Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 41

Đồng Công

Từ bài giảng luận “Cộng Sự Trung Tín

CN Oct 27, 2019 - Hội Thánh North Hollywood

Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em (Phi-Líp 2:20)

(đọc Phi-Líp 2:19-24)

Mỗi Cơ Đốc Nhân khi bước vào công trường nhà Chúa thì đã là một người sống cho công việc, học tập để làm việc và chỉ được yên nghĩ trong Chúa khi đã làm xong mọi việc được giao phó trong vi trí mà mình đã được đặt để. Tuy nhiên, không có một ai làm công việc đó cách đơn độc; ngoài sự hổ trợ của Chúa thì họ còn nhận được sự trợ thủ, cộng tác của một hay nhiều anh em khác trong gia đình Cơ Đốc.

Chúng ta hay nhắc đến lãnh tụ Môi-Se, sau đó là Giô-Suê của Cựu ước, rồi đến thời Tân ước, Kinh Thánh nói đến Phi-e-rơ, tiếp theo là Phao-lô, những tôi tớ Chúa có tầm cỡ. Họ đều có bên mình những trợ lý đắc lực, những công sự viên trung tín, hổ trợ để họ hoàn thành nhiệm vụ Chúa giao một cách xuất sắc. Đó lại là những tấm gương tốt để tôi học theo và biết rằng cho dù tôi không đáng để được trở thành lãnh tụ lớn thì tôi vẫn có khả năng để là những trợ thủ đắc lực, những cộng tác viên cần thiết cho anh em mình trong mọi lãnh vực, góp một tay để chương trình của Chúa được thành tựu trên đất.

Phân đoạn được nói đến hôm nay bàn về Ti-mô-thê,một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vẫn đủ ơn để làm nhiệm vụ như người có trách nhiệm lớn của công trường thánh. Có ba điều đáng được học tập từ người cộng sự trẻ này: đồng lòng với Phao-lô, thật lòng lo cho Hội Thánh, và trung thành với Tin Lành.

19Vả, tôi mong rằng nhờ ơn Đức Chúa Jêsus, kíp sai Ti-mô-thê đến cùng anh em, để tới phiên tôi, tôi nghe tin anh em, mà được yên lòng. 20Thật vậy, tôi không có ai như người … Có thể chúng ta cho rằng không dễ dàng gì tìm được một người như Ti-mô-thê, nhưng điểm cần quan tâm ở đây là tinh thần “đồng tình với tôi”, nghĩa là có đồng một tâm tình như Đấng Christ. Phao-lô đã từng nói: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy”(ICô-rinh-tô 11:1). Đó là mục tiêu của đời sống tôi và khi tôi thật lòng theo Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ thành hình trong tôi, như Phao-lô đã từng nói với Hội Thánh Ga-la-ti : Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con (Ga-la-ti 4:19).

Điều tiếp theo được nói đến là để thật lòng lo về việc anh em. Học theo Phao-lô, Ti-mô-thê đã trưởng thành, đã trở nên một đầy tớ Chúa. Người không dừng lại ở đó nhưng tiếp tục lo lằng cho Hội Thánh để Hội Thánh cũng đạt được những gì mình đã nhận ân sủng từ nơi Chúa. Đúng như nguyên tắc mà Phao-lô đã đề cập đến trong phần trên của bức thư này: Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.

(Phi-líp 2:4). Nguyên tắc chung này, ai cũng phải nhờ Chúa để thắng hơn con người xác thịt của mình, đâu phải chỉ các tôi tớ Chúa mới phải làm theo, mà mỗi Cơ Đốc Nhân đều có thể sống tốt lành như vậy để làm vinh hiển danh Chúa.

22Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin lành, như con ở với cha vậy. Tư cách của Ti-mô-thê được cả Hội Thánh công nhận, Phao-lô chỉ xác nhận điều đó là thực chứ không phải Phao-lô khen ngợi cộng sự của mình vì cảm tình riêng, cho dù hai người rất là thân thiết với nhau trong Chúa. Đó là một lời chứng nhận từ Chúa, không thể đạt được bằng một thủ đoạn nào như những người ở đời này vẫn làm. Tôi ơi! Hãy lấy điều đó mà luôn thức tỉnh mình.

Tóm lại, như một tôi tớ Chúa đã ví von trong một bài giảng luận mà tôi đã được nghe trước đây, mỗi Cơ Đốc Nhân là một “Giê-Xu nhỏ”. Đó là tư cách hoàn chỉnh để cho dù tôi đứng ở chỗ nào trong nhà Chúa, tôi vẫn có ích cho công việc chung, cho anh em và cả cho chính tôi nữa.