Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 352

Tết Về, Nhớ... Giọng Nói Quê Hương

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26: 73, 74; Giăng 1: 46

Xuân về Tết đến tới nơi rồi đây. Người người, nhà nhà hăm hở kéo nhau lũ lượt về quê ăn Tết sau cả năm xa quê để mưu sinh; nhưng mà mình vẫn còn ở tít bên trời Tây.

Hơn chín cái Tết xa quê, nên nhớ nhà, nhớ quê là cái chắc. Một trong nhiều những nỗi nhớ đó là nhớ...giọng nói quê hương Quảng Nam thân thương, đáng yêu của tôi.

Tôi là người Quảng Nam chính hiệu... con nai vàng. Tôi cũng được Chúa cho có nhiều cơ hội đi nơi nầy chỗ kia: Huế, Sài Gòn, Hà Nội đủ cả, và còn nhiều hơn thế nữa. Thậm chí đi tới bên kia bờ Đại Tây Dương luôn và hiện đang ở tại California của xứ Hoa Kỳ xinh đẹp đây. Thế nhưng, dù đi đâu, ở đâu, tôi cũng không thể nào quên được giọng nói Quảng Nam chất phát, chân tình như hột lúa, củ khoai của quê nhà tôi vậy.

Nói đến giọng Quảng Nam, người quê tôi không bao giờ quên được câu nói...đặc trưng đã trở thành...đặc sản của mình, không ai không biết: Eng không eng, tét đèng đi ngủ, đừng có kèng nhèng mà chó kéng nheng reng (Ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ, đừng có cằn nhằn mà chó cắn nhăn răng). Một câu nói khác cũng mang đầy chất giọng quê nhà: Choa ơi choa, anh boa ảnh câu con cóa, ảnh để trên hòn đóa, con gòa héng eng (Cha ơi cha, anh Ba ảnh câu con cá, ảnh để trên hòn đá, con gà hắn ăn), v...v...

Mỗi khi có việc phải đi xa quê, thì tôi thường hay thầm nói với mình những câu ấy để cho...đỡ nhớ quê và rồi tự cười một mình một cách sung sướng về giọng nói thân thương ấy.

Bây giờ, dù đang ở xứ Mỹ, mỗi khi nghe được đâu đó giọng nói của người cùng quê (có khi nghe ở ngoài đời, có khi nghe ở trên mạng), tôi cũng...nhớ đến mấy câu nói...đặc sản ấy để rồi tự cười vui với chính mình.

Nghe đâu tiếng Quảng Nam quê tôi đã từng được coi là...ngôn ngữ chuẩn, ngôn ngữ... quốc gia luôn đó. Chính Vua Tự Đức đã từng khẳng định: “Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh.”

Có thế chứ lị!!!

Mỗi khi nhớ đến giọng nói quê nhà, tôi cũng không thể quên được bài thơ...đặc trưng giọng Quảng Nam rất nổi tiếng của Nhà Thơ trào phúng Tú Rua quê tôi cũng rất nổi tiếng:

Rứa (thế) mới kêu là chất Quảng Nôm (Nam)

Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm (tham lam)

Có chàng công tử quê Đà Nẽng (Nẵng)

Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm (Cam)

Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ

Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm (càm ràm)

Thêm ông hàng xóm người Hà Nội

Chả hiểu mô tê (gì đâu) cũng tọa đồm (tọa đàm)

Theo một bài báo cho biết: “Có nghiên cứu cho rằng bởi đó là giọng của người Chăm nói tiếng Việt. Cho đến thế kỉ 11, vùng đất này vẫn thuộc vương quốc Chăm Pa, vì lãnh thổ Đại Việt khi đó chỉ đến “Đèo Ngang bóng xế tà” thôi. Năm 1306 vua Trần gả công chúa Huyền Trân, vua Chế Mân sướng quá, cắt luôn cho Đại Việt hai châu Ô, Rí làm lễ cưới. Một thế kỉ sau, năm 1402 Hồ Quý Ly mở mang bờ cõi đến sông Thu Bồn. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông tiến quân đến đèo Cả, sau rút về lập biên giới tại đèo Cù Mông, ranh giới hai tỉnh Bình Định, Phú Yên ngày nay. Thế là trong suốt mấy trăm năm, trai tráng Việt vào đây lập nghiệp, lấy vợ người Chăm. Các cô gái Chăm lấy chồng Việt tất nhiên phải học tiếng Việt, nhưng nói bằng giọng Chăm lơ lớ, vừa biến âm méo tiếng như ă thành e (ắt/ét), am thành ôm, ôm thành ơm, ao thành ô, vừa pha lẫn những từ Chăm, ví như mô (đâu), tê (kia), ni (này), răng (sao), rứa (thế), ri (vậy), chừ (hiện tại), rị (kéo), truất (tệ quá), thộn (túi áo quần), cà rịch cà tang (đủng đà đủng đỉnh), v...v... Thứ giọng và vốn từ ấy truyền cho con cái, những thế hệ người Việt gốc Chăm, tạo nên giọng Quảng Nam ngày nay.” (Hữu Thọ) *

Còn theo nghiên cứu của một Tiến Sĩ Ngôn Ngữ Học người Quảng Nam về giọng nói quê mình, thì cho biết: “Có thể rằng những vần lạ lùng kia ngày xưa là đặc điểm khá chung ở giọng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Những di dân đầu tiên vào đất Quảng Nam đã đem theo giọng nói ấy. Sau khi bị tách rời khỏi quê hương cũ một thời gian dài, nhất là trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, một số đặc trưng ấy đã hòa nhập vào giọng Quảng Nam hiện đại và được giữ lại cho đến nay. Trong khi đó ở quê nhà, giọng nói vẫn không ngừng thay đổi. Một số vùng, nhất là quanh các trung tâm tỉnh, qua tiếp xúc với các phương ngữ khác, nhiều giọng địa phương đã rũ bỏ dần những nét quá đặc trưng để gần với giọng "chuẩn" Bắc Bộ hơn. Giọng Quảng Nam vô tình trở thành một cổ viện, lưu giữ một số dấu vết đặc biệt của giọng Thanh - Nghệ xưa " (p. 211) **

Dường như chưa ai có đủ luận chứng để có thể khẳng định cách chắc chắn về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam một cách thuyết phục. Hy vọng rằng trong tương lai, sẽ còn có nhiều người khác sẽ tìm kiếm, nghiên cứu về nguồn gốc của... giọng nói đặc biệt nầy.

Khi nói đến giọng nói đặc trưng của quê mình, không lẫn vào đâu được, tôi chợt nhớ Kinh Thánh cũng có nói đến giọng nói...đặc trưng của xứ Ga-li-lê, quê hương của Chúa Giê-su và của các Sứ Đồ của Ngài ngày xưa cũng có giọng nói không lẫn vào đâu được như thế.

Còn nhớ, khi Chúa Giê-su, Thầy mình bị bắt và bị giải đến sân của Thầy Cả Thượng Phẩm để tra khảo. Phi-e-rơ (một phát ngôn nhân trong Mười Hai Sứ Đồ của Chúa Giê-su) yêu Thầy, nên cũng đi theo để xem sự việc ra thể nào, và mình có thể làm gì đó để...cứu Thầy mình được không?

Kinh Thánh ghi lại: “Một chặp nữa, những kẻ ở gần đó đến gần nói với Phi-e-rơ rằng: Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra. Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu! Tức thì gà gáy!” (Sách Ma-thi-ơ, chương 26, câu 73 và 74).

“Tiếng nói của ngươi khai ngươi ra.” Phi-e-rơ là một ngư phủ vùng Ga-li-lê. Chắc có lẽ, người sống tại vùng Ga-li-lê có một giọng nói mộc mạc, chân chất, cục mịch khá...đặc trưng như giọng nói...đặc trưng của vùng Quảng Nam quê tôi, không lẫn vào đâu được chăng? Cho nên, dù ông cố tình ngồi lẫn vào trong đám đông để sưởi ấm giữa lúc thời tiết giá lạnh lúc bấy giờ, hầu cho không ai nhận ra mình cũng là môn đồ của Chúa Giê-su. Ấy vậy mà cũng có người tinh ý nghe giọng nói của ông liền chỉ ra ông cũng là một người thuộc...đảng của Giê-su (vì Chúa Giê-su cũng là người Ga-li-lê).

Giọng xứ Ga-li-lê của Phi-e-rơ sao mà... giống giọng xứ Quảng Nam của tôi đến thế?

Khi tôi đi bất cứ nơi đâu làm việc hay giảng Kinh Thánh, người ta thường hỏi tôi câu hỏi như đã biết rồi: Anh/ Chú/ Ông/ Mục Sư là người Quảng Nam hả? Tôi... giả vờ hỏi lại: Sao biết hay vậy? Thì giọng Quảng Nam nghe biết liền mà!

Không ngờ giọng Quảng Nam quê mùa, chân chất, cục mịch cũng... nổi tiếng ai cũng biết đó chứ!

Chúng ta biết rằng, quê hương của Chúa Giê-su là ở Ga-li-lê, nằm ở phía Bắc xứ Do-thái. Đây là nơi Đức Chúa Giê-xu đã sống hầu hết thời gian hơn ba mươi năm cuộc đời của Ngài trên đất.

Mười một trong số Mười Hai Sứ Đồ của Đức Chúa Giê-xu cũng xuất thân từ vùng Ga-li-lê, trừ Giu-đa.

Tân Ước, địa danh Ga-li-lê được nhắc đến rất nhiều lần vì đây là quê hương của Đức Chúa Giê-xu. Đức Chúa Giê-xu đã khởi hành chức vụ của Ngài tại vùng Ga-li-lê. Vùng Ga-li-lê có hồ nổi tiếng cùng tên là hồ Ga-li-lê. Người ta còn gọi là hồ Ghê-nê-sa-rết (Sách Lu-ca, chương 5, câu 1), hay hồ Ti-bê-ri-át (Sách Giăng, chương 6, câu 1).

Chúa Giê-su đã trải qua phần lớn thì giờ trong chức vụ của Ngài tại vùng hồ Ga-li-lê. Chúa gọi các môn đồ đầu tiên tại đây (Sách Ma-thi-ơ, chương 4, câu 18 đến 22). Ngài làm phép lạ đầu tiên tại thành Ca-na thuộc xứ Ga-li-lê (Sách Giăng, chương 2, câu 1 đến 11). Ngài giảng “Bài Giảng Trên Núi” (Sách Ma-thi-ơ, chương 5 đến 7), Chúa hóa hình (Sách Ma-thi-ơ, chương 17), rồi hóa bánh nuôi 5000 người ăn (Sách Ma-thi-ơ, chương 14) đều ở tại vùng Ga-li-lê thân yêu nầy.

Có thể nói, Ga-li-lê là vùng đất, nơi Chúa được người ta mến mộ nhất. Sau ngày Chúa phục sinh, hai lần Ngài xuất hiện quan trọng nhất cũng xảy ra tại Ga-li-lê. Chúa ban hành Ðại Mạng Lệnh (Sách Ma-thi-ơ, chương 28, câu 16 đến 20). Chúa gặp bảy môn đồ đang đánh cá (Sách Giăng, chương 21, câu 1) đều tại vùng Ga-li-lê.

Một vùng đất không có gì là đặc biệt trong suy nghĩ của người thời bấy giờ, đến nỗi Na-tha-na-ên đã không chút e dè mà nói rất thật từ lòng mình rằng: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao? Phi-líp nói: Hãy đến xem” (Sách Giăng, chương 1, câu 46). Thành Na-xa-rét là thành thuộc vùng Ga-li-lê, quê hương của Chúa.

Nghe câu nói rất thật đó, Chúa Giê-su không những không buồn, không quở trách, nhưng đã khen ông: “Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết” (Sách Giăng, chương 1, câu 47). Nhưng từ vùng đất đó, Đức Chúa Trời đã làm cho xuất hiện những con người kiệt xuất nhất của thế giới từ xưa cho đến nay. Mười Hai Sứ Đồ của Chúa Giê-su đã làm rung chuyển cả thế giới thời bấy giờ. Nổi bật nhất trong số đó là Chúa Giê-su, một con người vĩ đại nhất của mọi thời đại, một con người vô tội duy nhất trong vòng lịch sử con cái loài người, và là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Đấng đã được Đức Chúa Trời đem lên rất cao và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh. Đấng mà rồi đây, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống trước Ngài, và mọi lưỡi thảy đều xưng Ngài là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Sách Phi-líp, chương 2, câu 9 đến 11).

Tôi liên tưởng đến vùng đất “Quảng Nam chưa mưa đà thấm” của tôi. Quảng Nam là một vùng đất nghèo, đến nỗi được mệnh danh là xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, tức rất nghèo khó. Nhưng có lẽ Đức Chúa Trời biết người Quảng Nam có lòng cần mẫn, chịu thương, chịu khó, và kiên trì vượt khó, cũng là người cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới, nên Chúa đã cho hột giống Tin Lành được gieo ra tại đây và được kết quả đầu tiên. Chính vì vậy mà xứ Quảng Nam được trở thành “Cái nôi của Đạo Tin Lành ở Việt Nam” từ năm 1911 cho đến nay. Từ cái nôi nầy, Chúa đã cho có hàng trăm con cái Chúa được Chúa sử dụng trở nên những Mục Sư để hầu việc Ngài ở khắp ba miền Bắc Trung Nam của Việt Nam và ở trên khắp thế giới nữa. Đó là việc Đức Chúa Trời làm chứ không có ai làm được.

Cảm tạ Chúa về sự ban cho của Ngài trên vùng đất Quảng Nam, nói riêng, và trên đất nước Việt Nam, nói chung!

Để kết thúc bài viết tản mạn nầy, tôi có bài thơ nói về giọng nói và món ăn đặc trưng của quê hương Quảng Nam yêu dấu của mình, xin được viết ra đây để bạn đọc cùng... thưởng thức với tôi cho vui nhân dịp Xuân về, Tết đến:

Tôi nhớ quê tôi vùng Quảng Nam,
Miền Trung nước Việt đã bao năm.
Nắng mưa bão lụt, bao gian khó,
Vất vả miết rồi, chẳng... thở than.

Tôi nhớ quê tôi, nhớ rành rành,
Quảng Nam – cái nôi đạo Tin Lành. (1)
Từ đây, danh Chúa đồn khắp nước,
Thị thành, vùng biển với non xanh.

Tôi nhớ quê tôi, nhớ làm sô (sao),
Giọng nói Quoảng... Nôm (Quảng Nam) mới ngọt ngồ (ngào).
Nghe rồi, nghe nữa, hoài không chán
Giọng nói quê mình đẹp biết bô (bao) (2)

Tôi nhớ quê tôi, nhớ món mì,
Mì Quảng với tôi nhứt, không nhì.
Đi mô (đâu) cũng nhớ về... mì Quảng,Mà nghe lòng dạ đã chi chi.

Tôi nhớ quê tôi, nhớ tình người,
Dù bao gian khó vẫn cứ cười.
Có sao nói vậy, không chải chuốt,
Chân chất, đậm đà đáng yêu thôi.

Tôi nhớ quê tôi, nhớ đủ điều,
Làng trên, xóm dưới, nhớ sớm chiều.
Một thời thuở nhỏ vui chi lạ,
Mãi mãi sau này vẫn cứ yêu.

Tôi nhớ quê tôi, khi đi xa,
Chợt nghe giọng Quảng ở quê nhà.
Đâu đó trên đài hay trên mạng,
Mà thương, mà nhớ thật thiết tha.

Tôi nghĩ đến quê hương trên trời (3),
Mai kia, được về đó nghỉ ngơi.
Mà lòng vui sướng không thể tả,
Nghỉ yên trong tình Chúa đời đời.

Bạn hỡi, sống gởi rồi thác về,
Một cảnh nhưng mà có hai quê.
Thiên Đàng phước hạnh hay Địa Ngục?
Lựa chọn hôm nay, chớ bỏ bê.

Mời bạn cùng tôi hướng Thiên Đàng,
Quê hương vĩnh cửu thật cao sang.
Quê hương trên đất là quê tạm,
Quê ở trên trời mãi vinh quang.

(Tôi Nhớ Quê Tôi – Bình Tú Ngọc)

Kính chúc mọi người gần xa hưởng một mùa Xuân mới trong sum họp đầy yêu thương và bình an!

California, Đón Mừng Xuân Mới 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

* nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/giong-quang-nam-d329277.html

** Andrea Hoa Pham, Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 2022.

1 Đạo Tin Lành được truyền đến Việt Nam có lẽ trước đó nhiều năm, nhưng đến năm 1911 mới thành lập được Hội Thánh đầu tiên là Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng thuộc vùng đất Quảng Nam.

2 Người Quảng Nam khi nói đều phát âm những chữ có vần “ao” thành “ô” hết, nhưng khi viết, người dân xứ Quảng viết đúng chứ không sai.

3 Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 16.