Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 358

Đấng Cảm Thương




"Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội." - Hê-bơ-rơ 4:15

Những học giả Kinh Thánh đánh giá lời lẽ và nội dung của thư Hê-bơ-rơ như là, "sách Ê-sai của Tân Ước." Theo từ ngữ trong thư Hê-bơ-rơ, chúng ta có thể biết thư này viết cho người Do-thái, vì thư nói đến "thầy tế lễ" rất nhiều. Sau khi Chúa Giê-su đã làm "sinh tế" chịu chết thay cho tội lỗi của loài người, thì chúng ta, những người tin Chúa, không còn phải dâng "của tế lễ" nữa. Đây cũng là mục đích chính của thư này; tác giả giải thích cho những tín hữu người Do Thái rằng việc dâng của tế lễ không còn cần thiết; mọi người cần ăn năn tội, thay đổi đời sống theo ý Chúa thì chắc được cứu bằng huyết của Đấng Christ.

Trong phần đầu của thư Hê-bơ-rơ, từ chương 1 đến chương 10:18, tác giả giãi bày về "giao ước mới, bởi người và việc của Đức Chúa Giê-su Christ được tỏ ra là cao trọng hơn hết." Chúa Giê-su cao trọng hơn thiên sứ (chương 1-2); Ngài cao trọng hơn Môi-se (chương 3); và Chúa Giê-su là thầy tể thượng phẩm của giao-ước mới (chương 4). Hê-bơ-rơ 4:14 cho chúng ta biết rằng, "… chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời…" Trong câu 15, tác giả giải thích về Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm này, không phải là "… thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội." Ở đây chúng ta học biết 3 điều quan trọng mà chỉ có Chúa Giê-su mới có, còn những thầy tế lễ khác không có, bởi vì họ là những con người đã phạm tội!

Thứ nhất, Chúa Giê-su là Đấng vô tội duy nhất trên trần gian! Dầu Ngài đã trãi qua nhiều cám dỗ, thử thách, nhưng Chúa luôn công bình, không phạm tội gì! "Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ" (Hê-bơ-rơ 7:26-27). Chỉ có Đấng thánh khiết, vô tội mới có thể cứu thế nhân là những người đầy tội lỗi! Thật không có đạo giáo nào mà có vị lãnh đạo vô tội cả! Làm người ai cũng phạm tội, "Thật, chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội" (Truyền-đạo 7:20); "vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). "Kẻ nào phạm tội là thuộc về ma quỉ; vì ma quỉ phạm tội từ lúc ban đầu. Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỉ" (1 Giăng 3:8). Cà loài người đều là những tội nhân, không ai có thể tự cứu lấy chính mình, nói chi là cứu người khác khỏi sự chết linh hồn dưới Âm Phủ; như lời Chúa phán, "Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! chẳng có Đức Chúa Trời nào khác là công bình và là Cứu Chúa ngoài ta" (Ê-sai 45:21b). Sứ đồ Phao-lô đã giảng rằng, "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu" (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). Chỉ có Đấng vô tội, thánh khiết mới có thể cứu mọi người; vì thế chúng ta đừng uổn công mà đi tìm kiếm một ai khác, một đạo khác trên thế gian này để được cứu rỗi linh hồn!

Thứ hai, Chúa Giê-su "bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta." Ma-quỷ đã cám dỗ Chúa sau 40 ngày kiêng ăn, nhưng Chúa vẫn chiến thắng chúng bằng cách dùng Lời Chúa (Ma-thi-ơ 4:1-10). Chúa Giê-su đã chịu mọi sự đau đớn, khổ nhọc, sỉ nhục trên thế gian, như lời tiên tri Ê-sai bày tỏ, "Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh" (Ê-sai 53:3-5). Thêm vào đó, thử thách lớn nhất mà Chúa đã chịu đó là con đường Thập Tự Giá để chịu chết cho loài người tội lỗi (Ma-thi-ơ 26-27)! Tác giả Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết rằng, "…Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy" (Hê-bơ-rơ 2:17-18). Chúa Giê-su phải trãi qua mọi khổ đau, thử thách để làm trọn như một con người thế gian, hầu cho chúng ta tin Ngài đã chịu khổ, chịu chết vì tội lỗi đầy tràn của chúng ta; thì chúng ta được cứu khỏi sự chết đời đời dưới hỏa ngục!

Thứ ba, Chúa Giê-su cảm thương sự yếu đuối chúng ta. Chúa là Đấng toàn tri và Đấng yêu thương. Chúng ta là những con người rất yếu đuối, do đó Chúa Giê-su đã kêu gọi chúng ta, "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối" (Mác 14:38). Chúa yêu chúng ta vô điều kiện, như được bày tỏ trong Rô-ma 5:6, 8, "Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. …Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết." Chúa biết mọi sự và yêu thương chúng ta, mọi người. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết rằng việc giữ Luật Pháp cũng không cứu được con người, vì chính tội lỗi làm cho Luật Pháp ra yếu đuối, nhưng chính "… Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt" (Rô-ma 8:3). "Người đã bị vây trong sự yếu đuối, nên có thể thương xót những kẻ ngu dốt sai lầm" (Hê-bơ-rơ 5:2). Cũng như sứ đồ Phao-lô đã bắt chước Chúa, ông chân thành bày tỏ rằng ông là người yếu đuối, "Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào" (1 Cô-rinh-tô 9:22). Điều này dạy chúng ta, "Muốn hiểu và cảm thông người khác thì chúng ta phải đến gần họ; có trải nghiệm giống như họ thì mới thông cảm được, và mới biết cách giúp họ tìm biết Chúa."

Cảm tạ Chúa Giê-su – Đấng thánh khiết, vô tội, đã xuống thế gian làm người, đã chịu mọi đau khổ, thử thách, cám dỗ,…, và cảm thương sự yếu đuối của chúng ta! Chính Chúa là Con Đường cứu rỗi duy nhất cho linh hồn con người trần gian! Nguyện xin Chúa Thánh Linh giúp chúng con sống biết ơn Chúa, hết lòng sống đẹp lòng Chúa, vinh hiển Danh Ngài, sống làm ánh sáng chiếu ra tình yêu đời đời của Ngài cho những người chung quanh biết được chỉ duy Chúa Giê-su là Con Đường duy nhất để đến nhận được sự sống đời đời trên Nước Trời! Amen!

Tạ ơn Chúa đã xuống trần thế,
Chịu chết, hy sinh, để cứu người,
Thánh khiết duy Ngài, vinh hiển bấy,
Cảm thương tất cả, khắp nơi nơi!
Hạ mình trước Chúa, và luôn sống,
Vâng phục đi theo, hết trọn đời,
Rao giảng Tin Lành, không nao núng,
Vui mừng, khen ngợi Chúa không ngơi!

Ngọc Huỳnh Bích