Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 135

Mùa Giáng Sinh, Nói Chuyện... Khiêm Nhường

Kinh thánh: Lu-ca 2: 6-16; Giăng 1: 1-3; Phi-líp 2: 6-11; Gia cơ 4: 6 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Mùa Giáng sinh đã và đang đến với mỗi một người trong chúng ta.

Mỗi mùa Giáng sinh đến, chúng ta thường không thể nào quên được hình ảnh Hài nhi Giê-xu nằm trong máng cỏ của chuồng chiên.

Thi sĩ Cơ-đốc Thanh Hữu đã từng có bài thơ viết về “Máng cỏ” khá hay mà tôi rất thích, xin trích một vài câu để bạn cùng thưởng thức với tôi:

“Tôi ưa thích một mô hình máng cỏ,
Trông đơn hèn phủ bởi chiếc khăn thô,
Có mùi hôi phảng phất giữa chiên bò
Hài nhi thánh vừa sinh ra nằm ngủ.
Đây tình yêu và khiêm nhu hội tụ,
Đây thiên đàng và nhân thế gặp nhau.
Đấng vạn năng, đấng cao cả nhiệm mầu
Thành em nhỏ, thơ ngây trông yếu đuối...”
(Máng cỏ - Thanh Hữu)

Quả thật vậy, hình ảnh Hài Nhi Thánh Giê-xu nằm trong máng cỏ là một hình ảnh độc đáo của “tình yêu và khiêm nhu hội tụ”.

Cứ mỗi lần đọc câu chuyện Giáng sinh được Kinh thánh ghi lại trong sách Tin Lành Lu-ca, chương 2, câu 1 đến câu 21, nhất là phần ký thuật sau đây:

“Trong khi ở đó thì Ma-ri chuyển bụng sinh nở. Nàng sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc hài nhi đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không còn chỗ. Trong vùng đó, có mấy người chăn chiên ở ngoài đồng, thức đêm canh bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến, hào quang Chúa toả sáng quanh họ, nên họ rất khiếp sợ. Thiên sứ bảo: "Đừng sợ! Vì này tôi báo cho các anh một Tin Mừng, một niềm vui lớn cũng là Tin Mừng cho mọi người. Hôm nay, tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế vừa giáng sinh cho các anh. Ngài là Chúa Cứu Thế, là Chúa. Đây là dấu hiệu cho các anh nhận ra Ngài: Các anh sẽ gặp một hài nhi bọc trong khăn đặt nằm trong máng cỏ." Bỗng nhiên, một đạo thiên binh xuất hiện cùng với thiên sứ ấy, ca ngợi Đức Chúa Trời: "Vinh danh Đức Chúa Trời trên các tầng trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương." Sau khi các thiên sứ lìa họ về trời, mấy người chăn chiên rủ nhau: "Chúng ta hãy vào thành Bết-lê-hem, xem việc vừa xảy ra mà Chúa đã cho ta hay!" Họ vội vàng ra đi, tìm gặp được Ma-ri với Giô-sép, và thấy hài nhi đang nằm trong máng cỏ.” (Câu 6-16) là lòng tôi trào dâng biết bao cảm xúc yêu thương, tôn kính vô vàn về hình ảnh Hài Nhi Giê-xu nằm trong máng cỏ.

Có ít nhất ba lần, văn sĩ-bác sĩ kiêm sử gia Lu-ca ghi lại hình ảnh hài nhi nằm trong máng cỏ trong mấy câu Kinh thánh ngắn ngủi đó. Rõ ràng văn sĩ Lu-ca đã có dụng ý muốn nhấn mạnh đến hình ảnh nổi bật nhất đó trong câu chuyện của mình.

Nếu một lần nào đó, đột nhiên trong cuộc sống, bạn nhìn thấy hình ảnh một em bé được sinh ra nằm trong...máng cỏ hôi hám thì bạn có cảm thấy...chạnh lòng không? Và bạn có muốn làm một điều gì đó để giúp cho một hoàn cảnh đáng thương như thế không? Tôi nghĩ, bạn cũng như tôi khi gặp một cảnh tượng như thế thì chúng ta sẽ rất dễ...chạnh lòng và dễ...ra tay nghĩa hiệp để cứu giúp cho người ta.

Chỉ cần gặp một cảnh tượng như thế thôi thì ai trong chúng ta cũng khó lòng làm ngơ mà bỏ đi được phải không bạn?

Nhưng bạn biết không, em bé nằm trong máng cỏ trong câu chuyện Giáng sinh cách đây hơn hai ngàn năm, không phải là một em bé bình thường như một em bé nào của trần gian nầy đâu, nhưng đó chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người như chúng ta.

Hài nhi nằm trong máng cỏ năm xưa chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa toàn năng. Ngài là Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và con người.

Kinh thánh chép về Ngài rằng: “Trước khi sáng tạo vũ trụ đã có Ngôi Lời (tức là Chúa Giê-xu-NV). Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngay từ ban đầu Ngài đã ở cùng Đức Chúa Trời. Tất cả đều được Ngài sáng tạo. Không gì hiện hữu mà không do Ngài.” (Sách Tin Lành Giăng, chương 1, câu 1-3)

Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa vĩ đại, nhưng bằng lòng giáng sinh xuống nơi trần gian tội lỗi nầy, bằng lòng sinh ra trong máng cỏ chuông chiên hôi hám. Vì sao vậy?

Lý do của mọi lý do đó là vì Ngài yêu thương chúng ta là những tội nhân.

Đức Chúa Giê-xu đã tự bỏ mình đi bằng lòng trở nên một em bé bọc bằng khăn nằm trong máng cỏ. Hơn thế nữa, Ngài còn tự hạ mình xuống để chấp nhận cái chết thấp hèn nhất là chết trên thập tự giá, đổ huyết vô tội ra để cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi.

Đức Chúa Giê-xu được mệnh danh là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Ngài có tất cả mọi điều tốt đẹp vinh diệu trên Thiên đàng vinh hiển tột đỉnh, nhưng Ngài đã bằng lòng từ bỏ tất cả để xuống trần gian làm người và rồi tình nguyện chịu chết trên thập tự giá. Ngài hạ mình xuống tột cùng để chuộc tội cho chúng ta.

Thánh Phao-lô đã nói về sự khiêm nhường, hạ mình cùng tột của Chúa Cứu Thế như sau:

Ngài vốn có bản thể Đức Chúa Trời nhưng không coi sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều phải nắm giữ. Nhưng chính Ngài tự bỏ mình, mang lấy bản thể của một tôi tớ, trở nên giống như loài người, có hình dạng như một người. Ngài đã tự hạ mình xuống, chịu vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá. Chính vì thế, Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; để khi nghe đến danh của Đức Giê-xu, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha.” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 6-11)

Là Thượng Đế toàn năng, nhưng lại bằng lòng sinh ra nơi chuồng chiên máng cỏ, rồi lại bằng lòng chấp nhận cái chết nhục nhã nhất là chết trên cây thập tự để cứu tội nhân. Thiết tưởng, không có một ai trong suốt cả cõi lịch sử của nhân loại có một cuộc đời khiêm nhường giống như Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu chính là Chúa của sự khiêm nhường đó bạn!

Chúa đã hạ cố xuống làm người ở giữa vòng chúng ta để cảm thương mọi yếu đuối của chúng ta, và rồi chịu chết vì chúng ta để cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi.

Mỗi lần dự lễ Giáng sinh nhìn thấy hình Hài Nhi Thánh nằm trong máng cỏ, bạn có nhận biết sự khiêm nhường cùng tột của Chúa Cứu Thế không? Bạn có cảm nghĩ như thế nào về sự khiêm nhường ấy???

Riêng tôi, cứ mỗi lần đọc lại câu chuyện Giáng sinh trong Kinh thánh sách Lu-ca, và nhìn hình ảnh Hài Nhi Giê-xu nằm trong máng cỏ được trang trí mỗi dịp Lễ Giáng sinh là lòng tôi cảm động vô ngần về sự hạ mình, khiêm nhường không thể hiểu được của Chúa Cứu Thế.

Và mỗi khi nhớ đến hình ảnh khiêm nhường kỳ diệu ấy của Chúa Cứu Thế, tôi luôn luôn tự nhủ với lòng mình rằng: Xin Chúa cho con học nơi gương khiêm nhường của Ngài để hầu việc Ngài và phục vụ anh chị em mình trong cộng đồng đức tin cũng như với đồng bào đồng loại của mình.

Rất dễ để chúng ta lên mình kiêu ngạo với người khác, khi mình có được một chút khả năng hay kiến thức nào đó. Rất dễ để chúng ta xem thường người khác khi mình làm được một điều gì đó phải không bạn? Rất dễ để chúng ta khoe khoang khi chúng ta có được một chút danh vọng, địa vị hay sắc đẹp? Và nhiều cái “rất dễ” khác nữa... Bạn và tôi đều có một điểm chung là rất...ghét thói kiêu ngạo, và ghét những con người kiêu ngạo, nhưng chúng ta lại rất dễ lên mình kiêu ngạo, rất dễ...xem thường người khác lắm. Bạn có đồng ý như thế không?

Một trong những cách đễ giữ mình khỏi tính kiêu ngạo, ấy là phải học theo gương Chúa Cứu Thế, từ bỏ mình đi và xem người khác như tôn trọng hơn mình như lời Chúa đã dạy: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 3).

Kinh Thánh cũng chép rằng: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Sách Gia-cơ, chương 4, câu 6)

Một khi ai đó trở thành đối tượng bị Đức Chúa Trời...chống cự thì chỉ có...chết mà thôi! Ngược lại, một khi ai đó là đối tượng của sự ban ơn của Ngài thì thôi, không còn gì phước hạnh hơn nữa đâu!

Bạn muốn trở thành đối tượng nào trước Chúa???

Nhân nói chuyện khiêm nhường, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cảm động như sau:

“Hoàng đế Alexis nổi tiếng khiêm nhường của nước Nga. Ông rất thương yêu dân và thường vi hành, làm một thường dân để sống và cảm thông với họ trong cuộc sống. Một ngày kia, ông giả dạng làm người ăn mày, đi khắp nơi để xem dân chúng sống ra làm sao. Một buổi chiều ông gặp một bác tiều phu nghèo khó với gánh củi nặng trên vai đang trên đường về đến nhà. Hoàng đế cùng vào nhà với bác tiều phu nghèo và hỏi, “Bác có gì ăn, cho tôi ăn với, vì tôi đói quá.” Trong nhà có gì ăn được, bác tiều phu đều mang ra để đãi vị hoàng đế giả dạng ăn mày. Vài ngày sau, vị hoàng đế tiếp tục trở lại, xin ăn, và bác tiều phu vẫn đón tiếp người ăn mày giả dạng này một cách vui vẻ, không chút cằn nhằn, khó chịu. Một ngày kia, vị hoàng đế không còn giả dạng làm người ăn mày nữa, nhưng trong tư cách một ông vua trên xa giá lộng lẫy với một đoàn tùy tùng đi theo rất oai nghi, đến thăm nhà người tiều phu tốt bụng nọ. Bác tiều phu lúc đầu nhìn thấy vua vào nhà mình thì khiếp sợ, nhưng khi nhận ra đức vua chính là ngươi ăn mày mà mình đã đón rước thì bác tiều phu rất vui mừng. Lúc đó, vua mới nói với người tiều phu rằng, “Nhà ngươi là người tốt bụng. Trẫm giả dạng làm người bần cùng mà nhà ngươi vẫn đón tiếp vui vẻ, niềm nở, không chút khó chịu. Hôm nay, trẫm đến đây và mang theo cả xe đồ giá trị cùng nhiều bạc vàng để thưởng cho nhà ngươi vì tấm lòng tốt đó. Ngoài ra, nhà ngươi còn cần gì thêm nữa, trẫm cũng sẵn sàng ban cho.” Lúc đó, bác tiều phu nói, “Thưa bệ hạ, thần không muốn gì hơn nữa cả, thần chỉ mong ước một điều, đó là thỉnh thoảng, nếu được, xin bệ hạ ghé đến nhà của thần để ăn cơm và nói chuyện ạ!”

Một câu chuyện thật cảm động và đáng yêu phải không bạn?

Lòng mình có được Chúa Giê-xu ngự vào là một phước hạnh lớn hơn bất cứ phước hạnh nào của thế gian nầy đó bạn ạ!

Người Nhật Bản có câu “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”, một câu nói thật sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về sự khiêm nhường trong cuộc sống. Lúc đáng...hãnh diện nhất, lúc đáng...tự hào nhất là lúc chúng ta cần khiêm nhường nhất; giống như bông lúa lúc chín thì...cúi đầu xuống vậy.

Chúa Giê-xu đã hạ mình, khiêm nhường đến tột cùng, nên Đức Chúa Trời đã vui lòng mà đem Ngài lên rất cao và ban cho Ngài danh trên tất cả mọi danh, như lời Kinh thánh chép: “Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 9-11)

Cảm tạ Đức Chúa Trời!

Bất cứ người nào học theo gương Chúa Giê-xu sống một đời sống hạ mình, khiêm nhường, đều sẽ được Đức Chúa Trời trọng dụng và ban phước chẳng sai!

Nhân mùa Giáng sinh này, xin Chúa cho mỗi một con cái Chúa học tập tâm tình hạ mình, khiêm nhường tuyệt vời của Chúa Giê-xu để sống và làm theo, hầu cho đời sống chúng ta được Chúa thương xót và ban phước.

Chúa Giê-xu bằng lòng ngự nơi máng cỏ thấp hèn năm xưa và biến máng cỏ đó thành một vật dụng nổi tiếng khắp thế giới từ đó đến nay, không ai là không biết đến; thì Ngài cũng sẵn sàng ngự vào tấm lòng đơn sơ, hèn hạ của bạn cũng như của tôi, và biến đổi đời sống hèn mọn nầy trở thành một đời sống sung mãn và phước hạnh miên viễn.

Tôi đã sẵn sàng để Chúa Giê-xu ngự vào đời sống của mình và đã được Ngài biến đổi để trở thành một người con trong nhà của Ngài và hơn thế nữa, trở thành một người hầu việc Ngài.

Cảm tạ Chúa đã thương con và cứu con, sử dụng cuộc đời đơn sơ nầy cho công việc nhà Ngài!

Xin chọn mấy vần thơ của Bình Tú Ngọc để kết thúc bài viết nầy và như là lời mời gọi bạn đến với Chúa Cứu Thế, Chúa của sự khiêm nhường ngay trong mùa Giáng sinh nầy để cuộc đời của bạn cũng sẽ được phước như tôi đã và đang được phước:

“Ôi máng cỏ đơn sơ, người khinh miệt
Nhưng từ khi Con Thánh hạ sinh nằm
Kể từ khi Cứu Chúa đến viếng thăm
Máng cỏ được biết bao người yêu quý.

Bạn cùng tôi, dù người không để ý
Chẳng quan tâm, chẳng chia sẻ vui buồn
Bạn đừng sợ, Thiên Chúa vẫn yêu luôn
Mời bạn đến cùng tôi thờ Đấng Thánh.”

Vâng, xin trân trọng mời bạn đến cùng tôi tôn thờ Đấng Thánh ngay hôm nay!

Kính gởi đến quý Mục sư, tín hữu và thân hữu, cũng như tất cả độc giả thân mến của Vietchristian.com một mùa Giáng sinh trần đầy ơn lành từ Chúa Giê-xu, Đấng Khiêm Nhường ban cho. A men!

Mùa Giáng sinh 2019

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)