Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

Thương Yêu Và Tha Thứ

Mục sư T. là kỹ sư, làm việc tới 50 tuổi, cảm thấy Chúa thúc giục hầu việc Chúa trọn thời gian. Ông ghi danh vào trường Kinh thánh, sau khi hoàn tất chương trình hoc, ông được giao cho một Hội thánh để chăm sóc.

Lúc còn là tín hữu, ông thấy công việc Hội thánh không khó lắm, nhưng khi bắt tay vào việc quản nhiệm, ông mới thấy gay go trăm bề. Hồi làm kỹ sư, ông chỉ tiếp cận với những con số, chừng làm mục sư, ông phải tiếp xúc với con người. Mà con người khác hẳn với con số. Với con số, số 1 hôm nay, ngày mai vẫn là số 1, nhưng với con người, nay vầy mai khác, ngay cả vài tiếng đồng hồ cũng có thể đổi thái độ y như thời tiết:

Sớm mưa, trưa nắng, chiều nồm..

Ông chạm thực tế và hiểu được sâu sắc lời của Gia-cơ (James) 3:10 “Đồng một miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả!

Lúc đầu, vì không hiểu tâm lý con người, ông xuống tinh thần, có lúc muốn bỏ cuộc. Qua sự kiên trì cầu nguyện, ông được Thánh linh nhắc nhở “hãy nhìn lên thập tự giá”.

Thập tự giá cho ông nhiều suy tư quý báu, nhưng 2 điều ông học được nhất là tình thương yêu và lòng tha thứ.

Vì tình thương yêu bao la của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-su đã giáng thế. Chúa Giê-su chuộc tội lỗi thế nhân bằng sự hi sinh trên thập tự giá. Trước khi tắt hơi, Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha tha tội cho những người hành hình Ngài vì họ không biết điều họ làm!

Một điều lý thú mà ông nhận ra “thập tự” nguyên là chữ Hán Việt (十字), có nghĩa là “số 10”. Số 10 gồm 1 + 0. Trong 9 bông trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23), mỹ đức đầu tiên “thương yêu” là mỹ đức quan trọng nhất, có thể xem như nguồn các mỹ đức kia (vui mừng, bình an, nhẫn nhịn, nhân từ, làm lành, trung tín, khiêm nhường, tiết độ). Người thích nhạc nói tình thương yêu là nhạc trưởng.

Do đó, số 1 nhắc ông tình thương yêu. Tình thương yêu của Chúa đối với ông, tình yêu của ông đối với Chúa và đối với những ai ông tiếp xúc. Số 0 nhắc ông nhớ rằng tất cả sẽ trở thành hư không, chỉ còn tình yêu thương mới trường tồn, nên cần tha thứ. Tha thứ cho mình, cho người.

Nắm được bí quyết Thương & Tha, ông thấy nhẹ nhõm người. Áp dụng Thương & Tha với mọi người, ông thấy ai cũng dễ thương, và những ai xúc phạm ông, ông cũng tha thứ, mà còn coi đó là dịp tiện để thăng hoa, thánh hóa tâm linh. Những lời nặng nhẹ của người khác, lúc trước ông thấy đau đớn như Tôn Ngộ Không bị vòng kim-cô siết đầu, nay ông xem như vương miện quý báu.

Từ đó, mỗi lần tiếp xúc với bất cứ người nào, ông nhủ thầm: đây không phải là con số giản đơn, đây là con người phức tạp, cần đối đãi bằng tình thương yêu và lòng tha thứ. Luôn trang bị bằng Tình Thương & Tha Thứ, ông thấy mục vụ dễ dàng hơn và thấy niềm vui khi nhận ra mình có thể chịu khó với người khó chịu nhất.

Ông để trên 6 tháng giảng cho Hội thánh về 2 mỹ đức này. Bài giảng đầu tiên là câu chuyện Bộ ba Xe Pháo Ngựa trong sách Công Vụ các Sứ Đồ chương 15. Câu chuyện này thuật mâu thuẫn lớn giữa Ba-na-ba và Phao-lô vào vòng truyền giáo thế giới lần 2 vì cớ Mác. Trong vòng truyền giáo thứ nhất, vì Mác đã bỏ cuộc nửa chừng, nên Phao-lô trọng kỷ luật và nguyên tắc, không nhận Mác đi trong vòng thứ hai. Đành rằng Ba-na-ba có họ hàng với Mác, nhưng ông là người có lòng bao dung, thông cảm tính khí bồng bột của người trẻ, thấy sự hối lỗi của Mác, thấy được tiềm năng của chàng, nên sẵn lòng tha thứ cho con ngựa non này. Không thuyết phục được Phao-lô , Ba-na-ba đành rời Phao-lô để đưa Mác đi con đường truyền giáo khác qua đảo Chíp-rơ. Nhờ tình thương yêu và lòng thương xót của Ba-na-ba mà tinh thần Mác được phục hồi và trở thành một công cụ hữu dụng trong nhà Chúa. Ông đã viết nên sách Phúc Âm Mác, đứng hàng thứ nhì trong Tân Ước.

Thương yêu và được thương yêu; tha thứ và được tha thứ là những điều thiết yếu của mỗi con người sống giữa nhân quần xã hội. Tình thương và tha thứ là 2 liều thuốc linh nghiệm chữa trị nhiều bệnh về tâm linh. Người nào thiếu nó, tâm linh sẽ trở nên khập khểnh.

Sau thời gian giảng dạy đó, mọi tín hữu như dễ thương hơn, nhường nhịn nhau, thương yêu, thông cảm nhau hơn, gia đình nào cũng thuận hòa, hạnh phúc hơn, hội thánh không bao lâu sau được phấn hưng.

Người đi xa nay về lại nhà thờ xưa thấy đông hơn, vui hơn, mọi người yêu thương nhau hơn, ngạc nhiên hỏi: Phép lạ nào đã xảy ra?

PS: Bộ ba Xe Pháo Ngựa:

Ba-na-ba ví như Xe, có lượng bao dung, có lòng chuyên chở như xe. Phao-lô ví như Pháo, trực tính, thẳng thừng, không thích nhập nhằng, nổ đùng như pháo. Mác ví như Ngựa, bồng bột, nông nổi, hời hợt của tuổi trẻ.

Nguồn: 🔗