuống đất từ tầng lầu thứ ba và chết. Nhưng tạ ơn Chúa, vì Phao-lô là một đầy tớ Chúa đầy ơn và quyền năng, nên ông đã cầu nguyện cho Ơ-tích được sống lại. Nếu không thì có lẽ Phao-lô cũng phải gặp rắc rối vì cái vụ...giảng dài nầy rồi?

Là một Mục sư, có thể nói có nhiều việc một Mục sư phải làm để chu toàn chức vụ Chúa giao, nhưng trên tất cả mọi sự và trước tất cả mọi sự, Mục sư có hai điều quan trọng nhứt phải làm, theo như Kinh thánh cho biết: “Còn chúng tôi sẽ chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ lời Chúa.” (Sách Công Vụ, chương 6, câu 4). Cầu nguyện và rao giảng Kinh thánh là hai điều thiết cốt mà một Mục sư không thể bỏ qua, không thể sao nhãng. Hoàn thành nhiều công việc khác nhưng thất bại trong hai việc nầy thì coi như chức vụ cũng...thất bại vậy.

Xin Chúa cho con luôn luôn ghi nhớ và thực hiện được hai điều nầy trong chức vụ của con trước hết để được Chúa thương xót và ban phước. Xin đừng để con lăng xăng đủ thức việc mà xao nhãng hai việc quan trọng nầy của một Mục sư!

Xin Chúa cho các Mục sư cũng sẽ quyết định để hai việc nầy là ưu tiên một trong chức vụ của mình để chức vụ được kết quả và được phước.

Trên đây lầ một vài ý tản mạn cá nhân về chuyện...giảng Kinh thánh.

Hy vọng sẽ nhận được những ý kiến của các Mục sư kính mến để chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau trong việc giảng dạy lời Chúa cho mỗi ngày được tốt hơn hầu đem kết quả về cho Chúa và cho Hội thánh của Ngài.

Tôi cũng mong ước ngày càng có nhiều những bài giảng của các Mục sư được đưa lên trên internet để có được nhiều người nghe, nhất là những người Việt Nam yêu dấu của chúng ta ở khắp nơi chưa tin Chúa, có thể nghe được lời Chúa và trở lại tin nhận Ngài.

Nguyện Chúa làm điều đẹp lòng Ngài qua các Mục sư là những sứ giả của Ngài! A men!

California, ngày 26. 10. 2019

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu, một đầy tớ hèn mọn của Chúa!

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích dẫn từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)