Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 335

Trông Cậy Nơi Lời Chúa




"Chúa là nơi ẩn náu và cái khiên của tôi; tôi trông cậy nơi lời Chúa." - Thi-thiên 119:114

Trên thế gian này, ai là người chúng ta có thể ẩn náu, nương nhờ khi gặp khó khăn, gian khó; ai có thể bảo vệ chúng ta, là "cái khiên" để che chở khi những mũi tên hay súng đạn bắn vào? Tác giả Thi-thiên 119 đã trả lời những câu hỏi này cho chúng ta. Ông nói với Chúa rằng, Ngài là "nơi ẩn náu và cái khiên của tôi; tôi trông cậy nơi lời Chúa" (Thi-thiên 119:114).

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời nói dân sự phải lập nên những "thành ẩn náu", "...là nơi kẻ sát nhân, vì vô ý đánh chết ai, chạy ẩn náu mình được..." (Dân-số Ký 35:11-13). Kẻ sát nhân phải ở trốn trong "thành ẩn náu" cho tới khi thầy tế lễ qua đời. "Nơi ẩn náu" là nơi mà người ta trú ẩn để thoát nạn, ngay cả tánh mạnh của mình. Là con dân Chúa, chúng ta có nơi ẩn náu chắc chắn, đời đời, chính là Chúa. Vua Đa-vít đã ca ngợi Chúa vì Ngài là nơi ẩn náu của ông, "Nhưng tôi sẽ ca hát về sức lực Chúa; phải, buổi sáng tôi sẽ hát lớn tiếng về sự nhân từ Chúa; Vì Chúa là nơi ẩn náu cao của tôi, Một nơi nương náu mình trong ngày gian truân. Hỡi sức lực tôi, tôi sẽ ngợi khen Ngài; Vì Đức Chúa Trời là nơi ẩn náu cao của tôi, tức là Đức Chúa Trời làm ơn cho tôi" (Thi-thiên 59:16-17). Ông đã khẳng định rằng, "Chỉ một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi, Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động" (Thi-thiên 62:6). Tiên tri Giê-rê-mi cũng có cùng kinh nghiệm này, "Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là sức mạnh tôi, đồn lũy tôi, và là nơi ẩn náu của tôi trong ngày khốn nạn! Các nước sẽ từ nơi đầu cùng đất mà đến cùng Ngài, và nói rằng: Tổ phụ chúng tôi chỉ hưởng những lời giả dối, là sự hư không, và vật chẳng có ích gì" (Giê-rê-mi 16:19).

Điều thứ hai, chúng ta thấy tác giả nói Chúa là "cái khiên" của ông. Trong Kinh Thánh, cái khiên (shield) còn gọi là cái thuẫn. Trong tiếng Hoa, chữ "thuẫn (盾)" là cái mộc che đỡ cho người chiến binh. Người lính La-mã khi ra trận, tay trái của họ cầm một cái thuẫn (khiên) rất lớn, có hình chữ nhật, bọc da; có thể che một nữa phần trên người. Nó được dùng để bảo vệ người lính chống lại vũ khí của kẻ thù. Bên cạnh đó, cái thuẫn còn có công dụng làm bức tường để tiến lên phá thành của quân thù. Khi những chiến sĩ cùng nhau dàn trận, để những cái thuẫn gần với nhau, thì họ tạo nên một bức tường ngăn cản tên bắn vào. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta lấy "đức tin làm thuẫn, nhờ đó có thể dập tắt các tên lửa của kẻ ác" (Ê-phê-sô 6:16). Cái khiên, cái thuẫn thuộc linh là Đức Chúa Trời, giúp bảo vệ chúng ta khỏi những tên lửa của kẻ ác – là những những sự cám dỗ gây cho chúng ta phạm tội với Chúa. Vua Đa-vít đã kinh nghiệm rằng Chúa là cái khiên che chở ông, "… Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên" (Thi-thiên 3:3); "Đức Chúa Trời là cái khiên tôi, Ngài là Đấng cứu rỗi những kẻ có lòng ngay thẳng" (Thi-thiên 7:10); "Đức Chúa Trời tôi là hòn đá tôi, nơi tôi sẽ nương náu mình, là thuẫn đỡ tôi, sừng chửng cứu tôi, Ngọn tháp cao và nơi nương dựa của tôi; Hỡi Đấng che chở tôi! ấy Ngài giải cứu tôi khỏi sự hung bạo." (2 Sa-mu-ên 22:3).

Tác giả Thi-thiên 119 tuyên bố rằng, "tôi trông cậy nơi lời Chúa." Tại sao? Lời Chúa có gì cho chúng ta đáng trông cậy? Lời Chúa chính là Chúa, như sứ đồ Giăng đã tuyên bố, "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1). Chúng ta tin cậy Kinh Thánh bởi 7 đặc tính sau đây.
_Thứ nhất, Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn và có ích cho chúng ta, "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình" (2 Ti-mô-thê 3:16).
_Thứ hai, Lời Chúa là chân thật, "Sự tổng cộng lời của Chúa là chân thật, Các mạng lịnh công bình của Chúa còn đời đời" (Thi-thiên 119:160).
_Thứ ba, Lời Chúa là tinh sạch, thánh khiết, "Lời Chúa rất là tinh sạch, nên kẻ tôi tớ Chúa yêu mến lời ấy" (Thi-thiên 119:140).
_Thứ tư, Lời Chúa còn lại đời đời, hằng hữu, "Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời" (Thi-thiên 119:89).
_Thứ năm, Lời Chúa là Lời sống và linh nghiệm, có quyền năng, "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng" (Hê-bơ-rơ 4:12).
_Thứ sáu, Lời Chúa ngọt ngào, "Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi" (Thi-thiên 119:103).
_Thứ bảy, Lời Chúa là ngọn đèn, là ánh sáng, "Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi" (Thi-thiên 119:105).

Trên thế gian này, không có ai hay điều gì để chúng ta có thể ẩn náu, có thể được bảo vệ, và trông cậy được; chỉ có "Chúa là nơi ẩn náu", Ngài luôn bảo vệ, che chở chúng ta, và Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta đáng trông cậy. Vua Đa-vít đã nói, "Trong ngày sợ hãi, Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; Tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì; Người xác thịt sẽ làm chi tôi" (Thi-thiên 56:3-4). Nguyện xin Chúa ở cùng, giúp chúng ta luôn vững tin, trông cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh; luôn nhớ và suy gẫm Lời Ngài vì đó là Nguồn thức ăn tâm linh đời đời, chân thật , tinh sạch, ngọt ngào, có quyền năng, làm ánh sáng soi dẫn chúng ta bước đi theo Chúa cách thỏa lòng. Xin Chúa dạy chúng ta biết chia sẻ Lời Chúa về chương trình cứu rỗi của Ngài cho những người chưa biết Ngài, hầu cho Lời Chúa mở lòng họ và họ sẽ tìm đến tin nhận Ngài! Amen!

Chúa là nơi ẩn náu kiên cố,
Chẳng có một ai, giống như Ngài,
Bảo vệ chở che, luôn ở cạnh,
Là Nơi nương tựa, chẳng lung lay!
Lời Ngài hằng sống, ta trông cậy,
Linh nghiệm, ngọt ngào, trọn tháng ngày,
Dẫn dắt ta đi, không sợ hãi,
Hết lòng theo Chúa, thỏa vui thay!

Ngọc Huỳnh Bích

Ghi-chú:
Chữ "mâu (矛)" là thứ binh khí cán dài, mũi nhọn; là vủ khí để đâm kẻ thù. Mâu là tên một loại vũ khí lạnh, phát triển từ thương mà ra. Mâu có cán dài, mũi nhọn bằng kim loại. Khác với thương, mũi mâu thường có hình thù kỳ dị. Phía sau mũi có thể có một số gút nút hoặc uốn lượn dích dắc để tăng hiệu quả sát thương. Trong các loại mâu, biết đến nhiều nhất là xà mâu, có mũi mâu uốn éo giống hình con rắn. Phép dùng mâu chủ yếu là đập, đâm, chọc ngoài ra còn có nhiều kỹ năng khác tùy theo hình dạng của mũi mâu. Vì vậy mà có từ ghép mâu thuẫn chỉ sự trái nghịch nhau.