Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 185

Chuyện... Cười (1)

Kinh thánh: Sáng Thế Ký 21: 2 – 7; Thi-thiên 16: 11; Truyền Đạo 3: 4; Ma-thi-ơ 25: 21, 23 (*)

Kính chào quý độc giả,

Trong sách Truyền Đạo của Kinh thánh, vua Sa-lô-môn, một vị vua khôn ngoan nhất trong lịch sử con người, có viết:

có kỳ khóc và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa” (Truyền Đạo, chương 3, câu 4)

Vừa qua, chúng tôi đã gởi đến quý vị “Chuyện... khóc”; nay, xin gởi đến “Chuyện... cười” cho... quân bình, và cho đúng theo... kỳ định mà Kinh thánh đã nói vậy.

Khi chúng ta chào đời, thì chúng ta chào đời bằng tiếng khóc, người thân chúng ta lại cười, vì sự có mặt của chúng ta. Còn khi chúng ta qua đời, chúng ta không khóc, nhưng người thân lại khóc vì không còn được gặp chúng ta trên trần gian nầy nữa.

Trong cái quãng thời gian giữa lúc chúng ta chào đời và lìa đời, ai trong chúng ta cũng đều có những lần cười trong đó, không nhiều thì ít. Bạn cũng vậy và tôi cũng thế!

Cười là một trong những trạng thái tình cảm không thể thiếu của con người. Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người và ban cho chúng ta cuộc sống nầy để chúng ta thưởng thức nó, vui hưởng nó trong tinh thần biết ơn Ngài.

Theo Wikipedia định nghĩa thì “Cười là một phản xạ có điều kiện của loài người, là hành động thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng, đồng thuận và là một loại Ngôn ngữ cơ thể thường được dùng như một cách gián tiếp, xã giao thường ngày giữa con người với con người.”

Con người bắt đầu cười từ khi nào sau khi ra khỏi lòng mẹ?

Người ta cho biết, sau khi chào đời chừng ba, bốn tháng là đứa bé đã bắt đầu biết... cười, và đã biết lắng nghe người khác... cười và nói chuyện rồi.

Hãy cùng lắng nghe ông cha ta nói về tiếng cười như thế nào qua ca dao nhé:

Miệng cười giòn của các cô gái là một trong những điểm thu hút các chàng trai:

Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười giòn, anh mê.

Còn cười chúm chím đầy duyên dáng lại là một cách khác để các cô gái chiếm được trái tim của các chàng trai:

Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng
Thương em chúm chím cười duyên một mình.

Hay:

Trăm quan mua mấy miệng cười
Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc nụ cười em xinh.

Nhưng nên nhớ, những nụ cười vô duyên, lãng nhách của các cô gái sẽ là nỗi... ám ảnh đáng sợ đối với các đấng nam nhi:

Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn hơn có vợ cười vô duyên trong nhà
Tưởng đâu bến đã gặp thuyền
Nào hay em cười lãng nhách anh liền lui ghe

Có những nụ cười để lại... tương tư trong lòng người khác:

Nàng về nàng nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ hàm răng nàng cười.

Có những nụ cười làm nguôi đi cơn giận, tránh được biết bao... tai họa:

Chồng giận thì vợ làm lành.
Miệng cười chúm chím, rằng anh giận gì..?

Còn nhớ câu chuyện... thông minh của... thằng Bờm ngày xưa trong ca dao:

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.

Bài ca dao kết thúc bằng một nụ cười thật độc đáo của thằng Bờm. Cái cười của Bờm thể hiện một con người “biết mình biết ta”. Biết giá trị của món đồ mình có và biết giá cả trao đổi, mua bán trong việc buôn bán là... “của nào tiền nấy”, đừng để đồng tiền, của cải (ba bò chín trâu) làm hoa mắt mình, làm mất đi nhân cách đáng quý của mình.

Hoan hô anh chàng Bờm tưởng... ngố mà không... ngố chút nào kia!

Những ai yêu văn chương, chắc không thể không biết đến bài thơ tình nổi tiếng của một thi sĩ nổi tiếng người Trung Quốc là Thôi Hộ. Đó là bài “Đề đô thành Nam Trang”, mà trong đó có một nụ cười làm cho các văn nhân thi sĩ không thể nào quên được:

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ.
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.

Xin mời bạn thưởng thức bài thơ nầy qua bản dịch của học giả Trần Trọng Kim:

Hôm nay, năm ngoái, cửa này.
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
Thật là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cực hay!

Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Công Trứ của người Việt Nam chúng ta có bài thơ “Vịnh cây thông” đượm chất triết lý như sau:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.

Như đã thưa chuyện với quý độc giả trong “Chuyện... khóc”, là khi vui tột đỉnh, con người không cười mà lại... khóc, và ngược lại, khi buồn tột độ, con người không khóc mà lại... cười.

Đúng như Nguyễn Công Trứ đã nói “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười” vậy!

Nguyễn Công Trứ cũng có cách... ứng xử ở đời khá... thâm thúy:

Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận đã căm gan miệng mỉm cười.

Có những con người sống hai mặt, giả nhân giả nghĩa như nhân vật Hoạn Thư mà chúng ta thường bắt gặp không ít trong cuộc sống:

Bề ngoài thơn thớt nói cười.
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
(Kiều - Nguyễn Du)

Thật đáng sợ những con người sống... hai mặt như thế phải không bạn?

Chuyện... cười (1) nầy xin tạm chấm dứt nơi đây.

Xin mời quý độc giả xem tiếp “Chuyện... cười” (2) trong những ngày tới nhé. (**)

Kính chúc mọi người có được nhiều niềm vui và nụ cười trong cuộc sống!

California, tháng 11/ 2020

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết được trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Sau khi đọc hoặc nghe bài viết nầy, nếu bạn được cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu, thì hãy bấm vào phần “Lời cầu nguyện tin Chúa (gợi ý) trong website nầy, và lặp lại theo lời cầu nguyện đó với lòng thành tâm, là chắc chắn bạn sẽ trở nên con cái của Ngài.

Hân hạnh được đón tiếp bạn vào trong đai gia đình của Đức Chúa Trời để cũng thờ phượng Chúa với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.