Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 280

Chuyện... Mau Và... Chậm

Kinh Thánh: Thi-thiên 103: 8; Gia-cơ 1: 19; Khải Huyền 22: 12

Kính chào quý độc giả,

Mau và chậm là hai trạng thái trái ngược nhau mà chúng ta thường thấy nơi con người.

Ca dao, tục ngữ nói về về mau và chậm, chúng ta thường nghe như:

+ Trâu chậm uống nước đục.

+ Nhanh như thỏ, chậm như rùa.

+ Chậm mà chắc.

+ Thời giờ ngựa chạy tên bay,
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm.

+ Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.

Tôi có đọc ở đâu đó một câu chuyện kể về một người nổi tiếng... chậm chạp như sau:

“Một anh nọ tính tình rất chậm chạp, nên bị sở làm sa thải. Một người bạn thấy anh thất nghiệp, thương tình bèn giới thiệu anh đến làm nhân viên bảo vệ cho một công ty chăn nuôi rùa. Được đâu vài ngày sau, người bạn được biết anh lại bị công ty mới sa thải. Hỏi lý do vì sao người ta cho nghỉ việc? Anh... chậm chạp trả lời:

-Dạ, có một con rùa bị sổng chuồng bò ra ngoài, tôi đuổi theo để bắt nó, nhưng đuổi... không kịp, rùa bò đi mất, và thế là người ta cho tôi nghỉ việc ạ!”

Chậm như thế thì đúng là... chậm nhất thế giới rồi, chứ còn ai chậm hơn. Chậm như thế không phải là... chậm như rùa nữa, mà là... chậm hơn rùa mất rồi phải không bạn?

Chuyện về... chậm như câu chuyện nầy không biết là... thiệt bao nhiêu phần trăm, nhưng quả là... đáng ghi nhớ bạn nhỉ?

Kinh Thánh đề cập đến việc... mau và... chậm cũng khá nhiều.

Thánh Gióp cho biết cuộc đời con người sống trên trần gian nầy thật chóng qua:

Các ngày tôi qua mau hơn thoi dệt cửi. Tiêu đi, chẳng có trông cậy gì.” (Sách Gióp, chương 7, câu 6)

Mấy ngàn năm sau, Thi Hào Cao Bá Quát của Việt Nam cũng có cùng một ý như thế:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?

Cảnh phù du trông nghĩ cũng nực cười.

Vua Đa-vít khẳng định rằng kẻ dữ sẽ không tồn tại lâu, nó sẽ mau qua đi mà thôi: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ. Cũng đừng ghen tỵ kẻ tập tành sự gian ác. Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ. Và phải héo như cỏ tươi xanh.” (Sách Thi-thiên, chương 37, câu 1, 2)

Thánh Gia-cơ thì cho biết có một điều cần mau và hai điều phải chậm, đó là: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó:Người nào cũng phải mau nghe, mà chậm nói, chậm giận.” (Sách Gia-cơ, chương 1, câu 19)

Một điều cần mau đó là mau... nghe.

Thế thường con người chúng ta hay mau nói, mau giận, mà lại... chậm nghe, nên có nhiều nan đề đến với chúng ta là vậy.

Hãy ghi nhớ lời Kinh Thánh dạy là chúng ta cần phải... mau nghe. Khi chúng ta mau... nghe thì chúng ta sẽ tránh đi được nhiều nan đề trong đời sống.

Có một điều Kinh Thánh muốn chúng ta... mau mau tìm kiếm, đó là gì bạn biết không? Đó chính là tình yêu thương! “Hãy nôn nả (tức mau mau-nv) tìm kiếm tình yêu thương.” (Sách Cô-rinh-tô 1, chương 14, câu 1). Thế mà chúng ta lại thường hay... chậm chạp tìm kiếm tình yêu thương! Đó là một... sai lầm cần điều chỉnh lại trong đời sống mỗi một chúng ta.

Chúa Giê-xu có phán một lời phán mà chúng ta cần ghi tâm khắc cốt: “Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Sách Khải Huyền, chương 22, câu 12)

Chúa Giê-xu sẽ đến mau chóng để ban thưởng cho những người nào hầu việc Ngài một cách đẹp lòng Ngài.

Chúng ta thường có tâm lý cho rằng Chúa sẽ đến chậm trễ, chứ không mau đâu, đừng lo! Nhưng hãy nhớ lời Chúa Giê-xu phán trên đây để “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy”, và tin chắc rằng Ngài sẽ trở lại mau chóng trong một tương lai không xa để đón rước chúng ta về trong Nước Trên Trời ở với Ngài.

Đó là chuyện... mau.

Còn đây là chuyện... chậm.

Vua Đa-vít cho biết Đức Chúa Trời là Đấng chậm... giận: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhơn từ.” (Sách Thi-thiên, chương 103, câu 8)

Có người cho rằng Đức Chúa Trời không có... giận. Vì nếu Chúa mà... giận là Ngài không tốt.

Đó là ta đã suy nghĩ sai về Đức Chúa Trời.

Vấn đề không phải là Ngài không giận; nhưng là... chậm giận.

Giận đúng, giận trong sự công bình và... chậm giận là điều Kinh Thánh dạy.

Đức Chúa Trời không... mau giận như con người chúng ta; nhưng Ngài... chậm giận, và đầy sự nhân từ. Nếu Ngài... mau giận như con người tội lỗi chúng ta, thì chắc không ai trong chúng ta còn đứng nổi trước mặt Ngài.

Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng... chậm giận! Không những thế mà Ngài còn có lòng thương xót và đầy sự nhân từ nữa!

Vua Sa-lô-môn cho biết ích lợi của việc chậm giận: “Kẻ nào chậm nóng giận, có thông sáng lớn. Nhưng ai hay nóng nảy tôn lên sự điên cuồng.” (Sách Châm Ngôn, chương 14, câu 29)

Một chỗ khác, Vua Sa-lô-môn cũng khuyến cáo chúng ta trong việc chớ... mau nói: “Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời.” (Sách Truyền Đạo, chương 5, câu 2)

Hãy ghi nhớ lời nầy để cẩn thận về lời nói của chúng ta mỗi khi thờ phượng Chúa ở trong nhà của Ngài!

Gia-cơ nhắc nhở con dân Ngài rằng: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: Người nào cũng phải mau nghe, mà chậm nói, chậm giận.” (Sách Gia-cơ, chương 1, câu 19)

Hai điều... chậm mà người tin Chúa phải biết, đó là chậm... nói, và chậm... giận.

Chậm... nói sẽ giúp ta tránh được nhiều điều sai trật đáng tiếc; còn chậm... giận, sẽ giúp ta sáng suốt, thông sáng hơn trong khi giải quyết công việc, tránh được tác hại nguy hiểm cho mình và cho người khác.

Thưa bạn,

Trên đây là những điều... mau và... chậm mà Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta cần ghi nhớ và làm theo để cuộc đời chúng ta được phước ở trên đất nầy, và được phước ở trong cõi đời đời trong tương lai nữa.

Có một điều... mau rất quan trọng dành cho những ai chưa tin Chúa Giê-xu, được thể hiện qua lời một bài hát như sau: “Mau đến theo Giê-xu, sao trễ nải hoài. Kìa lời Kinh Thánh cứ luôn luôn khuyên nài. Giê-xu đương chờ đợi ta chính hôm nay. Dịu dàng gọi: “Con đến đây!...” (Thánh Ca “Mau Đến Theo Giê-xu!”)

Nếu bạn chưa phải là tín đồ của Chúa Giê-xu thì hôm nay là cơ hội tốt nhất để bạn mau mở lòng ra tiếp nhận Ngài vào đời sống, hầu hưởng được phước hạnh trường sinh như chúng tôi đã được hưởng.

Nào, xin mời bạn hãy mau đến với Chúa Giê-xu ngay hôm nay bạn nhé! Đừng chậm trễ nữa!

Tháng 7/ 2022

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu