Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 191

Năm Mới, Nói Chuyện... Bách Niên

Kinh thánh: Truyền Đạo 12: 6, 7; Giăng 14: 6; I Giăng 5: 13 (*)

Kính chào quý độc giả,

Mỗi một lần năm mới đến là mọi người ai nấy đều quan tâm đến chuyện tuổi tác, chuyện sống lâu.

Cứ mỗi một năm mới đến là Ông Trời cho bạn cũng như cho tôi thêm được một tuổi nữa trong cuộc đời.

Người ta thường chúc nhau sống cho đến... bách niên (trăm tuổi).

Cao Bá Quát ngày xưa đã có câu thơ để đời mà ngày nay ai cũng thuộc:

“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”

“Ba vạn sáu nghìn ngày” tức là ... bách niên, một trăm năm, chỉ một đời người.

Bùi Giáng, một nhà thơ nổi tiếng nước Việt, người Quảng Nam cũng có những vần thơ đầy chất triết lý về cuộc đời... một trăm năm của kiếp người như sau:

Có gì mà lấy làm vui
Chỉ là một giấc mộng vùi trăm năm

Trăm năm nhìn xuống đời mộng ảo
Khoảnh khắc nhìn lên ngộ lẽ trời

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì... ngẫm về cuộc đời thế nầy:

Người đời thử ngẫm mà hay,
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai, ai tỉnh ai mê?
Những ai thiên cổ đi về những đâu?

Ông cha ta cũng có những câu ca dao rất hay khi nói về... bách niên, nhưng không phải là... bách niên chung chung cho mọi người, mà bèn là... bách niên cho những... đôi uyên ương.

Các cặp vợ chồng luôn mong ước được chung tình với nhau trong suốt cuộc đời của họ:

Trăm năm ước nguyện chung tình
Trên trời, dưới đất, có mình có ta

Để có thể sống được với nhau cả cuộc đời (một trăm năm), thì điều cần có của một... cặp đôi vợ chồng, không có gì khác hơn là một... chữ tình:

Thương nhau tạc một chữ tình
Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau.

Và trước khi quyết định đi đến sống với nhau cho đến... đầu bạc răng long, thì điều quan trọng cho đôi nam nữ, ấy là phải tìm hiểu cho kỹ lưỡng về nhau. Nếu chỉ theo kiểu “phút đầu gặp em (anh), tinh tú quay cuồng... ” không còn biết gì nữa hết, và liền quyết định sống đời với nhau thì rất dễ sau một thời gian ngắn, sẽ gặp phải cảnh “anh đường anh, tôi đường tôi”, vì “tình nghĩa đôi ta có thế thôi”:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho hết ngọn nguồn lạch sông.

Nhưng một khi đã tìm hiểu rõ về nhau rồi và thấy “tâm đầu ý hợp” là đôi uyên ương có thể đủ sức mà chờ đợi để đến với nhau cho bằng được, dù chờ đợi đến cả... trăm năm đi nữa:

Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ trăm năm cũng chờ

Thật... đáng nể!

Ngược lại, cuộc đời cũng lắm nỗi éo le, không ai có thể lường trước được, như nỗi lòng của đôi trai gái trong câu ca dao đầy cảm động sau đây:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.

Cây đa bến cũ vẫn còn đó, mà con đò thì lại khác, con đò khác đưa, chứ không phải con đò xưa nữa.

Một sự lỗi hẹn thật đáng thương và đầy sự thông cảm, thứ tha cho nhau, vì những lý do ngoại tại trớ trêu nào đó mà đôi nam nữ không hề mong muốn đã xảy ra.

Một hình ảnh đáng yêu khác của chàng dành cho nàng trong cuộc sống lứa đôi, vợ chồng:

Thương em hồi áo mới may
Bây giờ áo rách thay tay vá quàng
Trăm năm duyên nghĩa vẹn toàn
Dầu thương áo rách vá quàng cũng thương.

Một khi đã quyết định chung sống với nhau đến... bách niên (trăm năm) rồi, thì vấn đề giàu nghèo, sang hèn chẳng là... cái đinh gì nữa cả.

Và đây là một lời nhắn nhủ của đôi trái gái dành cho nhau trong cuộc sống... trăm năm:

Trăm năm ai chớ phụ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.

Như đã thưa với quý độc giả trong những bài viết trước đây, tôi rất yêu thích kho tàng ca dao của cha ông ta để lại, nhất là ca dao nói về tình yêu đôi lứa, thật sâu sắc, và ý nhị tuyệt vời.

Trong những bài viết của tôi, ngoài Kinh thánh là quyển sách tôi yêu quý nhất và thường hay trích dẫn, thì kho tàng ca dao nước Việt là một phần khác cũng thường hay xuất hiện trong đó.

Tôi thiết nghĩ, người Việt Nam mình trước hết, cần phải đọc và tìm hiểu Kinh thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời để tìm kiếm cho mình một con đường cứu rỗi duy nhất cho cuộc đời , là con đường từ Trời đã được ban xuống cho loài người hơn hai ngàn năm rồi. Đức Chúa Giê-xu Christ chính là con đường đó.

Kinh thánh cho biết: Chúa Giê-xu chính là Đường đi, Chân lý, và Sự sống (Sách Giăng, chương 14, câu 6), duy nhất cho con người ở khắp mọi nơi. Ngoài Ngài ra, con người không thể tìm thấy được sự sống đời đời ở bất cứ ai khác.

Hãy tin Chúa Giê-xu và thờ phượng Ngài để hưởng được sự cứu rỗi linh hồn.

Và điều thứ hai người Việt Nam mình cần làm là đọc và thưởng thức kho tàng ca dao, tục ngữ rất phong phú của ông cha ta để lại từ bao nhiêu đời qua để thêm lên lòng yêu quê hương, đất nước của mình.

Nói về chuyện... bách niên (trăm năm), thiết nghĩ cũng muốn thưa chuyện với quý độc giả về câu chúc “bách niên giai lão” mà ta thường hay nghe người ta chúc cho nhau. Nhưng chúc đúng thì... ít mà chúc sai thì... nhiều.

Đi tìm hiểu về câu chúc nầy, thì mới thấy rằng, chúng ta cần... uốn lưỡi... bảy lần trước khi chúc cho ai câu nầy, vì nếu không hiểu ý nghĩa của câu chúc, chúng ta sẽ dễ chúc... trật mất thôi.

Trong sách Nho lâm ngoại sử (hay còn gọi là “Truyện làng nho”, của nhà văn Ngô Kính Tử, sống vào thời nhà Thanh, Trung Quốc, có chép: “Chỉ nguyện nhĩ môn phu thê bách niên giai lão, đa tử đa tôn” (Nghĩa là: Chỉ mong tình nghĩa chồng vợ bách niên giai lão, đông con nhiều cháu).

Trong “Cung oán ngâm khúc”, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều cũng dùng từ “bách niên” (trăm năm) để nói về tình nghĩa vợ chồng sống với nhau bền chặt, dài lâu:

Chữ đồng lấy đấy làm ghi.
Mượn điều thất tịch mà thề bách niên.

(“thất tịch” là nói đến đêm mồng bảy tháng Bảy Âm lịch, theo truyền thuyết thì... đôi uyên ương Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.)

Hay, người ta cũng nói đến một câu nói khác:

Nhị tính liên hôn thành đại lễ
Bách niên giai lão lạc trường xuân

(Nghĩa là: Hai họ thông gia thành lễ lớn. Trăm năm lên lão kéo dài xuân)

Rõ ràng, với những câu nói như trên, chúng ta hiểu rằng câu chúc “bách niên giai lão” là câu chúc không phải dùng để chúc cho bất cứ ai đó sống lâu, trường thọ trăm năm, mà bèn là câu chúc chỉ dành để chúc cho các cặp đôi vợ chồng, các đôi uyên ương trong ngày cưới mà thôi.

“Bách niên giai lão”, có nghĩa là “trăm năm cùng nhau đến tuổi già”

“Bách niên” thì ai cũng hiểu được, đó là “trăm năm”, chỉ về cuộc đời một con người.

“Lão” cũng dễ hiểu, đó là nói đến tuổi già, chỉ những người lớn tuổi.

Chữ... khó hiểu trong câu chúc ấy là chữ “giai”.

Nhiều người cứ nghĩ “giai” ở đây là đẹp, như trong giai thoại (câu chuyện đẹp), giai nhân (người con gái đẹp)... nên thấy ai lớn lớn tuổi là cứ chúc cho “bách niên giai lão” (nghĩa như là “trăm năm...đẹp lão”. Nhưng không phải như thế!

Nếu muốn chúc cho ai (trừ những đôi vợ chồng) sống lâu trăm tuổi, thì chỉ chúc ông (bà), anh (chị) sống được bách niên, đừng chúc thêm... giai lão làm chi mà... trật!

Chữ “giai” trong câu chúc ấy nghĩa là “cùng nhau”. Cho nên, khi ta muốn chúc cho đôi uyên ương nào đó “bách niên giai lão”, thì có nghĩa là ta muốn cho họ sống cùng với nhau cho đến trăm năm tuổi già bạc.

Vậy đó, chuyện... chữ nghĩa cũng... khó khăn, hóc búa, chứ không đơn giản chút nào phải không bạn?

Hy vọng, chúng ta sẽ không chúc sai câu chúc nầy nữa khi mùa xuân đến, như chúng ta đã từng chúc... sai không ít lần trong những mùa xuân đã qua.

...

Cho dù chúng ta có chúc ai đó sống... bách niên (trăm năm), hay các đôi vợ chồng sống đến “bách niên giai lão” (cùng nhau sống đến trăm năm tuổi già) đi nữa, thì khi đến... bách niên rồi, ta cũng phải lìa đời nầy thôi, chứ không ai có thể... lột da sống đời được.

Ông Trời cho chúng ta cuộc sống nầy và với thời gian chừng “ba vạn sáu nghìn ngày” (bách niên, trăm năm), rồi sau đó, Ngài rút hơi thở chúng ta lại, thì thân thể bụi đất nầy sẽ trở về với bụi đất, và linh hồn sẽ trở về với Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh dạy:

“Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng, và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 6, 7)

Con người chúng ta thường mong muốn sống lâu trăm tuổi là thỏa lòng rồi, nhưng Kinh thánh cho biết con người có thể nhận được sự sống đời đời (chứ không phải chỉ... bách niên) bằng cách tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời:

Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời (Chúa Giê-xu - NV)” (Sách 1 Giăng, chương 5, câu 13)

Đức Chúa Trời không chỉ muốn cho bạn sống bách niên (trăm năm) trong cuộc đời tạm bợ nầy thôi đâu, mà Ngài còn muốn ban cho bạn sự sống đời đời phước hạnh trong Thiên đàng vĩnh cửu trong tương lai nữa, một khi bạn quyết định đem lòng tin trọn vẹn mà tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cho cuộc đời mình.

Bạn chọn sống... bách niên thôi, hay bạn muốn cầu xin Chúa cho bạn được hưởng sự sống đời đời với Ngài sau khi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi nầy, cho dù là bách niên đi nữa?

Tôi biết chắc, tôi đã có sự sống đời đời rồi, vì tôi đã đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu từ bao nhiêu năm qua.

Về tuổi đời trong đời tạm nầy thì Chúa đã cho tôi được “sáu mươi năm cuộc đời” rồi, không biết Ngài có cho được bốn mươi năm nữa để đủ... bách niên không? Nhưng tuổi đời đời thì tôi đã nhận được trong danh Chúa Giê-xu từ lâu rồi.

Qua đời nầy, tôi sẽ bước vào tuổi đời đời ở trong Ngài.
Không còn phước hạnh nào hơn thế!

Ước mong ngay trong năm mới nầy, bạn không chỉ ước ao sống được bách niên, nhưng tôi cầu xin Chúa cho bạn biết tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng để hưởng được sự sống đời đời như tôi đã được hưởng.

Xin Đức Chúa Trời ban phước cho bạn cũng như cho tôi trong năm mới, trong mùa xuân mới thật nhiều!

Hãy tin nhận Chúa Giê-xu để được hưởng sự sống đời đời ngay trong mùa xuân mới nầy bạn nhé! (**)

California, những ngày đầu Xuân 2021!

Mục sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh thánh trong bài viết nầy là trích từ Kinh thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Sau khi đọc bài viết nầy, nếu lòng bạn được cảm động để tin nhận Chúa Giê-xu, thì xin mời bạn bấm vào phần “LỜI CẦU NGUYỆN TIN CHÚA (GỢI Ý)” để sẵn trong trang web nầy, và chân thành lặp lại theo những lời ấy, là bạn sẽ trở nên con cái Đức Chúa Trời.

Xin mời bạn tìm đến một Hội thánh gần nơi bạn ở để được hướng dẫn thêm trong đức tin và được thờ phượng Chúa với các con cái khác.

Bạn cũng có thể lắng nghe ĐÀI NGUỒN SỐNG, tiếng nói của tình yêu, chân lý và hy vọng, được phát thanh hằng ngày trên mạng lưới internet toàn cầu qua địa chỉ: dainguonsong.com để được hiểu biết thêm về Chúa và Kinh thánh.

Xin chúc mừng bạn đã gia nhập vào trong đại gia đình của Đức Chúa Trời để cùng thờ phượng với chúng tôi và hưởng niềm vui của người được cứu.

A men!(nghĩa là mong được như thế!)