Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 348

Năm Mới, Nói Chuyện... Đổi Mới Người Bề Trong

Kinh Thánh: II Cô-rinh-tô 4: 16-18; Rô-ma 8: 18; Ê-phê-sô 4: 22-24.

Mùa Xuân đã về và đang về với mọi người mọi nhà ở khắp mọi nơi.

Mùa Xuân về luôn luôn mang theo sự mới mẻ cho tạo vật từ cây cối, chim muông, hoa lá đến con người.

Nói đến mùa Xuân, không thể nào không nói đến sự mới mẻ. Nhân mùa Xuân về, xin mời bạn cùng suy gẫm về... đổi mới người bề trong.

Con người chúng ta được Đức Chúa Trời tạo nên có thân thể và linh hồn. Thân thể là cái bên ngoài thấy được, còn linh hồn là cái ở bên trong không thấy được. Thân thể chứa đựng linh hồn và linh hồn làm cho thân thể sống động được. Một khi linh hồn lìa khỏi thân thể thì thân thể không còn sống động được nữa. Vua Sa-lô-môn đã cho biết: “bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Sách Truyền Đạo, chương 12, câu 7). Khi linh hồn trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó, thì thân thể phải trở vào đất y như nguyên cũ vậy.

Kinh Thánh có nói đến người bề ngoài và người bề trong.

Phao-lô cho biết: “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 4, câu 16 đến 18).

Người bề ngoài là phần thể chất bằng xương bằng thịt có thể thấy được. Kinh Thánh gọi người bề ngoài là “nhà tạm” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 5, câu 1 và 2). Lời Chúa cho biết con người bề trong của chúng ta ở trong cái “nhà” đó. Một ngày nào đó, cái “nhà” đó sẽ đổ nát, và con người bề trong của chúng ta sẽ đi vào một trong hai nơi ở trong cõi đời đời là Thiên Đàng hay Địa Ngục. Con người bề trong là linh hồn phi vật chất, không thấy được, nhưng còn mãi đời đời, mãi mãi.

Có thể ví thân thể giống như cái nhà, còn linh hồn giống như người ở trong nhà đó vậy!

Thân thể là... người bề ngoài của chúng ta.

Bạn và tôi đều muốn đổi mới người bề ngoài của mình cho đẹp đẻ, cho trẻ trung. Hằng ngày chúng ta đều muốn làm đẹp con người bề ngoài nầy. Và đặc biệt, mỗi khi năm mới đến, mọi người đều muốn làm đẹp để đón Xuân, vui Tết với người ta.

Người ta cho biết kỹ nghệ làm đẹp là một trong những kỹ nghệ hái ra tiền nhất trong các ngành kỹ nghệ của thế giới.

Ngày nay, kỹ nghệ làm đẹp mọc lên ở khắp mọi nơi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, nhất là của giới nữ.

Ngày nay, không chỉ nữ giới mới làm đẹp, mà nam giới cũng muốn... làm đẹp nữa.

Làm đẹp thiết nghĩ đó là nhu cầu chính đáng của con người.

Đức Chúa Trời ban cho con người có thân thể, và Chúa muốn chúng ta chăm sóc thân thể của mình cho đẹp đẻ, sạch sẽ, khỏe mạnh, vì thân thể chúng ta là đền thờ Chúa ngự (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 6, câu 19), miễn là đừng thái quá là được.

Nhưng, chúng ta nên nhớ, cho dù chúng ta có chăm sóc thân thể nầy, con người bề ngoài nầy tốt đến đâu đi chăng nữa, thì theo thời gian, con người bề ngoài nầy cũng sẽ hư nát mà thôi.

“Sinh, lão, bịnh, tử” là quy luật tất yếu của Tạo Hóa dành cho con người tội lỗi chúng ta. Không ai có thể... lột da sống đời; và cũng không có khoa học nào có thể chế ra được loại thuốc... trường sinh bất tử nào để làm cho thân thể con người mãi mãi trẻ đẹp, mà không già, không chết được cả. Khoa học là con người nên khoa học ở dưới quyền của Đấng Tạo Hóa, khoa học không thể nào vượt qua được quyền của Đức Chúa Trời được đâu.

Chúng ta biết rằng thân thể con người từ khi phạm tội, thì nó đã được lập trình để hướng tới sự chết. Các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ “a-pôp-tô-sít” để mô tả “sự chết tế bào đã được lập trình” nầy. Trong thân thể người lớn, trung bình giữa 50 và 70 tỉ tế bào dãy chết mỗi ngày. Hãy suy nghĩ về sự ấy. Bạn mất đi ít nhất 50 tỉ tế bào ngày hôm qua, bạn sẽ mất đi ít nhất con số ấy hôm nay. Vào thời điểm nầy tuần tới, bạn sẽ mất đi 350 tỉ tế bào phải chết vì nó đã được lập trình như thế. Không có gì phải ngạc nhiên, hết thảy chúng ta đều cảm thấy mình đang bị hư nát. Điều đó rất thực. Khi Phao-lô nói rằng “sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người” ở Rô-ma, chương 5, câu 12, không những điều đó rất thực trong lãnh vực thuộc linh, mà nó còn rất thực trong lãnh vực thuộc thể nữa.

Con người bề ngoài thì hay hư nát và tạm thời, thì chúng ta không nên tập chú cả đời vào chỉ để chăm lo con người bề ngoài nầy.

Vậy, chúng ta phải làm gì cho đẹp lòng Chúa đây?

Lời Chúa dạy chúng ta phải chăm sóc con người bề trong.

Người bề trong chính là tâm linh chúng ta, linh hồn chúng ta. Tâm linh, linh hồn chúng ta là phần không thấy được và là phần còn lại đời đời, không bao giờ qua đi.

Nếu chỉ lo đổi mới người bề ngoài mà không quan tâm đến việc đổi mới người bề trong là một mối nguy đang tiềm ẩn trong đời sống của người tin Chúa. Vì nếu chỉ lo chăm sóc người bề ngoài thì chúng ta đang chăm sóc sự thấy được, mà sự thấy được chỉ là tạm thời mà thôi, không lâu dài, trường cửu. Và như vậy là chúng ta đang đi... trật mục tiêu mà Chúa muốn chúng ta hướng đến.

Người bề trong mới cần phải đổi mới càng ngày càng hơn, có nghĩa là phải được quan tâm nhiều hơn, chăm sóc nhiều hơn là người bề ngoài. Vì người bề trong là sự không thấy được, và sự không thấy được đó mới là đời đời không cùng cho chúng ta.

Đổi mới người bề trong có nghĩa gì?

Có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn làm mới lại mối liên hệ giữa chúng ta với Đấng mà chúng ta đang tôn thờ. Một đời sống keo sơn, gắn bó, gần gũi với Chúa luôn luôn mỗi ngày qua sự cầu nguyện, học lời Chúa, phục vụ Ngài, phục vụ anh em của mình trong đức tin.

Những điều chúng ta thấy trước mắt chỉ là tạm thời vì “trần thế chẳng phải quê hương” của chúng ta. Vì với cuộc đời nầy, chúng ta là “người ở trọ, kẻ đi đường” mà thôi (Sách Phi-e-rơ thứ nhất, chương 2, câu 11). Khi chúng ta tin Chúa Giê-xu, chúng ta hướng đức tin mình về những điều không thể thấy, nhưng biết chắc sẽ đến trong tương lai, đó là sự sống vĩnh cửu (Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 1). Chúng ta cần hướng về những điều vĩnh cửu, không hư mất trên Thiên Đàng để tập trung đầu tư cuộc đời mình vào nơi ấy.

Phao-lô tiếp tục nhắc nhở, khích lệ chúng ta: “rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 22-24).

“Làm nên mới trong tâm chí mình”, có nghĩa là “đổi mới người bề trong” chúng ta. Làm mới lại mối liên hệ tâm linh giữa chúng ta với Chúa.

Người bề ngoài nầy sẽ phải càng ngày càng già đi, càng yếu đi, càng xuống cấp cho đến khi... nằm xuống dưới ba thước đất; nhưng người bề trong, xin Chúa cho chúng ta càng ngày càng đi tới, sức lực lần lần thêm (như Lời Chúa trong Thi-thiên, chương 84, câu 7), càng ngày càng lên chốn cao hơn cho đến khi lên đến chốn Thiên Đàng vinh hiển tuyệt vời ở với Chúa mãi mãi không thôi.

Phao-lô khẳng định: “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Sách Rô-ma, chương 8, câu 18).

Phao-lô nói thêm: “Còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (Sách Rô-ma, chương 8, câu 30).

Người bề ngoài càng ngày càng hư nát theo thời gian có lẽ không nhiều thì ít cũng làm cho chúng ta buồn vương một chút nào đó. Khi chúng ta còn ở trong thân thể nầy, chúng ta phải gặp đau ốm, bệnh tật, nguy nan, khốn khó, thậm chí phải chết mất nữa; nhưng nếu đem so với sự vinh hiển mà chúng ta sẽ nhận được sau khi kết thúc cuộc sống nầy, thì không thể nào so sánh được đâu. Phao-lô mô tả sự vinh hiển đó bằng cụm từ “vô lượng vô biên”, không thể nào tưởng tượng nổi sự phước hạnh khi được ở với Chúa trong Thiên Đàng.

Hiện tại khi còn sống trong thân xác nầy, chúng ta phải chấp nhận một số những đau khổ, khó khăn mà Chúa cho phép xảy đến trên đời sống chúng ta, không phải là để làm chúng ta ngã quỵ, lui đi trong đức tin, mà bèn là để trui rèn đức tin chúng ta, làm cho chúng ta con người bề trong chúng ta càng ngày càng giống như Chúa hơn.

Thánh Phi-e-rơ nhắc nhở, khích lệ chúng ta: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ” (Sách Phi-e-rơ thứ nhì, chương 3, câu 18).

Đó là cách để chúng ta đổi mới con người bề trong của mình.

Nguyện xin Chúa ban cho mỗi chúng ta đừng ngã lòng khi thấy con người bề ngoài càng ngày càng già đi, thân thể yếu đi, tai nghe yếu hơn, mắt nhìn kém hơn, chân đi chậm chạp hơn... Nói chung hễ càng lớn tuổi thì cái gì cũng hơn người ta hết, nhưng hơn ở chiều hướng đi xuống chứ không phải chiều hướng đi lên. Nhưng về con người bề trong, xin Chúa cho mỗi chúng ta càng ngày càng có chiều hướng đi lên, càng ngày càng tấn tới trong sự hiểu biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ. Mỗi chúng ta cứ càng ngày càng “lên chốn cao hơn” cho đến chừng nào chúng ta gặp được Chúa trên Thiên Đàng và ở mãi với Chúa kính yêu của mình, thờ phượng Ngài, ca ngợi Ngài, hầu việc Ngài ngàn muôn năm không dứt.

Kính chúc mọi người một Mùa Xuân mới tràn đầy ơn phước mới từ Chúa Giê-su là Chúa của Mùa Xuân ban cho.

California, Đầu Xuân Mới 2024

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu