Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 227

Chuyện... Về Quê

Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 11: 15-16 (*)

Kính chào quý độc giả,

Những ngày tháng Bảy vừa qua, tại đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta, do tình hình đại dịch cúm Tàu lây lan mạnh trên diện rộng, nhất là tại Sài Gòn và các tỉnh công nghiệp xung quanh Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai; lệnh phong tỏa được ban ra, nên hầu như tất cả các công nhân đương làm ăn tại các nơi nầy đành phải về quê để... cứu mạng mình.

Lướt qua một lượt trên các trang mạng xã hội, ta dễ dàng thấy hình ảnh từng đoàn hàng ngàn, hàng ngàn người, đèo nhau trên xe máy rời bỏ Sài Gòn, hướng về quê cha đất tổ để tránh dịch và tránh đói.

Họ phải chạy một quãng đường rất xa hàng mấy trăm cây số, có khi cả ngàn cây số mới có thể về đến quê nhà. Họ chạy bất kể ngày đêm, miễn sao cho nhanh về tới nhà là được. Vợ chồng, con cái đèo nhau trên một chiếc xe máy, cộng thêm một số đồ dùng cần thiết nữa, thế là lên đường. Thấy cảnh một đôi vợ chồng phải đèo theo một đứa con nhỏ mới sinh được chừng mười ngày tuổi mà nước mắt cứ như chực chảy vào lòng.

Còn có những người vì quá nghèo, không có xe máy, phải “chạy nạn” bằng cách đi xe đạp từ Lâm Đồng về Thanh Hóa trong suốt ba tuần lễ. Đáng thương hơn nữa là có nhiều người rủ nhau... cuốc bộ về quê với chặng đường xa đến mấy trăm cây số nữa mới... kinh khiếp chứ.

Sài Gòn hoa lệ ngày xưa, giờ thành Sài Gòn... rơi lệ mất rồi!

Thương cho Sài Gòn quá là thương!

Nhiều người phải rời Sài Gòn để về quê tránh dịch, bỏ lại Sài Gòn... bơ vơ, cô đơn, vắng lặng.

Tự nhiên tôi nhớ đến lời một bài hát về Sài Gòn thật sôi động:

“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai,
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Saigon đẹp lắm, Saigon ơi ! Saigon ơi !
Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau
Người ra thăm bến câu chào nói lao xao
Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui
Saigon đẹp lắm, Saigon ơi ! Saigon ơi !...”

“Sài gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” thuở nào, giờ đang... tang thương trong đại dịch mà nghe lòng ngậm ngùi, thương cảm cho Hòn Ngọc Viễn Đông biết bao yêu quý!

Ai đó đã nói Sài Gòn hoa lệ là “Hoa cho người giàu, mà lệ cho người nghèo.” nghe sao mà xót xa!

Ôi, dân tôi sao mà cứ mãi nghèo và tội nghiệp đến như thế nầy, dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ rồi???

Nói đến đây, tôi bổng nhớ đến câu ca dao mô tả nỗi khổ cực của người nông dân Việt Nam mình:

Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo

Cực mà gánh thành... gánh thì phải biết cực đến thế nào rồi. Nhưng nếu gánh mà đổ xuống biển thì còn... dễ thở một chút; đằng nầy phải gánh đổ lên non, thì đúng là cực càng thêm cực. Lên non đi người không đã thấy khó và mệt rồi, đằng nầy lại phải gánh cực (nếu gánh... sướng thì còn có động lực để gánh, ở đây lại là gánh... cực), thì quả là đáng sợ. Chưa hết, còng lưng mà chạy cho nhanh đến nơi để... đổ cái gánh cực đi cho khỏe; ấy vậy mà, cái cực vẫn không chịu buông tha, nó lại cứ chạy theo, bám theo sát mình. Rõ là khổ chồng thêm khổ!

Đúng là chưa có câu ca dao nào lột tả được đúng cái cảnh cực khổ của người nông dân Việt Nam xưa thấm thía hơn câu ca dao nầy.

Những tưởng, đó là cái cảnh cực khổ của người nông dân xưa thôi; nào ngờ ngay đến tận thế kỷ 21 rồi, mà cái cực, cái khổ vẫn còn cứ đeo bám mãi không chỉ người nông dân Việt Nam, mà còn đeo bám hàng triệu triệu người dân Việt Nam mình. Cụ thể như cái cực, cái khổ của những đoàn người tháo chạy về quê để tránh địch như hôm nay. Cực sao mà cực! Khổ sao mà khổ!

Thương quá người dân Việt của tôi!

Còn nhớ cách đây mấy chục năm, khi biến cố 1975 xảy ra, từng đoàn, từng đoàn người lũ lượt kéo nhau chạy từ Đà Nẵng vào hướng Sài Gòn để chạy trốn bom đạn của chiến tranh. Dù đạn pháo bay vèo vèo khắp nơi, nhưng mọi người, già trẻ lớn bé, dường như chẳng kể gì cả, cứ kéo nhau, mặt hớt hơ hớt hãi, chạy về hướng bình yên – Sài Gòn.

Thời gian đó, chạy như thế, người ta gọi là... chạy giặc.

Cũng còn nhớ trong chương trình Văn học cấp phổ thông trước đây, người ta có dạy bài thơ “Chạy Tây” như sau:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?
(Nguyễn Đình Chiểu)

Bài thơ mô tả lại cảnh người dân chạy giặc, khi Thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Sài Gòn vào giữa thế kỷ thứ 19.

Cảnh chạy giặc bao giờ cũng thảm thương với những con người lơ xơ, dáo dác trước bom đạn của chiến tranh.

Hai câu kết của bài thơ là một dạng câu hỏi làm đau đớn, xót xa cả tấm lòng.Thương cho dân đen bị bỏ bê, chạy loạn tứ tung khắp nơi, không thấy sự quan tâm, lo lắng gì đến người dân của giới cầm quyền ăn trên ngồi trước?

Đó là cảnh chạy giặc để tránh bom đạn của chiến tranh xưa.

Ngày hôm nay, người dân Việt Nam sống trong một đất nước không còn chiến tranh nữa; nhưng vẫn phải chạy, không phải... chạy giặc như thời Pháp xâm lược Việt Nam, hay như thời biến cố 1975 xảy đến, mà phải... chạy dịch cúm Tàu.

Dù không có tiếng súng như những lần chạy giặc trước, nhưng lần tháo chạy khỏi Sài Gòn lần nầy cũng nhiều điều bi thương, đau đớn không kém. Vì dịch bệnh, người dân bị phong tỏa cả tháng trời, không làm ăn gì được để kiếm tiền sinh sống, nên họ đành phải dứt lòng tháo chạy khỏi Sài Gòn về quê, hầu còn có đường duy trì sự sống của mình. Bằng mọi giá, người dân đang tạm cư trên đất Sài Gòn để mưu sinh, phải quyết định về lại quê nhà, dù lòng họ không muốn chút nào.

Về quê thôi! Dù sao thì ở quê nhà còn có người thân, có bà con, họ hàng thân thích. Có gì thì còn có người giúp đỡ, đùm bọc nhau lúc nguy biến. Và thế là hàng ngàn, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người, hàng chục vạn người đã tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... để về quê trong những ngày tháng Bảy vừa qua.

Ôi, nhiều cảnh tượng thật đáng thương trên suốt chặng đường mấy trăm cây số, thậm chí cả ngàn cây số mà họ phải vượt qua trên một chiếc xe máy đơn sơ. Những bữa ăn sơ sài không đủ no, những giấc ngủ qua loa bên vệ đường để lấy lại sức, những gương mặt hốc hác, đầy lo âu thấy mà thương đến rơi nước mắt.

Rất cảm động cho những bà con có nhà ở hai bên đường quốc lộ đã mở lòng ra giúp cho những người về quê những phần cơm, những chai nước, những bó rau, những ổ bánh mỳ, thậm chí có cả những phong bì tiền cho bà con đổ xăng đi đường nữa... Đáng yêu , đáng quý làm sao những nghĩa cử ấy!

Thưa quý độc giả,

Chưa bao giờ, tôi nghe hai tiếng “Về Quê” vang lên nhiều như những ngày... chạy dịch nầy ở nước ta.

Vâng, là con người, ai trong chúng ta cũng đều có một quê hương để thương, để nhớ, để mong , để chờ và... để về sau mỗi khi đi xa.

Dù có đi đâu, ở đâu, và nơi ấy có đẹp đẽ, giàu có đáng sống cỡ nào đi nữa, thì có một điều chắc chắn là không có nơi nào đáng yêu đáng quý bằng chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi quê nhà-nơi mà mình được sinh ra và lớn lên.

Bạn và tôi đều có một quê hương địa lý trên đất để thương để nhớ và để trở về mỗi khi đi xa.

Quê hương yêu dấu của tôi là ở Quảng Nam. Cụ thể hơn là ở Thôn Tú Ngọc, Xã Bình Tú, Huyện Thăng Bình.

Tôi yêu quê tôi và tôi nhớ quê tôi mỗi khi đi xa. Và tôi luôn mong ước sẽ được trở về quê mình một khi sống ở nơi xa.

Chắc bạn cũng như thế phải không?

...

Nói đến chuyện... về quê dưới đất nầy, tôi suy nghĩ đến chuyện... về quê trên trời mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những người tin nhận Chúa Giê-xu.

Kinh Thánh dạy rằng:

Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 15, 16)

Quê hương dưới đất nầy là nơi chúng ta sinh ra, nơi mà người ta thường gọi bằng cụm từ rất dễ thương là “nơi chôn nhau cắt rốn”, đó là một nơi đáng yêu, đáng nhớ và đáng quan tâm của mỗi một người trong chúng ta.

Nhưng quê hương dưới đất nầy cũng chỉ là quê hương tạm của chúng ta mà thôi, vì bất cứ ai trong chúng ta rồi cũng sẽ già, sẽ chết, và sẽ phải rời bỏ quê hương của mình mà... ra đi thật xa vào một ngày nào đó trong tương lai.

Ông cha ta thường nói: “Sống gởi, thác về. Một cảnh hai quê”. Đó là một câu nói... chính xác.

Sống đây chỉ là sống gởi, sống tạm. Thác hay chết mới là... về quê chính thức của mình. Sống là một cảnh, tức trên trần gian đầy đau khổ, bất an nầy. Về thì có hai quê để một người phải về một trong hai nơi ấy. Hai quê ấy, Kinh Thánh cho biết rất rõ ràng, một là Thiên đàng, nơi phước hạnh miên viễn dành cho những ai tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa làm Chủ đời sống mình; còn một là hỏa ngục, nơi đau khổ đời đời, dành cho quỷ Sa-tan và tất cả những ai chối bỏ Đấng Tạo Hóa, khước từ Chúa Giê-xu.

Tôi biết chắc tôi sẽ được về quê Thiên đàng sau khi tôi không còn sống trên quê hương tạm bợ ở trần gian nầy nữa, vì tôi đã đem lòng tin nhận và tôn thờ Chúa Cứu Thế Giê-xu bao nhiêu năm qua.

Còn bạn thì sao?

Bạn có biết sau khi kết thúc cuộc sống trên quê hương tạm nầy, bạn sẽ đi về quê nào không?

Nếu bạn chưa biết mình sẽ đi về quê nào thì thật là đáng lo ngại lắm lắm vậy!

Những người đang tháo chạy khỏi Sài Gòn vì cúm Tàu ngày hôm nay, nếu không biết quê nào để mà về thì sẽ là nan đề lớn cho họ; nhưng họ biết họ có một quê nhà để về, nên họ đã mạnh dạn lên đường về quê.

Hãy làm một quyết định tin Chúa Giê-xu ngay hôm nay để biết chắc mình sẽ có một quê hương tuyệt vời để về sau khi rời cuộc sống tạm bợ trên trần gian nầy bạn nhé!

Xin mời bạn!

Nguyện xin Đức Chúa Trời thương xót lấy dân tộc Việt Nam nhiều đau khổ của chúng con mà làm ơn cho để dân tộc chúng con sớm được thoát ra khỏi cơn đại dịch quái ác nầy.

Và nguyện xin Ngài cho nhiều người dân Việt Nam chúng con được thoát khỏi quyền lực của quỷ Sa-tan mà đến với Đức Chúa Trời hằng sống để được sở hữu quê hương Thiên đàng vinh hiển cho chính mình ngay hôm nay.

Mong lắm thay!

California, tháng 8/ 2021

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)