Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 178

Người Khích Lệ

Gửi Ti-mô-thê, anh em chúng tôi, người phục vụ Đức Chúa Trời trong việc rao giảng Tin Lành của Đấng Christ, đến cùng anh em để xây dựng và khích lệ anh em trong đức tin. ” (1 Têsalônica 3:2)

Sau hơn 7 tháng đối diện với Đại dịch bệnh Covid-19, mọi người ở khắp nơi trên thế giới nói chung và dân chúng Hoa Kỳ nói riêng đã rất mệt mỏi và càng thêm lo lắng khi nhìn thấy làn sóng nhiễm bệnh lần 2 đang lan tràn khắp nơi. Quả thật, Covid-19 đã làm cho nhiều người rơi vào bệnh trầm cảm càng nặng nề hơn mỗi ngày. Các bác sĩ tâm lý góp ý là ta nên nói lời khích lệ nhau, quan tâm nhau nhiều hơn. Đừng nên chỉ trích nhau, lên án nhau mà hãy cảm thông nhau trong hoàn cảnh nầy.

Khích lệ là một động từ thật hay nhưng lại rất ít được sử dụng. Chữ “khích lệ” trong tiếng Anh là “encouragement”. Chữ “encourage” và ‘encouragement” được dùng 62 lần trong Kinh Thánh. Trong 62 lần đó, chữ “encourage” nầy được Sứ đồ Phao-lô dùng hai lần trong lá thư ông gởi đến Hội Thánh Têsalônica. Mỗi con dân Chúa đều cần có sự khích lệ. Khi chúng ta tương giao với Chúa qua sự đọc Kinh Thánh, chúng ta được sự khích lệ niềm tin qua Lời Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta được sự khích lệ qua quyền năng của Ðức Thánh Linh. Khi chúng ta thờ phượng và thông công với nhau vào mỗi Chúa Nhật chúng ta được khích lệ đời sống đạo của mình. Mời bạn cùng tôi suy gẫm Lời Chúa trong 1 Têsalônica 3:1-13 để học biết lẽ cần của sự khích lệ, trọng tâm của sự khích lệ, và cách thực hành sự khích lệ.

1. Khích Lệ Tinh Thần Lẫn Nhau. Thư 1 Têsalônica 3:2 chép: “… gửi Ti-mô-thê, anh em chúng tôi, người phục vụ Đức Chúa Trời trong việc rao giảng Tin Lành của Đấng Christ, đến cùng anh em để xây dựng và khích lệ anh em trong đức tin. ” Ðời sống con người trải qua nhiều bước thăng trầm, hoạn nạn, và thử thách. Ðôi khi bị cám dỗ bởi tư dục, thế gian, và ma quỷ. Nhiều lúc bị khủng hoảng tình cảm và tinh thần. Những chứng bệnh như chán nản, trầm cảm, xuống tinh thần, mệt mỏi, nản lòng, và tuyệt vọng xảy ra thông thường trong đời sống hằng ngày của con người. Tại Hoa Kỳ, trong năm 2016, có 16 triệu người lớn mắc bệnh trầm cảm. Có 12% thiếu niên mắc bệnh trầm cảm. Bệnh nhân dùng thuốc điều trị trầm cảm (antidepressant pills) tốn khoảng từ $100 - $200 mỗi tháng. Theo thống kê năm 2010, nước Mỹ tốn khoảng 210 tỉ đô la cho việc điều trị bệnh trầm cảm.

Trong bối cảnh của đoạn kinh văn nầy, Hội Thánh Têsalônica thuộc nước Hy Lạp ngày nay, lúc bấy giờ vừa mới được thành lập vài ba năm, mà gặp phải những khó khăn bắt bớ từ trong lẫn ngoài. Bên trong là các giáo sư giả trà trộn vào trong Hội Thánh gieo những đạo lạc. Bên ngoài là sự bắt bớ đạo của Ðế quốc La-mã. Một trong những mục đích của bức thư nầy là Sứ đồ Phao-lô muốn làm vững mạnh đức tin của các con cái Chúa. Thi-thiên 1 đã mô tả hình ảnh đời sống con dân Chúa như một cái cây lớn lên theo thời gian. Cây nầy phải hứng chịu những cơn gió thường xuyên và cả những trận gió mạnh như giông bão. Những cơn gió thường xuyên trong phương diện thuộc linh như là gặp thất vọng trong đời sống, gặp những trở ngại trong sự học Kinh Thánh và cầu nguyện, và gặp những Cơ Ðốc nhân gây cớ vấp phạm. Ðôi khi, con dân Chúa cũng sẽ đối diện với những cơn gió lốc như là gặp những cơ hội làm điều xấu và bị cuốn hút vào những tư tưởng bất khiết. Hãy trở nên những cây thuộc linh sống gần dòng nước để được tẩm bổ, bồi dưỡng và tiếp tục lớn lên. Một người gần Lời Chúa, cầu nguyện, và thông công với Hội Thánh thường xuyên chắc chắn sẽ được khích lệ tinh thần và được nâng đỡ đời sống tâm linh nhiều hơn.

2. Khích Lệ Đức Tin Lẫn Nhau. Khi viết bức thư nầy, Sứ đồ Phao-lô đang ở tại Côrinhtô vào năm 51A.D. Trước khi gởi hai lá thư I & II cho Hội Thánh Têsalônica, Sứ đồ Phao-lô cũng đã gởi Timôthê đến thăm viếng, an ủi, và khích lệ Hội Thánh mới thành lập nầy (3:5-6). Có ba trọng tâm tín hữu Têsalônica cần được khích lệ được nhắc đến ở đây: (a) Ðức Tin (Faith). Đức tin như là cái neo của đời sống người Cơ Ðốc. (b) Tình Yêu Thương (Love). Tình yêu thương là sợi dây kết chặt cái neo trong Chúa và với nhau. (c) Lòng Vâng Phục Chúa (Obedience to the Lord). Sự vâng phục làm theo lời Chúa dạy như là việc thảy cái neo xuống đáy biển để giữ con tàu không bị gió xô hay bão tố cuốn trôi đi. Có người đã định nghĩa khích lệ như là “Một tia lửa nhỏ nhưng có thể tác động làm một tia sáng lớn.” Bạn và tôi đều cần sự khích lệ nhau. Hãy đến với Chúa và với nhau để được sự khích lê tinh thần, niềm tin, và sự phục vụ của mình.

3. Khích Lệ Nhau Sống Yêu Thương và Làm Việc Lành. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tình yêu thương thể hiện qua sự hành động. Các tín hữu Têsalônica cần sống yêu thương với nhau, cần được đứng vững vàng, và cần sống thánh sạch trước mặt Chúa. Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện về một người biết khích lệ người khác – Đó là Banaba (Son of Encouragement). Có bốn đặc tính của Banaba được Kinh Thánh mô tả như sau: (a) Lòng rộng rãi (Công Vụ 4:36); (b) Cá tính nổi bật (Công Vụ 4:36); (c) Việc làm tốt lành (Công 11:23); (d) Chức vụ cao quý (Công 11:25, 26). Ðời sống con dân Chúa là một đời sống cộng đồng chứ không phải cá nhân riêng biệt. Chúng ta cần nhau. Kinh Thánh nhắc đi nhắc lại nhiều lần về chữ “cho nhau, với nhau, và cùng nhau”. Thư tín Hêbơrơ 10:24 cũng dạy rằng: “Chúng ta hãy lưu ý khích lệ nhau trong tình yêu thương và các việc lành. ”. Cầu xin Chúa giúp bạn trở nên như những Banaba, chú tâm đến chữ “cho nhau, với nhau, và cùng nhau” nầy để thực hành sự khích lệ nhau luôn luôn. Lời Chúa trong Thư Êphêsô 4:29 dạy rằng: ‘Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh (chị) em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.

Cầu xin Chúa giúp bạn biết kềm giữ lời nói của mình và áp dụng lời nói của mình theo lời Chúa dạy để làm vui lòng Chúa và hữu ích cho nhiều người. A-men.

Mục sư Lê Hồng Phúc

Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc