Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 178

Chuyện... Chữ Nghĩa Tiếng Việt (8)

Kinh thánh: Châm ngôn 21: 13; Giê-rê-mi 13: 23; Giăng 19: 19; Ga-la-ti 5: 26; Hê-bơ-rơ 6: 19 (*)

Kính chào quý độc giả,

Người viết rất vui được trở lại thưa chuyện với quý độc giả “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (8).

Nói về “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” là một đề tài khá...dài hơi, nhưng là một đề tài thú vị phải không bạn?

Trong “Chuyện...chữ nghĩa tiếng Việt” (8) nầy, người viết xin được đề cập đến một số những từ có âm cuối là “eo” và “êu” mà người viết đã từng thấy có không ít người viết sai:

+ “Beo” và “bêu”:

-“Beo”, có nghĩa là tên một loài động vật da có sọc hung dữ ở rừng.

Chúa lên án dân Y-sơ-ra-ên quen làm điều ác trước mặt Ngài như sau:

“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Sách Giê-rê-mi, chương 13, câu 23)

“Beo”, có nghĩa là ốm yếu, xấu xí, như bủng beo.

Ca dao có câu:

Xưa kia anh bủng anh beo,
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.

-“Bêu”, có nghĩa là bới móc việc xấu của ai đó ra cho người khác biết, như bêu rếu...

+ “Hèo” và “hều”:

“Hèo”, có nghĩa là một loại cây gậy, như đánh cho nó một hèo. “Hèo” là một loại cây thuộc họ cau, thân thẳng, có nhiều đốt, thường dùng làm gậy.

Ca dao có câu:

Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

-“Hều”, có nghĩa là quá nhẹ, như nhẹ hều, việc đó nhẹ hều...

+ “Keo” và “kêu”:

-“Keo”, có nghĩa là một chất dẽo dùng để dán, như keo dán, keo sơn gắn bó...

“Keo”, có nghĩa là bủn xỉn, kiết lỵ, như keo kiệt...

-“Kêu”, có nghĩa là gọi ai đó nhiều lần, như kêu réo inh ỏi...

“Kêu”, có nghĩa là cằn nhằn điều gì đó, như kêu rêu, kêu ca...

“Kêu”, có nghĩa là nói với ai đó về một điều gì đó, như kêu gọi, kêu cầu, kêu la, kêu cứu...

Kinh thánh nói đến sự kêu gọi đến từ Đức Chúa Trời thì chẳng hề bị đổi lại:

vì các sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề đổi lại được bao giờ.” (Sách Rô-ma, chương 11, câu 29)

Sách Châm ngôn có một câu rất hay:

Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ; người đó cũng sẽ kêu la mà chẳng có ai đáp lại.” (Sách Châm ngôn, chương 21, câu 13)

+ “Kheo” và “khêu”:

-“Kheo”, kết hợp với cà có nghĩa là một cách đi, như đi cà kheo, là một trò chơi dân gian quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc nước ta.

Để làm cà kheo, người ta dùng 2 cây tre, trên đó cột hai cái khấc cũng bằng tre làm bệ để hai chân đứng lên đó mà đi. Muốn đi được trên cà kheo, người chơi phải có một chút khéo léo nhất định.

“Kheo”, trong cà kheo còn có nghĩa là tên một loài chim có chân dài, mỏ nhọn và mảnh.

-“Khêu”, có nghĩa là làm cho nổi lên, cho sáng ra, cho nhớ lại điều gì đó, như khêu cái tim đèn cho sáng.

Có bài Thánh ca “Mau chiếu ra”, có đoạn lời như: “Mau chiếu ra cho người xem Phước âm quang! Mau chiếu ra cho người trong tối mê man! Họ rên siết trong biển mênh mông lềnh bềnh. Trông ngóng ta khêu đèn thánh lên.”

“Khêu”, có nghĩa là làm cho ai đó bị kích thích, bị lôi cuốn, như ăn mặc khêu gợi.

+ “Leo” và “lêu”:

-“Leo”, có nghĩa là một loại dưa quả nhỏ, màu xanh đậm, thường dùng để ăn sống rất ngon, như dưa leo.

“Leo”, có nghĩa là trèo lên cao, như leo trèo, hay “giậu đổ bìm leo”, vật giá leo thang...

Ca dao Việt Nam mình cũng có câu nói đến việc làm loanh quanh lẩn quẩn, không đâu vào đâu như sau:

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt, leo ra leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt, leo vào leo ra
Cứ ra vào, vào ra chẳng đi tới đâu cả.

Cha ông ta có những cách diễn đạt ý nghĩ thật không chê vào đâu được phải không bạn?

“Leo”, có nghĩa là nói chen vào lúc người ta đang nói, như nói leo

“Leo”, có nghĩa là nguy hiểm, như trong cheo leo.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ có bài thơ “Vịnh cây thông” nổi tiếng mà nhiều người biết như sau:

Ngồi buồn lại trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.

-“Lêu”, có nghĩa là không chăm chỉ, vô kỷ luật, như chơi bời lêu lổng.

“Lêu”, có nghĩa là rất cao, như cao lêu nghêu...

+ “Neo” và “nêu”:

-“Neo”, có nghĩa là không người thân cận, gần gũi, như gieo neo, gia đình neo đơn.

“Neo”, dùng như một danh từ là dụng cụ hàng hải dùng để giữ tàu thuyền lại một chỗ cho chặt.

“Neo” dùng như một động từ như neo thuyền vào bến.

Sách Hê-bơ-rơ, chương 6, câu 19 dạy con cái Chúa rằng: “Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn

Chúng ta có bài Thánh ca “Neo tôi chắc, rất chắc”, có đoạn lời thật hay: “Neo tôi chắc, rất chắc, chắc lắm. Bao giông tố khó thế đánh đắm. Tuy thân bách nhỏ bé mong manh. Không trôi trác, lắc chao chòng chành. Neo tôi chắc, chắc, chắc, chắc chắn an lành.”

-“Nêu”, có nghĩa là làm gương cho người khác nhìn và noi theo, như nêu gương tốt...

“Nêu”, có nghĩa là một cây cao dựng trước nhà vào dịp 23 tháng Chạp Âm lịch ở nhiều gia đình thôn quê Việt Nam để chuẩn bị đón Tết, gọi là cây nêu.

Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, các gia đình người Việt thường chuẩn bị một cái cây trồng trước sân nhà, thường là cây tre, cây trúc hay cây lồ ô... dài chừng 5 đến 6 mét. Đó là cây nêu. Trên ngọn cây, người ta treo lên một vòng tròn nhỏ rồi gắn nhiều vật dụng có tính biểu tượng vào tùy theo mỗi địa phương như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ, với mục đích là nhằm ngăn ngừa không cho...ma quỷ bén mảng đến nhà.

Thiệt...vui và...tức cười.

Ma quỷ mà nó sợ gì mấy cái vật vô tri, vô giác treo trên cái cây nhỏ xíu ấy cơ chứ? Đúng là có những phong tục tốt, ta nên giữ, và có nhiều hủ tục xấu, ta cần phế bỏ, như tục dựng cây nêu nầy là một ví dụ. Nhưng muốn bỏ được nó, thì cần phải có một vị thần lớn và mạnh hơn ma quỷ ngự trị trong lòng chúng ta mới được. Vị thần đó, không ai khác hơn là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chính Ngài đã chiến thắng và giày đạp đầu ma quỷ rồi, nên những ai tin nhận Ngài cũng sẽ được Ngài ban sự chiến thắng đó cho, để không còn phải sợ ma quỷ nữa.

Người Việt Nam mình có câu đối nổi tiếng mà không ai không biết khi Tết đến Xuân về:

Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Nói đến là đã nghe...thèm hương vị Tết Việt Nam đầy hấp dẫn rồi phải không bạn?

+ “Reo” và “rêu”:

-“Reo”, có nghĩa là mừng rỡ, như reo hò ca hát, reo mừng...

“Reo”, có nghĩa là tiếng chuông nhắc nhở, như chuông đồng hồ reo, chuông điện thoại reo...

-“Rêu”, có nghĩa là bị mốc vì để lâu ngày, như rêu phong,

“Rêu”, có nghĩa là nói ra cho nhiều người biết để được khen ngợi, như rêu rao.

“Rêu”, có nghĩa là than van, như kêu rêu.

Thánh Phao-lô khuyên người tin Chúa rằng:

Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác.” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 31)

+ “Treo” và “trêu”:

-“Treo”, có nghĩa là để vật gì đó vào giá, như treo áo quần vào giá trên tường, treo soong nồi vào chỗ, treo đồ ăn lên giàn...

Kinh thánh chép khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, người ta có làm một tấm bảng rồi treo lên thập tự giá như sau:

Phi-lát cũng sai làm một tấm bảng, rồi treo lên thập tự giá. Trên bảng đó, có đề chữ rằng: Giê-xu NGƯỜI NA-XA-RÉT, LÀ VUA DÂN GIU-ĐA.” (Sách Giăng, chương 19, câu 19)

Người Việt Nam mình có câu tục ngữ nhắc nhở giữ đồ ăn khỏi chó mèo:

“Chó treo, mèo đậy” (nghĩa là nhà có chó thì nên treo đồ ăn lên cao, nó sẽ không ăn vụng được, còn nhà có mèo, thì nên đậy đồ ăn lại thì nó sẽ không mở ra ăn được.

Hay câu tục ngữ nói về việc...lập lờ đánh lận con đen: “Treo đầu dê, bán thịt chó”

“Treo”, có nghĩa là giữ lại, không cho nhận, không cho đi đâu xa, như treo bằng, án treo.

“Treo”, có nghĩa là đưa ra một số tiền thưởng cho ai làm được một việc gì đó khó khăn, như treo giải thưởng.

“Treo”, có nghĩa là không còn gì nữa, như treo niêu (tức là hết gạo nấu ăn), hoặc không cho ăn nữa.

-“Trêu”, có nghĩa là chọc ghẹo một ai đó, như trêu ghẹo một cô gái.

Kinh thánh dạy chúng ta cần tránh điều nầy:

Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau.” (Sách Ga-la-ti, chương 5, câu 26)

“Trêu”, có nghĩa là chuyện xảy ra một cách ngược đời, như số phận trớ trêu, trớ trêu thay, chuyện thật trớ trêu...

“Trêu”, có nghĩa là chọc tức một ai đó, như trêu ngươi, trêu gan...

+ “Teo” và “têu”:

-“Teo”, có nghĩa là nhỏ dần lại, hay nhỏ xíu, như teo tóp lại, bé tẻo teo...

Nguyễn Khuyến có bài thơ “Thu điếu” với những câu thơ tuyệt hay:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
-“Têu”, thì chưa thấy có nghĩa gì cả.

...

Trên đây là một số từ có những âm cuối là “eo” và “êu” trong tiếng Việt của chúng ta, mà người viết thấy có không ít người thời gian hay viết...sai lộn qua lộn lại với nhau.

Hy vọng, mỗi một chúng ta là người Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu và sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong khi giao tiếp cho đúng để cùng góp phần làm cho tiếng Việt mến yêu của chúng ta càng ngày càng trở nên đẹp đẽ và phong phú hơn.

Cầu xin Chúa ban phước lành cho quý độc giả thân mến của tôi thật dồi dào.

California, ngày 10/ 10/ 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)