Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 328

Chuyện... Mang Vác

*Kinh Thánh: Thi-thiên 68: 19; Ê-sai 46: 3, 4; Ma-thi-ơ 11: 28; 16: 24

Khi nói đến chuyện... mang vác là ta như nghe thấy cái gì đó... nằng nặng, mệt mệt rồi phải không bạn?

Dù cho có... nằng nặng, mệt mệt thế nào đi nữa nhưng không có ai trong đời mà không một vài lần phải... mang vác cả.

Đức Chúa Trời đã tạo nên con người có đôi vai là dùng để... mang vác, nếu không... mang vác thì đôi vai đâu còn phải là đôi vai nữa.

Khi còn trai tráng thì chúng ta có thể mang vác được nhiều thứ đồ đạc nặng lên đến vài ba chục ký lô; nhưng khi lớn tuổi thì mang vác trên vai chừng chục ký lô là đã thấy... mệt rồi.

Còn nhớ khi đi lính, chúng tôi phải mang trên vai, trên lưng đủ thứ, nào súng, nào bao đai đạn, nào ruột tượng gạo, nào soong nồi, rồi ba lô áo quần... nặng ơi là nặng để đi hành quân. Dù nặng nhưng không thể không mang vác những thứ đó theo, vì tất cả những thứ ấy là... sự sống còn của người lính mà. Lúc đầu hơi mệt nhưng mang hoài trên lưng, vác miết trên vai đi đường trường trong rừng trong núi riết rồi thành... quen, và... quên luôn mệt. Mỗi khi mệt thì nghỉ một chút, hết mệt lại mang vác chúng lên vai tiếp tục đi cho đến nơi đóng quân mới bỏ xuống để lấy lại sức lực mà sẵn sàng chiến đấu với quân thù.

Nói đến mang vác thì thiết nghĩ ít có dân tộc nào trên thế giới mà phải mang vác nhiều gánh nặng như dân tộc Việt Nam ta. Chúng ta đã mang biết bao gánh nặng khi làm nô lệ cả ngàn năm cho giặc Tàu, rồi cả trăm năm làm nô lệ cho giặc Tây và đến hai mươi năm nội chiến từng ngày...

Tôi không thể nào quên được gánh nặng của người nông dân nước mình được miêu tả thật độc đáo qua câu ca dao:

Gánh cực mà đổ lên non,
Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo.

Cực đã mệt rồi mà còn gánh cực nữa, thì lại càng mệt thêm. Vậy mà còn gánh cực đem đổ lên non, lên núi cao, mới khiếp chứ, phải chi đem đổ xuống biển thì khỏe biết mấy. “Còng lưng mà chạy” nói đến việc mong cho mau đến nơi để quăng gánh cực đi, sớm thoát được cái cực, cái khổ nhưng nào có được, cái cực vẫn không chịu buông tha người nông dân, nó cứ chạy theo, đeo bám trên lưng họ. Ôi, khổ ơi là khổ! Cực chi mà cực kinh khủng!

Thật không ai có thể diễn tả được cái cực của người nông dân đắc địa hơn câu ca dao ấy!

Nói đến mang vác thì không thể không nói đến hình ảnh người nông dân Việt Nam, vì họ là những người ngày ngày đều phải mang vác trên vai hay trên lưng không thứ nầy thì thứ khác từ nhà ra đồng, rồi lại từ đồng về nhà.

Ca dao thể hiện rất rõ sự mang vác của người nông dân:

- Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu,
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.

- Ai đi gánh vác non sông,
Để ai chất chứa sầu đông vơi đầy.

- Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.

Kinh Thánh đề cập đến chuyện... mang vác khá nhiều.

Ca-in ngày xưa, sau khi đã phạm tội giết em mình là A-bên, thì Đức Chúa Trời đã hình phạt ông bằng cách làm cho đất không sanh ra hoa lợi cho ông khi trồng tỉa, ông sẽ sống cuộc đời lưu lạc rày đây mai đó và trốn tránh trên mặt đất. Khi nghe mình bị hình phạt như thế, Ca-in đã thốt lên: “Sự hình phạt tôi nặng quá, mang không nổi” (Sách Sáng thế ký, chương 4, câu 13).

Vua Đa-vít ca ngợi Chúa, vì Ngài đã gánh gánh nặng cho ông: “Đáng ngợi khen Chúa thay, là Đấng hằng ngày gánh gánh nặng của chúng tôi” (Sách Thi-thiên, chương 68, câu 19).

Mỗi chúng ta cũng nên học theo gương Đa-vít mà ca ngợi Đức Chúa Trời, vì Ngài cũng đã hằng ngày gánh gánh nặng của mỗi chúng ta vậy!

Tiên Tri Ê-sai đã nói về tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài thật kỳ diệu: “Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ; cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, Ta cũng sẽ bồng ẵm các ngươi” (Sách Ê-sai, chương 46, câu 3, 4).

Nói về việc mang lấy gánh nặng đau khổ, tội lỗi của con người của Đấng Mết-si-a, Tiên Tri Ê-sai mô tả: “Thật Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng Người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập và làm cho khốn khổ”(Sách Ê-sai, chương 53, câu 4).

Nếu Chúa Giê-su không mang lấy gánh nặng tội lỗi thay cho loài người chúng ta để chấp nhận hy sinh thân mình trên thập tự giá, thì cả nhân loại phải đắm chìm trong tội lỗi và vô phương tự cứu; nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-su đã làm điều đó thay cho chúng ta!

Trong Tân Ước, khi đề cập đến vấn đề niềm tin, Kinh Thánh dạy: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 6, câu 14, 15).

Người tin Chúa không thể đi chung đường với kẻ chẳng tin, không hội nhập hay hòa hiệp chi với người thế gian cả, vì chúng ta đã được Chúa biệt riêng ra khỏi thế gian rồi.

Về việc chia sẻ gánh nặng với anh em mình trong đức tin, lời Chúa cho biết: “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Sách Ga-la-ti, chương 6, câu 2).

Về việc chiến đấu chống lại Sa-tan, người tin Chúa cần phải được trang bị vũ khí thuộc linh đầy đủ: “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỷ” (Sách Ê-phê-sô, chương 6, câu 11).

Việc mang vác thể hiện quyền năng của Chúa Giê-su trên bệnh tật, như khi Ngài chữa lành cho người bại đã ba mươi tám năm và bảo ông ta hãy đứng dậy, vác giường mình mà đi: “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi. Tức thì, người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát” (Sách Giăng, chương 5, câu 8, 9).

Hành động đứng dậy vác giường đi của người bại liệt đã ba mươi tám năm bày tỏ quyền năng siêu việt của Chúa Giê-su trên bệnh tật vượt cả không gian, thời gian.

Thật, không một ai trên trần gian nầy có quyền năng tuyệt đối như Chúa Giê-su!

Người tin Chúa phải vâng lời Chúa, phải chịu khổ vì danh Chúa, đó là điều mà chúng ta cần ghi nhớ. Chính Đức Chúa Giê-su đã phán: “ Nếu ai muốn theo Ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Sách Ma-thi-ơ, chương 16, câu 24).

Chính Chúa Giê-su đã “vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha” (Sách Giăng, chương 19, câu 17)

Hành động “vác thập tự giá” nói đến sự hy sinh, sự chịu khổ với Chúa của người theo Ngài.

Nhiều người theo Chúa lâu năm rồi, nhưng vẫn còn có suy nghĩ sai trật là, theo Chúa thì không bao giờ bị đau ốm, bịnh tật hay nghèo thiếu; theo Chúa là luôn luôn bước đi trên... thảm nhung của sự sung sướng, giàu có và hạnh phúc (theo ý nghĩa vật chất tạm bợ). Kinh Thánh không dạy như thế. Chúa dạy ai theo Ngài phải vác thập tự giá (chịu khổ, chịu hy sinh, thậm chí chấp nhận thiệt thòi so với người thế gian nữa) để theo Ngài.

Kinh Thánh dạy: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài” (Sách Phi-e-rơ thứ nhứt, chương 2, câu 21). “Noi dấu chơn Ngài” ở đây là noi theo gương... chịu khổ của Chúa vậy.

Phao-lô cũng khuyên Ti-mô-thê: “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ” (Sách Ti-mô-thê thứ nhì, chương 2, câu 3).

Theo Chúa là phải... chịu khổ, phải chịu... thử thách, không chỉ một bề, mà đến... trăm bề (như Thánh Gia-cơ đã nói), vì chính sự chịu khổ, thử thách đó sẽ sanh ra sự nhịn nhục, và cuối cùng sẽ đem đến kết quả tuyệt vời là sự trọn lành toàn vẹn.

Cầu xin Đức Chúa Trời cho mỗi một chúng ta biết khôn ngoan như Đa-vít, ‘trao gánh nặng mình cho Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta, và chúng ta sẽ chẳng hề bị rúng động bao giờ’ (Ý từ Sách Thi-thiên, chương 55, câu 22).

Chúa Giê-su cũng kêu gọi chúng ta: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Sách Ma-thi-ơ, chương 11, câu 28).

Đừng tự làm khổ đời sống mình khi cứ cố mang lấy gánh nặng của đời sống nhiều mệt mỏi và chán chường nầy trên vai để rồi kêu ca phàn nàn, than thân trách phận.

Sức người có hạn nhưng sức Chúa là toàn năng. Người khôn ngoan sẽ biết lựa chọn và quyết định.

Bạn muốn tiếp tục mang vác gánh nặng cuộc đời trên vai mình hay trao gánh nặng ấy cho Chúa ngay hôm nay?

Chúa Giê-su, Đấng toàn năng và mạnh sức đang chờ mỗi một người trong chúng ta!

Little Sài Gòn, Tháng 10/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu