Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1537

Thoát Khỏi Cạm Bẫy

Do đó, tôi luôn luôn cố gắng giữ lương tâm không chê trách trước mặt Ðức Chúa Trời và loài người.” (Công vụ 24:16)

Cần cố gắng mới thoát khỏi sự vấp phạm. Phao-lô so sánh việc này với việc tập thể dục. Nếu chúng ta luyện tập thân thể, chúng ta ít có nguy cơ bị thương hơn. Trong lúc ở Hawaii, tôi leo lên một bức tường để chụp hình. Khi tôi leo lên, tôi bị trật ở đầu gối và không đi được suốt bốn ngày. Một bác sĩ chuyên khoa cho tôi biết, “Nếu ông tập thể dục thường xuyên, ông sẽ không bị trật khớp. Bởi vì cơ bắp của ông không dẻo dai nên ông có nguy cơ bị chấn thương.” Tới lúc tôi đi được rồi thì một bác sĩ khác khuyên tôi, “Ông phải tập những bài thể dục này để đầu gối của ông dẻo dai trở lại.” Phải mất vài tháng đầu gối của tôi mới trở lại bình thường.

Từ “cố gắng” trong Công vụ 24:16 trong tiếng Hy lạp là từ askeo. Từ điển Vine’s Expository Dictionary định nghĩa từ “cố gắng” là chịu khó, nỗ lực, luyện tập qua sự huấn luyện hay kỷ luật.” Thỉnh thoảng người ta cũng làm chúng ta vấp phạm, và thật khó để tha thứ. Nhưng chúng ta đã huấn luyện tấm lòng chúng ta để nó ở trong tình trạng kiểm soát sự vấp phạm; vì thế, chúng ta sẽ không bị thương tổn hay mang những hậu quả thiệt hại về sau. Nhiều người có thể trèo lên bức tường ở Hawaii mà không bị hề hấn gì bởi vì họ có thể lực tốt. Cũng vậy, một số người chịu vâng lời Chúa qua việc huấn luyện tấm lòng của họ. Mức độ trưởng thành sẽ quyết định việc xử lý khéo sự vấp phạm mà không bị tổn thương.

Một số vấp phạm mang tính thử thách hơn số khác nên chúng ta phải được huấn luyện để đối phó. Chính sự vấp phạm tiếp theo tạo ra sự tổn thương hay đau đớn mà sau đó chúng ta sẽ phải kỷ luật tâm linh để được tự do và được chữa lành lần nữa. Nhưng kết quả như thế xứng đáng với nỗ lực của chúng ta.

Trong chương này tôi sẽ nói đến những vấp phạm trầm trọng và gay gắt mà đòi hỏi mất nhiều nỗ lực hơn để giải quyết. Một trường hợp xảy ra trong đời sống tôi liên quan đến một tôi tớ Chúa trong chức vụ. Sự vấp phạm trầm trọng này tôi trải qua không phải một lần nhưng nó căng thẳng kéo dài hơn một năm rưỡi. Ai quen biết tôi đều biết chuyện xảy ra. Họ hỏi tôi, “Anh có bị tổn thương không? Anh sẽ làm gì? Anh có đáp trả không?” Tôi trả lời, “Không sao cả. Chuyện này không ảnh hưởng đến tôi. Tôi vẫn tiếp tục bước đi với ơn gọi trên cuộc đời tôi.”

Nhưng câu trả lời của tôi chỉ là kiêu ngạo mà thôi. Tôi bị tổn thương vô cùng nhưng tôi đã chối, ngay cả với bản thân tôi. Tôi để nhiều giờ cố nghĩ xem sao mà tất cả chuyện này xảy ra cho tôi. Tôi bị sốc, lặng người đi và đầy sửng sốt. Nhưng tôi đè nén những ý tưởng này và tỏ ra mạnh mẽ trong khi thực tế thì tôi yếu đuối và bị tổn thương sâu xa. Nhiều tháng trôi qua. Mọi thứ dường như khô hạn, việc hầu việc Chúa đâm ra chán nản, đời sống cầu nguyện riêng thì buồn tẻ, và tôi bị khốn đốn vô cùng. Tôi chống trả ma quỷ mỗi ngày. Tôi nghĩ tất cả sự chống đối này là do sự kêu gọi của Chúa trên đời sống tôi, nhưng thực ra đó là sự khốn khổ do tôi không chịu tha thứ. Mỗi lần tôi gần vị tôi tớ Chúa này tôi bị giày vò trong tâm linh. Rồi đến buổi sáng nọ mà tôi không bao giờ quên. Khi tôi ngồi ở sân sau nhà tôi cầu nguyện. Tôi hỏi Chúa, “Chúa ơi, có phải con bị tổn thương không?” Ngay sau khi những lời này ra khỏi miệng tôi thì tôi nghe một tiếng nói trong tâm linh tôi : có. Chúa muốn tôi biết chắc là tôi bị tổn thương. Tôi nài xin, “Chúa ơi, xin giúp con thoát khỏi sự tổn thương và vấp phạm này. Quá trầm trọng đến độ con không chịu nổi.” Ðây chính là chỗ Chúa muốn tôi – bất lực. Thường thì chúng ta cố làm công việc bằng sức mạnh của ý chí. Làm thế không giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh. Trái lại, chúng ta có nguy cơ bị sa ngã.

Bước đầu để được chữa lành và tự do là nhìn nhận bạn bị tổn thương. Nhưng thường thì sự kiêu ngạo không muốn chúng ta nhìn nhận chúng ta bị tổn thương và vấp phạm. Một khi tôi nhìn nhận tình trạng thật của tôi, tôi tìm kiếm Chúa và mở lòng ra để Chúa sửa dạy. Lúc đó tôi cảm nhận rằng Chúa muốn tôi kiêng ăn vài ngày. Kiêng ăn đặt tôi vào vị trí nhạy bén với tiếng phán của Thánh Linh và mang lại nhiều ích lợi khác. Không phải cách kiêng ăn mà Ta chọn lựa là tháo xiềng gian ác, mở dây cột ách, trả tự do cho kẻ bị áp bức, bẻ gãy mọi ách, hay sao? (Êsai 58:6) Tôi chuẩn bị để phá vỡ những xiềng hung ác này và để được tự do khỏi sự áp chế.

Vài ngày sau tôi dự một lễ tang. Vị tôi tớ Chúa mà làm tôi vấp phạm cũng có mặt ở đó. Tôi nhìn thấy ông phía sau nhà thờ và bật khóc. “Chúa ơi, con tha thứ cho người này, con phóng thích ông khỏi tất cả những gì ông đã làm cho con.” Lập tức tôi cảm thấy gánh nặng vơi đi. Tôi đã tha thứ cho ông. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng! Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu của con đường đến phục hồi. Trong lòng tôi đã tha thứ, nhưng tôi chưa ý thức hết mức độ tổn thương tới đâu. Tôi vẫn có thể dễ bị tổn thương tiếp. Nó cũng giống như một vết thương mới được lành. Tôi cần huấn luyện để làm mạnh mẽ tấm lòng, tâm trí và tình cảm của tôi nhằm ngăn chặn những tổn thương trong tương lai

John Bevere (Mồi Của Satan)