Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 334

Khôn Ngoan Từ Trên




"Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình." - Gia-cơ 3:17

Sứ đồ Gia-cơ, là em trai của Chúa Giê-su, viết thư Gia-cơ này, gửi cho những tín hữu Do Thái bị tản lạc (Gia-cơ 1:1b). Ông đã nhắc đến “mười hai chi phái ở tan lạc” để chỉ về 12 chí phái của dân Y-sơ-ra-ên (Công-vụ 26:7). Những người Do Thái đã bị tản lạc, sống ở nước ngoại, khỏi ngoài vùng đất hứa là do họ đã phạm tội và xa rời Đức Chúa Trời, nên Ngài đã làm cho họ tản lạc khắp nơi (Phục-truyền 4:27). Tình trạng sa sút thuộc linh là một trong những vấn đề lớn và thường xuyên xảy ra. Trong thư Gia-cơ, ông nhắc đến sự "khôn ngoan" 4 lần. Ngay trong chương 1, ông đã khuyên các tin hữu hãy cầu xin sự khôn ngoan, "Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho" (Gia-cơ 1:5). Tiếp theo trong phần cuối của chương 3, Gia-cơ 3:13-18, ông nhắc thêm 3 lần từ "khôn ngoan" (câu 13, 15, 17).

Trong câu 17, ông nói đến sự "khôn ngoan từ trên", có nghĩa là sự khôn ngoan "trên Trời", trên Nước Thiên Đàng, và đến từ Đức Chúa Trời. Sách Châm-ngôn nói đến sự khôn ngoan hơn 120 lần; vua Sa-lô-môn bày tỏ cho chúng ta biết, người khôn ngoan là người kính sợ Chúa, "Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng" (Châm-ngôn 9:10). Chúa Giê-su là Đấng khôn ngoan, ngay từ nhỏ Ngài đã đối đáp với những người lớn hơn Ngài trong đền thờ. Bác sỹ Lu-ca đã chép lại sự khôn ngoan của Chúa Giê-su rằng, "Con trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài. … Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài. … Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta" (Lu-ca 2:40, 47, 52). Sự khôn ngoan thật được nhận biết qua những việc làm của nó. Gia-cơ 3:17 dạy chúng ta sống khôn ngoan, bày tỏ quay 7 việc làm và trái Thánh Linh cụ thể.

Thứ nhất là phải “thanh sạch”, nghĩa là phải "sống thánh khiết" bởi vì Chúa chúng ta là Đấng thánh khiết. Chúa phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng, "… các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh" (Lê-vi Ký 11:45). Tác giả Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết rằng, "…cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài" (Hê-bơ-rơ 12:10). Tác giả Thi-thiên khuyên mọi người, "Hãy tôn cao Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, Và thờ lạy trên núi thánh Ngài; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là thánh" (Thi-thiên 99:9). Sống "thanh sạch" là phải hoàn toàn thoát khỏi sự ô uế về đạo đức; như sứ đồ Gia-cơ khuyên rằng, "Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi" (Gia-cơ 4:8). Gia-cơ 3:17-18 là danh sách những đặc tính của sự khôn ngoan từ trên Nước Trời; và ngược lại Gia-cơ 3:14-16 mô tả sự khôn ngoan dưới trần gian, "Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác."

Thứ hai là sống “hòa thuận” (Shalom), còn có nghĩa là "bình an" – trái thánh linh thứ ba. Sứ đồ Phao-lô khuyên, "Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người" (Rô-ma 12:18). Sống hòa thuận là sống bình an với mọi người và với Chúa. Không gây chiến với ai, luôn tìm cách giải hòa. Đối với Chúa, thì chúng ta phải sống thánh khiết, không phạm tội, vì tội lỗi sẽ chia cách chúng ta với Ngài; như Chúa phán với dân sự khi họ phạm tội, "Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước" (Giê-rê-mi 5:25).

Thứ ba là sống “tiết độ”. Ở đây không phải là "tiết độ" trong Ga-la-ti 5:23. Trong tiếng Anh, chữ considerate, được dịch ra là "thận trọng, cân nhắc, chu đáo." Nếu kết hợp với "nhu mì", nó bày tỏ sự sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng cách thích hợp, không ích kỷ hay chú trọng cái “tôi”. Đây là thái độ nghĩ về người khác, "Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:4).

Thứ tư là sống “nhu mì” (submissive, "phục tùng"). Từ này có nghĩa là “sự thích ứng dễ chịu” hay là “kiên nhẫn chịu đựng.” Từ điển tiếng Việt, thì có nghĩa là "dịu hiền, mềm mỏng trong quan hệ đối xử." Chữ này thể hiện ý không áp đặt những quyền hạn hay là ý muốn cá nhân mà lại không lắng nghe hay là tôn trọng người khác trước. "Hãy cho mọi người đều biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi" (Phi-líp 4:5); "Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy" (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Chúa Giê-su nói chính Ngài có lòng nhu mì, "Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ" (Ma-thi-ơ 11:29); "Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất" (Ma-thi-ơ 5:5).

Thứ năm là “đầy dẫy lòng thương xót”. Điều này không chỉ đề cập đến cảm xúc mà thôi nhưng còn nhắc đến hành động. Tình thương và sự thương xót theo Kinh Thánh dẫn đến hành động yêu thương và phục vụ, chứ không phải loại cảm xúc thông thường. Chữ này liên kết với chữ tiếp theo và cả hai nói đến sự chăm sóc cho người nghèo, người túng thiếu và bị xa lánh trong Gia-cơ 2:15-16, "Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?" Sự khôn ngoan mà không có việc làm thì vô nghĩa! Chúa Giê-su phán, "Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót" (Lu-ca 6:36); "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót" (Ma-thi-ơ 5:7). Vua Đa-vít kinh nghiệm rằng, "Kẻ hay thương xót, Chúa sẽ thương xót lại" (Thi-thiên 18:25a).

Thứ sáu là có “bông trái lành” (good fruit), tức là những bông trái thánh linh và việc lành. Khi chúng ta có lòng thương xót, thì cần phải bày tỏ qua "bông trái lành", bằng việc làm lành cụ thể. Đây là lòng quan tâm và chăm sóc những ai đang thiếu thốn. Sứ đồ Phao-lô cũng gọi đây là " trái công bình", "Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, 10 để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời" (Phi-líp 1:9-11).

Thứ bảy là “không có sự hai lòng và giả hình” (impartial and sincere). Trong những bản dịch khác, cụm từ này được dịch là “không thiên vị”, “không chút thiên vị”, “tránh khỏi định kiến.” Chúa Giê-su lên án người Pha-ra-si là kẻ giả hình, bởi vì họ nói và làm khác nhau, "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy" (Ma-thi-ơ 23:27). Họ không làm vì kính Chúa yêu người, nhưng vì lợi riêng! Cụm từ này nói lên sự chân thành minh bạch, kết hợp với lòng thương xót, tình yêu thương, như sứ đồ Phao-lô khuyên, "Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành" (Rô-ma 12:9); "bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhơn từ, bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình" (2 Cô-rinh-tô 6:6); cũng như sứ đồ Phi-e-rơ khyên, "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng" (1 Phi-e-rơ 1:22).

Gia-cơ 3:13-18 cũng tương tự như Ga-la-ti 5:13-26 (nói về việc làm của xác thịt và việc làm theo Thánh Linh – trái Thánh Linh). Nó bao gồm những việc làm thế gian, tội lỗi, cần phải bỏ đi; và thay vào đó những trái thánh linh, sự khôn ngoan thật từ trên Nước Trời, từ Đức Chúa Trời ban cho; và con dân Ngài phải sống bày tỏ sự khôn ngoan này bằng hành động, bằng việc lành, bằng trái Thánh Linh. Gia-cơ 3:17 dạy chúng ta 7 kết quả thánh linh của sự khôn ngoan từ trên, "trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình." Nguyện xin Chúa giúp chúng con sống bày tỏ được 7 điều khôn ngoan này; hầu cho những người chung quanh nhìn thấy chúng con là những người khôn ngoan của Chúa; từ đó họ có thể mở lòng tìm hiểu và tin nhận Ngài làm cứu Chúa của đời mình, và trở thành những người khôn ngoan của Ngài! Amen!

Hãy tỉnh dậy, giữa trần gian rối bận,
Hãy tìm cầu, quyền năng thánh giúp ta,
Sống yêu thương, biết tha thứ, thuận hòa,
Luôn tiết độ, làm lành và lánh dữ!
Hãy hết sức, đừng chần chờ do dự,
Đi theo Ngài, hết trọn cả cuộc đời,
Không giả hình, không chểnh mảng ham chơi,
Phải thật sống, theo Lời Cha đã dạy!

Ngọc Huỳnh Bích

Ghi-chú:
Gia-cơ 3:13-18, "Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. 14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. 15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. 16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. 17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. 18 Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy."