Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 288

Chuyện... Hữu Hạn Và... Vô Hạn

Kinh Thánh: I Các Vua 8: 27; Thi-thiên 8: 5; Ê-sai 40: 15, 17, 26, 28

Kính chào quý độc giả,

Hữu hạn và vô hạn là hai từ ngữ nghe như mang nhiều tính chất triết học trong đó phải không?

Vậy, hữu hạn là gì, và vô hạn là gì?

Nói một cách đơn giản nhất, hữu hạn là những gì bị giới hạn ở trong một mức độ nào đó, còn vô hạn là... không có một giới hạn nào cả, hay không bị giới hạn bởi bất cứ một điều gì hay một ai.

Còn nói một cách... triết lý, thì hữu hạn là những cái ở trong vô hạn; còn vô hạn là những gì ở ngoài... hữu hạn vậy.

Có một vài câu danh ngôn hay về hữu hạn và vô hạn mà tôi rất thích như sau:

+ Hiểu biết của chúng ta chỉ là hữu hạn, trong khi sự không biết của chúng ta là chắc chắn vô hạn. (Rumi)

+ Có hai thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Nhưng tôi chưa chắc lắm về điều thứ nhất. (Einstein)

+ Điều ta biết chỉ là giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương. (Newton)

...

Con người và tất cả những gì thuộc về thế giới, vũ trụ vạn vật nầy, chúng ta thấy tưởng là... vô hạn, nhưng thực ra, chúng vẫn... hữu hạn, chứ không... vô hạn như chúng ta tưởng đâu.

Con người chúng ta là hữu hạn. Đó là điều không ai có thể... chối cãi được. Vì không có một con người nào là... vô hạn cả, dù con người được Đức Chúa Trời ban cho có một khả năng phi thường, vượt hơn muôn loài vạn vật. Nhưng con người do Đức Chúa Trời tạo nên, nên con người là... hữu hạn.

Kinh Thánh cho biết: “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút. Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.” (Sách Thi-thiên 8: 5)

Con người vượt cao hơn muôn loài vạn vật, nhưng con người vẫn ở dưới Đức Chúa Trời một bậc, nên con người là... hữu hạn.

Tiên Tri của Đức Chúa Trời là Ê-sai đã cho biết sự nhỏ bé, hữu hạn của con người trước mặt Đức Chúa Trời: “Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân... Mọi dân tộc ở trước mặt Đức Giê-hô-va thảy đều như không, Ngài xem như trống không và hư vô vậy.” (Sách Ê-sai 40:15, 17)

Còn vũ trụ bao la rộng lớn nầy, con người chúng ta thấy tưởng như chúng là... vô hạn, vô cùng, vô tận; nhưng thực ra, nó cũng chỉ là... hữu hạn mà thôi.

Kinh Thánh cho biết, Đức Chúa Trời : “là Đấng dựng nên trời đất, biển, và mọi vật ở trong đó. Ngài giữ lòng thành thực đời đời.” (Sách Thi-thiên 146: 6). “Ngài đếm số các vì sao. Gọi từng tên hết thảy các vì ấy.” (Sách Thi-thiên 147: 4)

Phao-lô đã giảng cho dân chúng tại thành A-thên ở Hy-Lạp ngày xưa rằng: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó.” (Sách Công vụ các sứ đồ 17: 24)

Những câu Kinh Thánh nầy cho chúng ta biết vũ trụ bao la, rộng lớn mà chúng ta đang nhìn thấy đây là do Đức Chúa Trời dựng nên, cho nên hiển nhiên là nó... hữu hạn, chứ không... vô hạn, vô cùng, vô tận như ta thường nghĩ.

...

Vậy thì có ai là... vô hạn không?

Xin thưa với bạn rằng, chỉ có một và duy chỉ một Đấng vô hạn mà thôi, đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa toàn năng.

Ngài vô hạn như thế nào?

Nói về tính vô hạn của Đức Chúa Trời, thì có một Nhà Thần Học đã định nghĩa như sau:

“Tính vô hạn có nghĩa là Đức Chúa Trời không có những ranh giới hay giới hạn nào. Ngài không hề bị giới hạn bởi vũ trụ hay những ranh giới của không gian, thời gian.Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bằng cách nào đó, Ngài bị trải dài qua suốt vũ trụ, một phần ở chỗ này một phần chỗ khác.”Phải hiểu tính vô hạn của Đức Chúa Trời mang tính cách tập trung chứ không phải là dàn trải rộng.”(*)

Sự vô hạn của Chúa đơn giản là Chúa tồn tại bên ngoài thời gian và không gian, và không bị giới hạn bởi phạm trù đó. Vô hạn nghĩa là “không có giới hạn.” Khi miêu tả Chúa là “vô hạn,” chúng ta thường nhắc đến các cụm từ toàn tri, toàn năng và toàn tại.

Sa-lô-môn công nhận sự vô hạn của Đức Chúa Trời tại lễ cung hiến đền thờ như sau:

Kìa, trời, dầu đến đỗi trời của các từng trời chẳng có thể chứa Ngài được thay, phương chi cái đền nầy tôi đã cất!” (Sách 1 Các vua 8:27)

Vua Đa-vít đã bày tỏ sự vô hạn của Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng quy về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật... Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi khen thay. Sự cao cả Ngài không thể dò xét được.” (Sách 1 Sử Ký 29: 11; Và Sách Thi-thiên 145: 3)

Còn đây, là lời ca tụng sự vô hạn của Đức Chúa Trời của Tiên Tri Ê-sai: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy, chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao... Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò.” (Sách Ê-sai 40: 26, 28)

Sự cao cả của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài, con người không thể nào dò được. Vì Ngài là Đấng vô hạn duy nhất, không ai và không gì có thể sánh được với Ngài.

Con người là hữu hạn, vũ trụ, vạn vật là hữu hạn, chỉ có Đức Chúa Trời là vô hạn mà thôi.

...

Xin mời bạn hãy đến cùng tôi cúi xuống thờ phượng một mình Đức Chúa Trời, là Đấng vô hạn; đừng cúi xuống thờ lạy con người hữu hạn, hay những gì hữu hạn.

Không một ai và không một vật nào xứng đáng để bạn và tôi thờ lạy cả, vì tất cả đều là loài thọ tạo của Đức Chúa Trời, và tất cả đều hữu hạn.

Chỉ một mình Đức Chúa Trời xứng đáng để bạn và tôi cúi đầu và cúi cả lòng mình xuống mà tôn thờ, vì Ngài là Đấng vô hạn.

Cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn tấm lòng khôn sáng để nhận biết được sự hữu hạn nơi con người, và muôn loài vạn vật, cũng như nhận biết được sự vô hạn của Đức Chúa Trời; hầu đem lòng thờ phượng Đấng vô hạn, để cho cuộc đời chúng ta được phước.

Khi bạn và tôi làm được điều như vậy, thì có thể nói chúng ta sẽ ngước lên mà không hổ thẹn với Ông Trời và cúi xuống chẳng xấu hổ với con người vậy! Amen!

Tháng 8/ 2022

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

(*): Berkhof, Thần Học Hệ Thống, P. 59