Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 353

Năm Thìn, Nói Chuyện... Rồng

*Kinh Thánh: Gióp 41: 24, 25; Thi-thiên 74: 13, 14; Ê-sai 27: 1; Khải Huyền 12: 7-9; 20: 1-3

Theo Âm lịch ở một số nước Á-Đông như Trung Quốc, Việt Nam thì năm 2024 nầy người ta gọi là năm Giáp Thìn, tức năm con Rồng.

Rồng là một con vật hiện diện trong 12 con giáp của năm Âm Lịch, gồm: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mẹo (Mèo), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), và Hợi (Heo).

Người ta định nghĩa về rồng như sau: “Rồng là động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật.” 1

Tục Ngữ, Ca Dao nói về... rồng khá nhiều:

- Người Việt tự đề cao mình là “Con Rồng, cháu Tiên” (chỉ dòng giống cao quý như Rồng, như Tiên)

- Rồng bay phượng múa (Chỉ hạng người phóng khoáng, bay bướm, không gò bó, câu nệ trong cách viết chữ)

- Rồng đến nhà tôm (Chỉ người sang trọng đến thăm nhà người hèn hạ).

- Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa (Ăn nhiều, nói gian, nói dối, làm thì chẳng ra chi)

- Trứng rồng lại nở ra rồng,

Liu điu thì nở ra dòng liu điu (Dòng giống sang trọng thì đẻ ra dòng giống sang trọng, dòng giống tầm thường thì đẻ ra dòng giống tầm thường, hay dòng nào, giống đó)

Và nhiều những câu Ca Dao khác:

- Rồng vàng xuống tắm ao tù,

Người khôn ở với người ngu bực mình. (Bạn có bao giờ ở với người ngu để cảm nhận được cái bực mình như câu Ca Dao nầy nói chưa?)

- Có chồng thì phải theo chồng,

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng đi. (Gái có chồng thì chỉ theo chồng mà thôi. Chồng đi đâu vợ theo đó là... tuyệt vời)

- Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,

Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây. (Một khi bạn nhớ người mình yêu đến độ như Ca Dao mô tả đây thì chắc chắn đó đích thị là yêu rồi đấy!)

- Lỗ mũi em mười tám gánh lông

Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho... (Ai có được một người chồng... dễ tính, dễ thương như thế nầy thì không còn gì bằng!)

- Phận gái lấy được chồng khôn

Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng. (Chúc cho các bạn nữ lấy được người chồng khôn như cá vượt được vũ môn nhé!)

Ở cả phương Đông và phương Tây, hình ảnh con rồng đều được người ta lấy làm biểu tượng cho loài linh vật huyền thoại, có sức mạnh phi thường. Nếu ở phương Đông, rồng được dùng làm biểu tượng cho quyền lực, và những điều cao quý, tốt lành, thì ở phương Tây rồng lại là con vật tượng trưng cho điều xấu, cái ác và sức mạnh của nó.

Tại nhiều nước Á-Đông, rồng là một trong bốn con vật linh thiêng "Long, lân, quy, phụng” (Rồng, kỳ lân, rùa, phượng hoàng)

Tại Thành Phố Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam thân yêu, có một cây cầu có tên gọi là cầu Rồng, vì nó được xây dựng có hình dáng là một con Rồng. Được biết chiều dài tổng cộng của cây cầu nầy là 666 mét. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà người ta lại cho xây cây cầu nầy với độ dài đúng 666 mét. Đây là một con số đã xuất hiện trong sách Khải Huyền, chương 13 của Kinh Thánh từ hai ngàn năm qua: “Đây tỏ ra sự khôn ngoan: Kẻ nào thông minh, hãy tính số con thú, vì đó là một số người; số nó là sáu trăm sáu mươi sáu” (Sách Khải Huyền, chương 13, câu 18).

Bạn có... ngạc nhiên về sự trùng hợp của con số nầy không?

Hầu như phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả các nhà Nghiên Cứu Kinh Thánh và con dân Chúa đều đồng ý rằng 666 là con số của kẻ địch lại Đấng Christ, là con số thuộc về Sa-tan.

Với người Việt Nam, thì con rồng có ý nghĩa như thế nào?

Theo Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Dư, hiện đang cư ngụ tại Pháp, có nhận xét:

«Con rồng đối với người Việt Nam rất đặc biệt vì chúng ta là « con Rồng cháu Tiên », nhưng rồng chỉ là con vật tưởng tượng và tiên cũng chỉ là nhân vật tưởng tượng, sống trên trời, trên núi. Có lẽ con rồng đặc biệt quá nên trong 12 con Giáp, 11 con là có thật, sống trên mặt đất, chỉ có rồng là con vật tưởng tượng, mà lại sống trên trời. Từ xưa đến nay, rồng luôn là biểu hiện của nhà vua, cái gì đụng đến vua đều có rồng bên cạnh cả. Ví dụ như thấy vua thì mình gọi là « long nhan », « long thể » là thân hình của vua, áo vua mặc được gọi là « long bào », chỗ vua ở mình gọi là « bệ rồng », thuyền vua đi cũng được gọi là « thuyền rồng ». Các đền đài ngày xưa cũng được trang trí bằng rồng rất nhiều.

Dưới vua là hàng các quan lớn, tức là xuất thân từ giới sĩ tử. Khi sĩ tử đi học thì ai cũng mong thi đỗ để ra làm quan. Người nào thi đỗ thì ta gọi là « cá hóa rồng », xuất phát từ tích « Cá vượt vũ môn ». Đây là những con cá anh vũ, khi mà vượt qua được vũ môn, thì hóa thành con rồng. Các ông quan của mình ngày xưa thì ông nào cũng phải thơ văn cho thật hay, chữ viết cho thật đẹp. Dân gian mình qua bài « Ông Đồ » rất nổi tiếng của Vũ Đình Liên thì khen các ông là chữ viết như « rồng bay phượng múa ». 2

Giáo Sư Kinh Thánh,Tom Meyer, thuộc Đại học Kinh Thánh và Cao học Shasta ở California, Hoa Kỳ thì cho biết: “Rồng thường được nhắc đến trong Kinh Thánh. Từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, có tổng cộng 35 lần xuất hiện”. 3

Sách Gióp có đề cập đến một con vật... vĩ đại có tên là “Lê-vi-a-than” như sau:

Ai hay rủa sả ngày, và có tài chọc lê-vi-a-than dậy. Hãy rủa sả nó” (Sách Gióp, chương 3, câu 8).

Tại thế thượng chẳng có vật chi giống như nó. Nó được dựng nên để không sợ gì hết. Nó nhìn xem các vật cao lớn. Nó làm vua của các loài thú kiêu ngạo” (Sách Gióp, chương 41, câu 24, 25).

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, thì cụm từ “các loài thú kiêu ngạo” trong bản Kinh Thánh Việt Ngữ, có nghĩa là là “mọi con cái của sự kiêu ngạo”, vì loài thú dường như không biết... kiêu ngạo bao giờ!

Khi chúng ta nghe “Nó làm vua của mọi con cái của sự kiêu ngạo” thì chúng ta biết “vua” ở đây... đích thị là Sa-tan, chứ không ai khác được. Vì Sa-tan chính là vua kiêu ngạo và nói dối.

Những câu Kinh Thánh tiếp theo trong sách Thi-thiên và Ê-sai sau đây cũng nói về nhân vật Lê-vi-a-than:

Chúa đã dùng quyền năng Chúa mà rẽ biển ra. Bẻ gãy đầu quái vật trong nước. Chúa chà nát đầu lê-vi-a-than. Ban nó làm thực vật cho dân ở đồng vắng” (Sách Thi-thiên, chương 74, câu 13, 14).

Còn biển lớn và rộng mọi bề này! Ở đó sanh động vô số loài vật nhỏ và lớn. Tại đó tàu thuyền đi qua lại. Cũng có lê-vi-a-than mà Chúa đã nắn nên đặng giỡn chơi nơi nó” (Sách Thi-thiên, chương 104, câu 25, 26).

Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ làng, phạt lê-vi-a-than là con rắn cong queo; và Ngài sẽ giết con vật lớn dưới biển” (Sách Ê-sai, chương 27, câu 1).

Cụm từ “Chúa chà nát đầu lê-vi-a-than” trong Thi-thiên, chương 74, câu 14 gợi cho chúng ta nhớ lại Sáng Thế Ký, chương 3, câu 15 rằng: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người

Rồi trong Ê-sai, chương 27, câu 1, thì cho biết: “Chúa sẽ phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ làng, phạt lê-vi-a-than là con rắn cong queo; và Ngài sẽ giết con vật dưới biển.

Xâu chuỗi những câu Kinh Thánh nầy lại với nhau, chúng ta thấy con vật lê-vi-a-than nầy chính là hình ảnh về Sa-tan là con rồng, con rắn xưa khá rõ ràng.

Một số nhà giải Kinh cho rằng lê-vi-a-than chính là loài khủng long biển tên là kronosaurus.

Trong một ý nghĩa thuộc linh, bê-hê-mốt và lê-vi-a-than đều được dùng để tiêu biểu cho sự hung hãn của Sa-tan, cũng chính là con rồng trong Khải Huyền, và con rắn xưa trong Sáng Thế Ký.

Giờ, chúng ta cùng xem Lời Chúa nói về con rồng trong sách Khải Huyền. Khải Huyền là sách nói về nhân vật “Rồng” nầy nhiều nhất trong Kinh Thánh:

Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa: Là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời, đem quăng xuống đất. Con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi” (Sách Khải Huyền, chương 12, câu 3, 4).

Bấy giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng, rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại; song chúng nó không thắng, và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa. Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó... Khi rồng thấy mình bị quăng xuống đất, bèn đuổi theo người đàn bà đã sanh con trai. Nhưng người được ban cho một cặp cánh chim phụng hoàng, đặng bay về nơi đồng vắng là chỗ ẩn náu của mình; ở đó được nuôi một thì, các thì, và nửa thì, lánh xa mặt con rắn. Bấy giờ con rắn phun nước ở miệng mình ra như sống theo sau người đàn bà, hầu cho kéo người xuống sông. Nhưng đất tiếp cứu người đàn bà, vì đất hả miệng nuốt sông mà con rồng đã phun ra từ miệng nó. Con rồng giận người đàn bà bèn đi tranh chiến cùng con cái khác của người, là những kẻ vẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su. Con rồng đứng trên bãi cát của biển” (Sách Khải Huyền, chương 12, câu 7-9, 13-18).

Con thú tôi thấy đó giống như con beo; chân nó như chân gấu, miệng như miệng sư tử, và con rồng đã lấy sức mạnh, ngôi, và quyền phép lớn mà cho nó. Một cái trong các cái đầu nó như bị thương đến chết; nhưng vít thương chết ấy được lành, và cả thế gian đều lấy làm lạ mà theo con thú đó. Người ta khởi thờ phượng con rồng, bởi nó đã lấy quyền phép cho con thú; và họ cũng thờ phượng chính con thú, mà rằng: Ai sánh được với con thú, ai giao chiến cùng nó được?” (Sách Khải Huyền, chương 13, câu 2-4).

Đoạn, tôi thấy một vị thiên sứ trên trời xuống, tay cầm chìa khóa vực sâu và một cái xiềng lớn. Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma quỉ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm. Người quăng nó xuống vực, đóng cửa vực và niêm phong lại, hầu cho nó không đi lừa dối các dân được nữa, cho đến chừng nào hạn một ngàn năm đã mãn. Sự đó đoạn, Sa-tan cũng phải được thả ra trong ít lâu” (Sách Khải Huyền, chương 20: câu 1-3).

Những phân đoạn Kinh Thánh trong sách Khải Huyền vừa nêu ở trên nhắc đi nhắc lại nhiều lần về... nhân vật “Rồng”, tức là con rắn đời xưa đã cám dỗ Ê-va và A-đam phạm tội với Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen. Con rắn đời xưa đó là hiện thân của ma quỷ, của Sa-tan vậy.

Như vậy, qua Kinh Thánh, chúng ta được biết hình ảnh con rồng là biểu tượng của Sa-tan, của ma quỷ, tượng trưng cho điều ác.

Người Việt Nam tự cho mình có nguồn gốc là “Con Rồng, cháu Tiên”: Con Rồng cháu Tiên“ bắt nguồn từ Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ . Một người là Rồng ngự trị trên vùng sông nước, một kẻ là Tiên ngất ngưỡng nơi chốn núi rừng . Hai tổ gặp nhau và sinh được một bọc trứng, nở thành trăm con. Năm mươi theo Tổ Âu Cơ về núi, năm chục ở lại với Tổ Lạc Long nơi đồng bằng và hình thành nước Văn Lang (quốc hiệu đầu tiên của VN ) cho tới ngày nay. 4

Kinh Thánh cho chúng ta biết rồng là biểu tượng cho Sa-tan là kẻ thù của Đức Chúa Trời và của người thuộc về Ngài. Cho nên, là con cái Chúa, dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta không tin vào một điều mang đầy tính chất thần thoại, hoang đường như thế.

Vả lại, trong muôn loài vạn vật mà Đức Chúa Trời tạo nên, thì duy con người được tạo nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, cho nên con người cao quý hơn muôn loài vạn vật rất nhiều. Con người chỉ kém thua Đức Chúa Trời một chút mà thôi, như Kinh Thánh đã dạy: “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh hiển và sang trọng. Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chân người” (Sách Thi-thiên, chương 8, câu 5, 6). Không có lý gì khi con người được tạo nên cao quý hơn muôn vật mà lại đi chấp nhận con rồng làm tổ tiên của mình cả.

Một khi con người từ chối tin thờ Đức Chúa Trời thì con người sống trong tối tăm, và bị Sa-tan bắt phục thờ lạy nó để chống lại Đấng tạo nên mình là Đức Chúa Trời.

Tạ ơn Đức Chúa Trời đã mở mắt lòng chúng ta “từ tối tăm qua sáng láng” để chúng ta nhận biết được Ngài là Cha thiêng liêng cao quý duy nhất của mình, và ban cho chúng ta địa vị làm con của Ngài ở trong danh của Chúa Cứu Thế Giê-su!

Nhân năm Âm Lịch năm nay có tên là năm Giáp Thìn (năm con Rồng), xin có vài lời... tản mạn về rồng để hầu chuyện quý độc giả gần xa, nhất là quý độc giả là những tín nhân của Chúa Giê-su Christ; hầu cho chúng ta nhận chân được về nhân vật “Con Rồng”. Qua lăng kính Lời Kinh Thánh, chúng ta không tin và làm theo đời nầy mà chỉ tin và làm theo những gì Kinh Thánh đã dạy bảo chúng ta mà thôi, như Lời Chúa đã phán: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Sách Rô-ma, chương 12, câu 2).

Một chỗ khác, Kinh Thánh cũng dạy: “Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần” (Sách Ga-la-ti, chương 4, câu 8).

Xưa kia, khi chưa tin Chúa, có thể mỗi chúng ta cũng tin những điều như người thế gian tin, theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”; nhưng bây giờ, chúng ta đã trở nên con cái Đức Chúa Trời rồi, đã trở nên “người sáng láng trong Chúa”, thì không còn tin những điều ấy nữa, và không “làm tôi các thần vốn không phải là thần” nữa.

Cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo nên muôn loài vạn vật và con người, ban phước cho mỗi một chúng ta, để chúng ta biết sống đẹp lòng Chúa trong năm mới và trong suốt cuộc đời theo Chúa của mình!

California, Những Ngày Cận Tết Nguyên Đán 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

1 Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, 2011, p. 1069.

2 (rfi.fr/vi/chau-a/20120123-chuyen-con-rong-xua-va-nay)

3 trithucvn.co/doi-song/chuyen-gia-nghien-cuu-kinh-thanh-rong-that-su-ton-tai.html

4 anhdao.org/a623/rong-qua-van-chuong-dien-tich-va-cuoc-song-con-nguoi-muong-giang