Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 141

Mùa Xuân, Nói Chuyện... Ký Ức

Kinh thánh: Thi-thiên 1, 23, 90; II Ti-mô-thê 1: 3-5 (*)

Kính chào quý độc giả thân mến,

Mùa xuân mới đã về với mỗi một chúng ta trong niềm hân hoan, vui mừng.

Mỗi mùa xuân mới đến người ta thường hay dành thì giờ để nhớ về...chuyện xưa, Tết xưa, mà hễ nói đến cái gì thuộc về phạm trù...xưa cũ là người ta hay gọi đó là... ký ức. Cho nên, hôm nay, tôi muốn thưa với bạn về chuyện...ký ức.

Ký ức là những gì mình còn ghi nhớ lại được trong tâm trí những gì đã xảy ra trong quá khứ. Ai trong chúng ta không nhiều thì ít cũng có ký ức tuổi thơ của mình. Bạn cũng vậy và tôi cũng thế.

Tôi nhớ tuổi thơ của tôi lớn lên trong nghèo khó, cơ cực tại một miền quê nghèo ở một vùng đất nghèo Quảng Nam thuộc miền Trung nước Việt thân yêu.

Tôi nhớ những lần đón Tết mừng xuân với gia đình, cũng như bao nhiêu gia đình khác ở vùng quê dấu yêu của chúng tôi, ba mẹ tôi gói bánh tét, bánh ú để chuẩn bị...ăn Tết với người ta. Để gói bánh tét, trước hết, ba tôi phải ra sau vườn rọc lá chuối đem phơi cho héo, rồi chuẩn bị lạt; mẹ tôi thì chuẩn bị thịt thà, nhưn nhị cho đầy đủ. Một cái nong lớn được bày ra trước hiên nhà, và cả nhà quây quần bên nhau cùng gói bánh. Ba tôi, anh tôi thì gói, mẹ tôi cũng như tôi thì cột lạt lại xung quanh cái bánh cho đều để làm cho cái bánh được chặt và tròn đều, đẹp nữa. Bánh ú thì đơn giản hơn, chỉ cần cột hai, ba sợi lạt là xong, nhưng bánh tét thì cần hơn cả chục sợi lạt mới đủ để giữ cái bánh cho tròn, đều được.

Sau khi gói xong, ba tôi lấy cái thùng nấu bánh, sắp bánh đã gói vô thành từng lớp, đổ nước vào rồi bắt lên bếp, sắp củi vào và bắt đầu nhen lửa nấu. Tôi nhớ thường thì ba tôi hay bắt đầu nấu bánh khi trời vừa tối, màn đêm vừa buông xuống.

Khi lửa bắt đầu cháy đượm lên rồi, ba tôi bảo anh em tôi đem Kinh thánh, Thánh ca ra, và cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh, bắt đầu nhóm cầu nguyện lễ bái. Ba tôi thường cho hát bài Thánh ca số 509 nói về năm mới với tựa đề “Ngày giờ qua”, và Thánh ca số 391 với tựa đề “Ngắm Giê-xu đừng xao”. Nhịp điệu của hai bài hát nầy thật sôi động và mạnh mẽ làm cho mọi người đều cảm thấy phấn chấn và tràn đầy niềm tin vào Chúa kính yêu. Rồi ba tôi cho anh em chúng tôi đọc một đoạn Kinh thánh thường thì là Thi-thiên thứ 1, hay Thi-thiên 23, hoặc Thi-thiên 90, rồi ông giải thích cách ngắn gọn. Chủ yếu là ông nhấn mạnh đến đức tin nơi Chúa, phước hạnh ở trong Chúa, sự tin cậy Chúa, sự chăm sóc của Chúa...để cho cả gia đình học hỏi và bước theo Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Rồi ông mời mẹ tôi cầu nguyện, hoặc chính ông cầu nguyện cho cả gia đình. Giờ dù đã hơn năm mươi năm trôi qua rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in những buổi nhóm cầu nguyện lễ bái vào dịp những đêm ba mươi Tết ấy. Bếp lửa đem lại sự ấm áp cho từng người giữa một đêm giao thừa se lạnh, và không khí ấm cúng của gia đình khi quây quần lại bên nhau cùng hát vang ca ngợi Chúa và cùng nghe lời Chúa, và rồi cùng cầu nguyện với nhau thật là phước hạnh không còn gì hơn.

Cảm ơn ba mẹ đã để lại tấm gương tin kính đó cho chúng con noi theo, và nhờ đó mà anh em chúng con mới lớn lên và được trưởng thành trên bước đường theo Chúa như ngày hôm nay.

Sau thì giờ cầu nguyện lễ bái, ba tôi tiếp tục lo nấu bánh, mẹ tôi thì vô bếp chuẩn bị soong nồi và bắt đầu luộc thịt, xào thịt, kho cá, nấu cơm, luộc rau... Mùi gạo nếp, mùi lá chuối, mùi củi lửa, mùi thịt thà, rau cải, mùi cá, ớt, tỏi cay nồng...quyện vào nhau tỏa ra một mùi thơm...quyến rũ đến khó cưỡng.

Một bữa ăn tối được dọn ra trên nền nhà bên bếp lửa nấu bánh thật...thịnh soạn, vì là bữa ăn...tất niên mà.

Cả gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cơm với hương thơm đầy sự mời gọi. Ba tôi cầu nguyện cảm tạ Chúa đã ban cho thức ăn, và rồi mọi người cùng ăn với nhau thật đầm ấm làm sao.

Tôi không thể nào quên được những bữa ăn do bàn tay mẹ tôi...đạo diễn. Với tôi, bàn tay mẹ như có phép...thần vậy, khi bà nấu ăn thì có thể nói món nào món nấy bà nấu đều đem đến sự ngon miệng cho cả gia đình. Ba tôi rất khoái khẩu khi ăn những món ăn do mẹ tôi nấu, và anh em chúng tôi cũng vậy, chúng tôi rất...phục tài nấu ăn của mẹ, dù đó chỉ là một món rau luộc chấm với nước mắm, hay là một món đậu xào, hoặc là một món canh cải thôi. Điểm đặc biệt nhất của mẹ tôi trong các món ăn do bà nấu mà chúng tôi thấy...đã nhất, đó là bà luôn luôn sạch sẽ, sạch sẽ từ soong nồi, đến nước nôi, đến rửa thức ăn, đến nấu nướng. Chén bát trong nhà chúng tôi luôn luôn sạch sẽ, cho nên ăn rất...sướng. Chẳng thế mà ông bà ta đã từng dặn dò: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon” đó sao.

Chúng con xin cảm ơn mẹ và biết ơn mẹ thật nhiều, vì luôn luôn dành cho con cái những bữa ăn ngon miệng nhất, sạch sẽ nhất, thơm tho nhất!

Sau khi ăn xong, chúng tôi thường ngồi quanh nồi bánh để sưởi ấm, và để nghe ba tôi kể chuyện...đời xưa. Nào là chuyện về ông bà nội, ông bà ngoại, rồi chuyện về các chú, các cô, các dì, các dượng...Và nhất là chuyện về Hội thánh, về những Mục sư đã từng đến chăn bầy nhà Chúa tại Hội thánh, cũng như những câu chuyện về đức tin trong Kinh thánh như chuyện Áp-ra-ham dâng Y- sác, chuyện về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của Giô-sép, chuyện về ba bạn Hê-bơ-rơ trong lò lửa hực, hay Đa-ni-ên trong hang sư tử...

Anh em chúng tôi ngồi nghe say mê, và có khi chúng tôi ngủ quên đi mất lúc nào cũng không hay nữa. Những lúc như thế thì ba tôi thường lay chúng tôi dậy và chúng tôi chạy vô giường để ngủ, chỉ còn lại có một mình ba tôi phải thức để canh nồi bánh cho đến gần sáng, ông mới chịu đi chợp mắt một chút.

Sáng hôm sau, khi thức dậy, thì chúng tôi thấy bánh đã được vớt ra và để vào cái thúng tre rồi. Mùi bánh tét, bánh ú bay lên thơm một mùi thơm thật hấp dẫn. Và mẹ tôi bắt đầu tét bánh ra bằng một sợi lạt gói bánh, cho vào dĩa, rồi mẹ gắp thịt heo xào ra, kèm theo với dưa hành, củ kiệu. Và thế là một mâm bánh và thịt thơm lựng được đem ra cho cả gia đình cùng ăn...tân niên, đón mừng năm mới. Lại một bữa ăn ngon đáo để nữa mà anh em chúng tôi được ăn.

Chao ôi, nhớ sao những bữa ăn tất niên, và tân niên...cực kỳ ngon miệng ấy của gia đình có ba mẹ, có anh em bên nhau!

Không thể nào quên được trong ký ức không khí nôn nao, hồi hộp và chờ đợi Tết đến quanh bếp lửa nấu bánh tét đêm giao thừa với gia đình!

Sau khi ăn sáng xong, mọi người ai nấy đều chuẩn bị bận đồ đẹp nhất, mới nhất mà mình có để rồi cùng đi đến nhà thờ trong niềm hân hoan, vui sướng đến lạ lùng để cùng thờ phượng Chúa ngày Mồng Một đầu năm mới.

Phải nói rằng buổi thờ phượng Chúa ngày đầu năm mới Âm Lịch ở các Hội thánh vùng quê đất Quảng Nam rất chi là đông, rất chi là thích thú, rất chi là phấn khởi, vui vẻ và ngập tràn phước hạnh. Ai nấy đều mặc quần áo mới để đi thờ phượng Chúa. Không những mới áo quần mà mới luôn cả tóc tai, giày dép... Mọi người đều gặp nhau vui vẻ nói cười, tay bắt mặt mừng chúc nhau những câu chúc Tết thật dạt dào tình thân trong Chúa.

Buổi thờ phượng Chúa sống động, rộn rã một cách đặc biệt. Sứ điệp mừng Xuân mới của vị Mục sư quản nhiệm cũng rất đặc biệt hướng con cái Chúa đến những điều mới mẻ, tốt đẹp trong năm mới, hướng đức tin con cái Chúa lên một bước cao hơn trong năm mới, trong mùa Xuân mới.

Hội thánh cũng được nghe nhiều lời chứng về ơn phước Chúa ban cho các gia đình con cái Chúa trong năm qua, và nhiều người được khích lệ trên bước đường theo Chúa và hầu việc Ngài.

Số tiền hộp các con cái Chúa dâng lên cho Chúa trong buổi Lễ thờ phượng Chúa ngày đầu năm Âm Lịch cũng rất...ấn tượng, có thể cao hơn những Chúa nhật bình thường gấp bốn, năm lần, chứ không phải ít. Hầu hết những đồng tiền trong hộp tiền dâng vào dịp Tết Âm Lịch là những đồng tiền mới cứng, như còn thơm mùi... mực in nữa đó. Những chấp sự đếm tiền dâng cũng rất phấn khởi và...hồi hộp khi đếm tiền dâng trong ngày thờ phượng Chúa Mồng Một Tết.

Ước ao sao các Hội thánh của Chúa sẽ nhóm lại đông đúc, vui vẻ như là vào ngày đầu năm mới như thế và có tinh thần dâng hiến cho Chúa như dâng hiến vào dịp đầu năm mới như vậy, thì thật là phước hạnh biết bao!

Sau khi thờ phượng Chúa xong, các con cái Chúa chia tay nhau ra về, đi thăm viếng cha mẹ, ông bà, bạn bè, thầy cô và người thân những ngày Xuân. Còn Ban Chấp hành Hội thánh thì cũng chia nhau đi thăm viếng tín đồ và cầu nguyện đầu năm mới cho họ.

Tôi nhớ khi còn lãnh đạo công việc Chúa tại Hội thánh Tin Lành TB. (thuộc Xã BT, Huyện TB, Quảng Nam), mỗi dịp Xuân về Tết đến, sau khi thờ phượng Chúa đầu năm mới xong là chúng tôi bắt đầu đi thăm viếng và cầu nguyện cho tín đồ, từ Mồng Một cho đến tận...Mồng Mười, và có khi qua đến hết...mồng mới thăm được tất cả các gia đình tín đồ trong Hội thánh. Vì các con cái Chúa đều mong ước, khao khát đón chờ người chăn bầy đến thăm viếng nhà mình và cầu nguyện cho gia đình dịp đầu Xuân. Xong cái Tết là người rất mệt, nhưng được cái là thấy được tấm lòng yêu mến Chúa của các con cái Ngài, luôn luôn mong ước được tôi tớ Chúa đến thăm nhà và cầu nguyện cho gia đình mình. Đó quả là một điều đáng quý của các con cái Chúa ở hầu hết các Hội thánh vùng thôn quê Quảng Nam yêu dấu của tôi.

Tôi nhớ nhất là hình ảnh đôi vợ chồng một ông bà cụ tuổi tác cũng đã bát tuần, nhưng Tết năm nào cũng vậy, ông luôn luôn là người đầu tiên mời chúng tôi đến thăm và cầu nguyện đầu Xuân cho gia đình ông bà cho bằng được. Sau khi đi thờ phượng Chúa Mồng Một Tết về, là ông bà cụ ở nhà chuẩn bị bữa ăn và chờ đón chúng tôi đến thăm, cầu nguyện cho gia đình và ăn bữa ăn đầu năm với gia đình ông bà cụ. Sau đó, ông bà cụ mới đi thăm và chúc Tết người thân và hàng xóm, láng giềng.

Việc làm đó nói lên lòng yêu mến Chúa và yêu mến người hầu việc Chúa của ông bà cụ, dù tuổi tác chúng tôi chỉ đáng tuổi con của ông bà cụ mà thôi.

Tôi cũng nhớ đến tinh thần đi thờ phượng Chúa của ông cụ. Ông cụ là người có tinh thần đi thờ phượng Chúa sớm nhất trong Hội thánh. Không Chúa nhật nào mà ông cụ không đến nhà thờ từ lúc sáu giờ sáng để cầu nguyện với Chúa rồi sau đó học Trường Chúa nhật và rồi thờ phượng Chúa với Hội thánh.

Có một lần, vào một Chúa nhật trời có trăng sáng, ông cụ đến nhà thờ lúc bốn giờ rưỡi sáng, và ngồi trong nhà thờ cầu nguyện một mình với Chúa. Khi trời sáng ra, Mục sư BP. ra mở cửa nhà thờ, xem lại mọi thứ để chuẩn bị cho buổi thờ phượng Chúa, thì...hoảng hồn thấy một bóng người ngồi trong nhà thờ và nói...lí nhí trong miệng. Mục sư hỏi ai đó, thì ông cụ nói tôi đây. Mục sư hỏi, sao bữa nay cụ đi nhà thờ sớm vậy? Cụ nói, cơ khổ Mục sư ơi, tôi ngủ sớm rồi thức giấc dậy sớm, thấy trăng sáng tưởng trời sáng, nên lật đật tắm rửa, mặc đồ rồi đến nhà thờ liền, chớ sợ trễ; ai ngờ lên đây, mới biết là trăng sáng chứ không phải trời sáng.

Thật đáng nể cho tấm lòng sốt sắng, yêu mến Chúa của ông cụ! Ông cụ quả xứng đáng là...vua đi nhà thờ sớm khắp vùng, không ai hơn được! Và tôi, tôi không bao giờ quên được trong ký ức đức tin sắc son, lòng sốt sắng về nhà Chúa của ông cụ.

Còn nhiều những tấm gương tin kính Chúa tha thiết, chân tình mà tôi đã từng gặp trong chức vụ hầu việc Chúa của mình, nhưng trong bài viết nầy, không có đủ thì giờ để...kể ra được. Hy vọng trong một dịp tiện nào đó thuận lợi, tôi lại sẽ quay lại những thước phim...ký ức tốt đẹp nầy để khích lệ chính tôi cũng như nhiều người khác nữa.

Khi nói đến...ký ức về những điều đã qua để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn mình, nhất là những ký ức về những tấm gương tin kính nổi bật, tự nhiên tôi nhớ đến lời Kinh thánh trong Sách 2 Ti-mô-thê mà Phao-lô đã nói về người con thuộc linh yêu dấu của mình như sau:

Ta tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng ta phụng sự với lương tâm tinh sạch như tổ tiên ta đã làm. Ta nhớ mãi không bao giờ quên con mỗi khi ta khẩn nguyện đêm ngày; nhớ giòng nước mắt của con, nên mong sớm gặp mặt con để được đầy dẫy niềm vui thỏa. Ta cũng nhớ lại đức tin chân thành của con, là đức tin từng có trong lòng bà ngoại con là cụ Lô-ít, rồi đến mẹ con là bà Ơ-nít, ta tin chắc đức tin ấy cũng đang có trong lòng con.” (Sách 2 Ti-mô-thê, chương 1, câu 3-5)

Có ít nhất ba điều nơi Ti-mô-thê, người học trò, người con thuộc linh của Phao-lô đã để lại trong tâm hồn ông những ký ức làm ông không thể nào quên, đó là thứ nhất, Phao-lô luôn nhớ đến Ti-mô-thê mỗi khi ông cầu nguyện với Chúa, thứ hai Phao-lô nhớ đến dòng nước mắt của Ti-mô-thê, và thứ ba là nhớ đến đức tin chân thành của Ti-mô-thê. Có được một người học trò yêu mến Chúa, yêu mến công việc Chúa tha thiết như Ti-mô-thê làm sao Phao-lô không nhớ đến cho được?

Thiết nghĩ, Ti-mô-thê không còn gì vui hơn khi biết người cha thuộc linh của mình nhắc đến mình với những điều quý báu như thế!

Nhân dịp Xuân về, xin được nhắc đến vài chuyện về...ký ức xưa, hầu chuyện quý độc giả gần xa, để vui Xuân, đón Tết.

Nguyện Chúa Xuân phủ ơn lành của Ngài trên hết thảy mỗi một người trong chúng ta!

Kính chúc quý vị một mùa Xuân mới với nhiều ơn phước mới đến từ Đức Chúa Trời!

California, Đầu Xuân mới 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Dịch Mới (BDM)