Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 10 | Hướng Dẫn

Bài 11

TỪ CÁO TRÁCH ĐẾN DẠN DĨ

I GIĂNG 3:19-24

 

Thưa quý vị, hôm trước tôi có hỏi quý vị, “Nếu đặt tên cho hội thánh của mình, thì chúng ta đặt tên gì, ngoài tên Vọng Phu hay Yêu Thương?” Bây giờ tôi cũng xin đưa ra một cái tên nữa, để chúng ta suy nghĩ. Đó là hội thánh Cầu Nguyện. Hội thánh phải có sự cầu nguyện. Hôm nay chúng ta sẽ bàn về sự cầu nguyện, được dạy trong thơ Giăng thứ nhất. Tôi xin đọc cùng quý vị đoạn 3, từ câu 19 đến câu 24:

19 Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.

20 Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự.

21 Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời:

22 và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.

23 Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, và chúng ta phải yêu mến lẫn nhau như Ngài đã truyền dạy ta.

24 Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.

I. Cầu nguyện là gì?

Trước hết chúng ta hỏi, “Cầu nguyện là gì?” Người đời cũng nói đến sự cầu nguyện, nhưng với một ý nghĩa khác. Có người cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại những lời hay ý đẹp, để tâm trí được thảnh thơi. Có người cầu nguyện bằng cách suy tư, để thoát ly khỏi đời sống này. Nhưng đối với người tín đồ, sự cầu nguyện mang một ý nghĩa như Giăng dạy trong câu 21, “chúng ta ... đến gần Đức Chúa Trời.“ Cầu nguyện là đến gần Đức Chúa Trời, hay đến trước mặt Đức Chúa Trời. Thượng Đế luôn ở quanh chúng ta, bao phủ chúng ta, biết tất cả mọi điều. Nhưng con người chúng ta thường ngoảnh mặt khỏi Thượng Đế, coi thường Ngài. Khi cầu nguyện, chúng ta bỏ hết tất cả những suy nghĩ trên đời, để tâm trí và tấm lòng hoàn toàn hướng về Thượng Đế.

Lỗi lầm lớn của nhiều người khi cầu nguyện là nghĩ đến người khác nhiều hơn đến Thượng Đế. Khi đứng lên cầu nguyện trước hội thánh, đôi khi mình ráng nói làm sao cho văn hoa, cho giọng được tốt, để có người khen, “Ông này cầu nguyện sao hay quá!“ “Bà kia cầu nguyện sao suôn sẻ quá!“ Mình lo đến điều đó nhiều đến nỗi quên là cầu nguyện trước hết là đến nói chuyện với Chúa, và chỉ một mình Chúa mà thôi. Chúng ta phải biết là, những người ngồi cạnh chúng ta chỉ là người cầu nguyện chung với chúng ta, và chúng ta không cố tình cầu nguyện với những lời hay ý đẹp, với giọng nói tuyệt vời để họ nghe và nể mình.

II. Sự cáo trách

Bây giờ Giăng nói ở đây có một số điều chúng ta phải biết khi cầu nguyện. Thứ nhất, Giăng nói trong câu 21: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời.“ Xin để ý đến chữ “cáo trách.” Chúng ta nhớ lại bài học hôm trước: Chúa là ánh sáng, và khi đối diện với ánh sáng, tự nhiên chúng ta phải thấy mình tội lỗi. Chúng ta thường quên những điều mình làm, nhưng khi đến trước mặt Chúa, chúng ta sẽ thấy chúng rõ ràng. Giống như một tia quang tuyến X chiếu rọi vào con người mình, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều xấu xa mình đã làm trước kia. Chúng ta sẽ thấy những hành động mình đã làm, mà không làm đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ thấy những lời mình đã nói với người khác, mà làm phật lòng họ. Chúng ta sẽ nhớ lại những lời hứa với Chúa, mà mình đã quên. Lúc đó lòng mình sẽ cáo trách mình.

Chữ “lòng” trong câu 21 không nói đến lương tâm của chúng ta, nhưng nói đến Đức Thánh Linh trong lòng. Chúng ta phải biết là Sa-tan cũng cáo trách, buộc tội chúng ta. Khải Huyền đoạn 12 câu 10 nói Sa-tan là “kẻ kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời.” Câu hỏi giờ đây là, “Khi nghe tiếng cáo trách trong lòng, làm sao chúng ta biết tiếng cáo trách đó đến từ Sa-tan, hay từ Đức Thánh Linh?“ Câu trả lời nằm trong mục đích của sự cáo trách đó. Sa-tan trước hết muốn làm cho chúng ta chai đá, không nghe được sự cáo trách về tội lỗi của mình. Nhưng nếu chúng ta có sự cáo trách đó, Sa-tan muốn làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bị cấu xé về tội lỗi của mình. Sa-tan sẽ nói với chúng ta như thế này, “Thượng Đế rất tàn nhẫn, ác đức. Ngài sẵn sàng giết bỏ, trừng phạt chúng ta, nếu chúng ta phạm một tội lỗi nào đó.” Sa-tan cứ luôn dọa như thế, để chúng ta thấy như mình “hết thuốc chữa“ rồi, nên không còn đến với Chúa trong sự cầu nguyện nữa. Ngược lại, sự cáo trách của Đức Thánh Linh không ngừng ở sự cáo trách, nhắc nhở chúng ta những điều tệ hại mình đã làm, nhưng cũng nhắc chúng ta rằng Chúa nhân từ, luôn sẵn sàng tha thứ chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội mình ra, thì dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu sẽ rửa sạch tất cả những tội lỗi đó. Giăng nói trong đoạn 1 câu 9, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.“ Sa-tan che câu đó, không cho chúng ta thấy.

Chúng ta không phải là những “ông thánh sống,” sống một ngày, một tuần, mà không phạm một tội lỗi nào hết. Có nhiều người tín đồ thấy mình phạm tội nên không dám cầu nguyện, đến với Thượng đế nữa. Nhưng nếu làm như thế là mình đã để ma quỷ làm hại, bằng cách ngăn cản sự liên hệ của mình với Thượng Đế. Nhưng khi được Đức Thánh Linh cáo trách về tội lỗi, điều chúng ta cần phải làm là xin lỗi Chúa, ăn năn hối cải, thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta. Mấy tuần trước tôi có chia xẻ vấn đề này. Khi Giăng nói trong đoạn 3 câu 6 rằng, “Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài,” ông không nói rằng người tín đồ không thể phạm tội, nhưng rằng người tín đồ không thể không nghe được tiếng cáo trách của Đức Thánh Linh và cứ tiếp tục phạm tội. Chúa không để chúng ta bị thử thách quá giới hạn của chúng ta. Ngài luôn luôn mở đường để chúng ta ra khỏi, và sự cáo trách của Đức Thánh Linh là một cách mở đường đó. Thành ra, khi bị cáo trách, chúng ta không coi thường lời cáo trách, nhưng phải nói, “Chúa ơi, con xin xưng tội của con ra với Chúa, và con hứa con sẽ từ bỏ nó.” Xin đừng mắc mưu Sa-tan, bỏ cuộc vì tội lỗi của mình, để nó đẩy chúng ta ra khỏi bàn tay của Chúa.

III. Sự dạn dĩ

Thứ nhất, khi bị Đức Thánh Linh cáo trách, chúng ta phải ăn năn hối cải về tội lỗi của mình, để sự cáo trách không kéo dài; thứ hai, chúng ta phải dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời. Giăng nói trong câu 21, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời.” Sự dạn dĩ với Đức Chúa Trời này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong kinh thánh. Hê-bơ-rơ 4:16, “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ cần dùng.” Hê-bơ-rơ 10:19, “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu, được dạn dĩ vào nơi rất thánh.” Ê-phê-sô 3:12, “Trong Ngài chúng ta nhờ đức tin đến Ngài mà được tự do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn dĩ.” Kinh thánh dạy rất rõ ràng là, đến với Chúa trong sự cầu nguyện, chúng ta không đến một cách bẽn lẽn, sợ hãi, nhưng một cách dạn dĩ. Có nhiều người tín đồ vẫn nghĩ là mục sư bao giờ cũng cầu nguyện “thiêng” hơn họ. Nếu có vấn đề gì, họ nhờ mục sư cầu nguyện giùm. Nhưng thưa không, kinh thánh dạy mỗi người chúng ta có thể đến thẳng và cầu nguyện với Thượng Đế một cách dạn dĩ, mà không cần phải nhờ một người nào khác.

Văn phòng quan trọng nhất ở Nước Mỹ là Oval Office của tổng thống, trong tòa Bạch Ốc. Nếu được mời vào văn phòng này, chắc mình phải ăn mặc rất chỉnh tề, và đến văn phòng đó một cách rất nghiêm trang, có thể đầy sợ hãi nữa. Nhưng tôi biết có hai người đến văn phòng đó một cách hết sức dạn dĩ. Một người mang đôi giày ba-ta, mặc quần sọt và nhảy cò cò trong văn phòng đó một cách rất vui vẻ. Quý vị có tin được không? Tôi có bằng chứng ở đây. Đây là hình hai người đang đùa giỡn trước mặt tổng thống Kennedy, không sợ sệt gì hết. Tại sao hai người này lại dạn dĩ như vậy? Vì họ hai người con của tổng thống.

Nếu không phải là con của tổng thống, chúng ta đến văn phòng tổng thống một cách; nhưng nếu là con, chúng ta đến cách khác. Cũng vậy, chúng ta là con của Đức Chúa Trời, và nếu là con của Đức Chúa Trời, thì tại sao chúng ta lại sợ sệt khi đến trước mặt Ngài? Chúa cho phép chúng ta đến trước mặt Ngài một cách dạn dĩ để cầu nguyện với Ngài. Chỉ có một điều chúng ta cần phải làm, đó là chúng ta phải đi qua cửa cáo trách. Gặp sự cáo trách, chúng ta phải giải quyết những vấn đề bị cáo trách đó. Khi giải quyết được vấn đề đó rồi, chúng ta có thể bước vào trước mặt Thượng Đế một cách dạn dĩ.

IV. Kết quả: Xin điều gì mặc dầu

Khi chúng ta đã qua được cửa cáo trách, để dạn dĩ bước vào trước mặt Đức Chúa Trời rồi, Giăng nói trong câu 22, “Chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.” Chúa Giê-xu cũng hứa trong Giăng 14:14, “Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho;” trong Giăng 15:16 “... lại cũng cho mọi điều nếu các ngươi sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi;” trong Giăng 16:23, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi.”

“Chúa ơi, con muốn xin chiếc xe Mercedes. Con thích nó quá! Xin Chúa cho con. Chúa hứa là xin điều gì thì Chúa cũng cho mà!” Nhưng, lần nữa, bí quyết ở đây là chúng ta phải qua cửa cáo trách. Nói đúng hơn, nếu chúng ta xin điều gì mà không cảm thấy bị cáo trách thì Chúa sẽ cho. Khi mở miệng xin chiếc xe Mercedes, Đức Thánh Linh trong lòng sẽ cho chúng ta biết là xin điều này không đúng, và như thế đẩy ngược chúng ta ngược lại bên kia cửa cáo trách.

Nhưng khi đã qua cửa cáo trách đó rồi, Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta sẽ cầu nguyện chung với chúng ta, sẽ giúp chúng ta cầu nguyện. Trong trường hợp đó, kinh thánh bảo đảm là tất cả điều gì chúng ta xin Chúa sẽ ban cho, không chỉ về vấn đề thuộc linh, nhưng cũng về vấn đề tinh thần (như sự bình an) hay vật chất nữa. Chúa muốn cho chúng ta tất cả. Chúa yêu thương chúng ta, và Ngài không hẹp hòi. Chúng ta chỉ cần mở miệng xin những điều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Có câu chuyện của một người tín đồ được lên thiên đàng. Phi-e-rơ đưa ông đi thăm mọi nơi trên đó. Nhưng có một phòng Phi-e-rơ không muốn ông vào, bảo ông là đừng để ý. Thắc mắc, ông cứ nằng nặc đòi vào xem. Cuối cùng, Phi-e-rơ nhượng bộ. Khi Phi-e-rơ mở cửa phòng đó, ông thấy trong phòng có hàng tỉ những hộp. Phi-e-rơ chỉ cho ông một cái hộp có tên của ông trên đó. Phi-e-rơ giải thích là, hộp này đựng tất cả những điều Chúa sẽ cho ông, nếu ông xin. Nhưng vì ông không xin, những điều đó vẫn còn nằm trong hộp đó.

Đọc truyện này, tôi thấy mắc cỡ với Chúa, với mình, vì có nhiều điều tôi nghĩ Chúa không cho, nên tôi không xin. Xin chúng ta dạn dĩ xin Chúa mọi điều. Nhiều khi chúng ta sống đời sống nhàm chán, vì không thấy quyền năng của Chúa được thể hiện qua chúng ta; và nhiều khi chúng ta không thấy chỉ vì chúng ta không tin là Chúa sẽ cho, nên không xin.

Mục Sư Đỗ Lê Minh