Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Hướng Dẫn

Bài 3

Ðược Chúa Cứu Chuộc

Ê-phê-sô 3:7

 

Kính thưa quý vị: Hai tuần trước chúng ta học là Thượng Ðế đã ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng; tuần vừa rồi chúng ta đếm phước đầu tiên do Ðức Chúa Cha ban cho, ấy là Ngài đã chọn chúng ta để làm con nuôi của Ngài. Bây giờ chúng ta tiếp tục đếm phước thứ hai do Ðức Chúa Giê-xu Christ ban cho, như Phao-lồ kể trong câu 7, “Ấy là trong Ðấng Christ, chúng ta được chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.” Chúng ta sẽ trở lại căn bản Tin Lành, để tìm hiểu ý nghĩa của hai cụm từ “cứu chuộc bởi huyết Ngài” và “được tha tội.”

 

Trước khi bàn về sự cứu chuộc, chúng ta phải hiểu nô lệ là gì? Nếu được tự do, chúng ta không cần sự cứu chuộc, chỉ trong vòng nô lệ chúng ta mới cần. Trong thời Chúa Giê-xu, ở Do Thái có khoảng 6 triệu người bị mất tự do, làm nô lệ, tôi mọi cho người khác. Chúa dùng hình ảnh này để cho chúng ta thấy thảm trạng của con người: Sanh ra trong bóng tối, mọi người là tôi mọi, nô lệ cho tội lỗi. Người Việt Nam có câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện.” Nhưng trên thực tế, nếu khách quan nhận xét, chúng ta phải công nhận rằng “Nhân chi sơ, tính bổn ác.” Từ em bé, đến người lớn, từ người có học, giàu có đến người nghèo, tất cả đều có đầy ắp bao nhiêu hành động không đẹp với nhau. Nhiều người quan niệm rằng, nếu xã hội có thể cung cấp cho mỗi người công dân một nền giáo dục tốt lành, thì xứ sở sẽ được tốt đẹp. Nhưng như chúng ta nhận xét, nước Mỹ ngày hôm nay vẫn còn đầy dẫy bao tội ác, mặc dầu trong đó mỗi người đều có cơ hội học hỏi đến mức tối đa của khả năng mình. Hơn nữa, tội lớn nhất của chúng ta không phải là những tội phạm đối với nhau như giết người hay ăn cắp, nhưng là tội đối với Ðức Chúa Trời. Sanh ra trong dòng giống của A-đam và Ê-và, chúng ta phạm tội khi hai người phạm tội. Sau khi Thượng Ðế cắt đứt sự liên hệ với hai người, chúng ta sanh ra không biết Chúa, sống đời sống coi thường Ngài, và đó là tội lớn nhất trước mặt Ngài. Tội này đã có sẵn ở trong mỗi người chúng ta, dầu là những người có học đến bao nhiêu đi nữa.

Chữ “nô lệ” hàm ý rằng chúng ta tự mình không thể vượt ra khỏi cái ách của nó được. Nhưng cám ơn Chúa, Ngài không để chúng ta bị đày đọa trong đó, và đã cứu chuộc chúng ta. Một nghĩa của sự cứu chuộc là “mua về.” Như những người nô lệ ở thế kỷ thứ nhất được chủ mới mua về, chúng ta được Chúa mua, và giải thoát. Có một em bé bỏ bao nhiêu công trình làm một chiếc thuyền bằng gỗ thật đẹp. Một ngày nọ, khi chơi thuyền trên hồ, em buồn bã nhìn chiếc thuyền của mình bị một cơn gió thổi đi xa. Về nhà, em nhớ mãi chiếc thuyền này. Một hôm, đi ngang một cửa tiệm, em thấy chiếc thuyền của em được bày bán trong tủ. Vào tiệm, em nói với ông chủ rằng đó là chiếc thuyền của em. Ông chủ tiệm cho biết rằng ông đã mua chiếc thuyền đó, và nếu muốn, em có thể mua lại. Từ đó em tằn tiện từng đồng xu một, cho đến ngày em có đủ tiền mua lại chiếc thuyền. Cũng vậy, Chúa tạo dựng chúng ta, nhưng chúng ta đã lìa khỏi vòng tay của Ngài và rơi vào vòng nô lệ tội lỗi. Chúa lại phải mua chúng ta về. Chúng ta vì thế thuộc về Chúa hai lần: Lần thứ nhất khi Ngài tạo dựng chúng ta, và lần thứ hai khi Ngài mua chúng ta về.

Là con người, chúng ta không bao giờ được tự do hoàn toàn. Rời Việt Nam, chúng ta thoát khỏi ách cộng sản, nhưng qua Mỹ, chúng ta phải tuân theo luật lệ nước này. Thượng Ðế giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn làm gì thì làm. Như chúng ta học tuần trước, Ngài đã mua chúng ta về để nhận làm con nuôi của Ngài. Chúng ta giờ đây thuộc về Ðức Chúa Trời, và là nô lệ của Ngài. Phao-lồ viết trong Rô-ma 6:18, “Anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi để trở nên tôi mọi của sự công bình.”

Phao-lô nói thêm là chúng ta được mua “bởi huyết Ngài,” tức là huyết của Ðức Chúa Giê-xu Christ. Nói đến chữ “mua,” chúng ta phải nói đến chữ “giá.” Khi soạn bài giảng này, tôi có ý định mua một con chim, và khi giảng tôi đem con chim đó ra và mở cửa lồng để trả tự do cho nó. Nhưng khi ra tiệm bán chim, tôi mới thấy hỡi ôi, vì một con chim đáng giá vài chục đô-la, thay vì vài đô-la như tôi tưởng! Trong khi tôi tiếc tiền không muốn bỏ vài chục đô-la để thả tự do cho một con chim, Chúa không hề nuối tiếc hy sinh thân Ngài để chúng ta có sự tự do, dầu giá Ngài phải trả là một giá mắc hơn tất cả mọi điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Không phải vì Chúa tạo dựng thế gian này bằng một lời phán của Ngài, bây giờ Ngài cũng có thể cứu chúng ta cũng chỉ bằng một lời phán. Không những chỉ có sự yêu thương, Ngài cũng có sự công bình. Phạm tội, chúng ta hoặc phải tự đền tội của mình, hay Thượng Ðế phải đền tội cho chúng ta bằng dòng huyết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Là con của Ðức Chúa Trời, và là Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-xu đã chết cho chúng ta, và dòng huyết của Ngài không phải là dòng huyết của một người thường.

Có một nhà thám hiểm tên Max Walsh ngụ tại một nhà trọ để hôm sau đi thám hiểm một vùng núi tuyết Alps tại nước Áo. Không may cho ông, hôm đó có cơn bão, và ông bị tuyết chôn vùi. Người chủ nhà trọ có một con chó được huấn luyện để đi tìm những người bị thất lạc trên núi tuyết đó. Không thấy ông về, người chủ sai con chó đi tìm. Khi gặp nhà thám hiểm đang bất tỉnh, nó cắn tay áo ông, tìm cách kéo ông về nhà trọ. Trong lúc nửa tỉnh nửa mơ, thấy có một con chó cắn tay áo của mình, và nghĩ là chó sói, ông vội rút dao ra đâm nó. Bị thương nặng, con chó lết từng bước một về nhà trọ. Ðến nơi, nó quỵ xuống và chết. Thấy con chó bị trọng thương bởi con dao như vậy, người chủ nhà biết là nó đã tìm được nhà thám hiểm. Hơn nữa, ông có thể đi ngược theo dòng huyết của nó đổ ra trên đường, và tìm được nhà thám hiểm. Nhờ dòng huyết của con chó mà ông Max Walsh được cứu, nhưng dòng huyết đó chỉ cứu được một người mà thôi. Nhờ dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ, là con của Ðức Chúa Trời, tất cả mọi người trên thế gian này được cứu khỏi vòng tội lỗi.

Có một em bé bị một chứng bịnh khi nhỏ, và em tự nhiên được chữa lành. Một vài năm sau, người em của em cũng bị bệnh giống như vậy. Vì thân thể em đã có lần chống cự được bịnh này, các bác sĩ nghĩ rằng nếu họ truyền máu từ em qua người em, thì người em cũng có thể được lành. Họ hỏi em có sẵn sàng hiến máu hay không. Sau một thời gian suy nghĩ, em đồng ý. Sau khi truyền máu rồi, em hỏi bác sĩ, “Bác sĩ ơi, khi nào thì tôi chết?” Em nghĩ là hiến máu thì phải chết, và em chờ cái chết đó. Mặc dầu em đã hiểu lầm, nhưng điều này chứng tỏ rằng em đã làm một việc rất can đảm, đó là em sẵn sàng chết để em mình được sống. Em làm điều đó cho người thân của mình, nhưng Ðức Chúa Trời đã đổ huyết cho tất cả mọi chúng ta gần hai ngàn năm trước, trước khi chúng ta sanh ra.

Trước khi sáng thế, Ðức Chúa Trời biết là chúng ta sẽ phạm tội, nhưng Ngài vẫn sáng thế, vì Ngài biết là dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu sẽ cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ đó. Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giê-xu biết rằng Ðỗ Lê Minh sẽ sanh ra trong tội lỗi, nên Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để cứu Ðỗ Lê Minh. Trước khi tôi sinh ra, Ðức Chúa Trời biết tôi sẽ rơi vào vòng nô lệ tội lỗi, nhưng Ngài vẫn cho tôi sinh ra, vì Ngài cũng biết là dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ đã cứu tôi ra khỏi vòng nô lệ đó.

Phao- lồ viết thêm là “chúng ta được chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội.” Phao-lồ cũng viết trong Cô-lô-se 1:14, “Trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội.” Trong nguyên bản Hy Lạp, hai chữ “tha tội” trong Ê-phê-sô và Cô-lô-se hơi khác nhau một tí: Trong Cô-lô-se Phao-lồ dùng số ít, nói tới bản tính tội lỗi của con người, và dòng huyết của Chúa Giê-xu đã cứu chuộc chúng ta khỏi bản tính tội lỗi đó. Trong Ê-phê-sô Phao-lồ dùng số nhiều, nói đến những việc làm tội lỗi, những việc làm không đẹp lòng Chúa hằng ngày của chúng ta, đến từ bản tính tội lỗi. Chúa Giê-xu đã chết không những chỉ để giải thoát chúng ta khỏi bản tính tội lỗi, nhưng cũng để tha thứ những tội lỗi hằng ngày của chúng ta. Nói một cách khác, có hai sự tha tội: Sự tha tội thứ nhất là của Quan Tòa Thượng Ðế. Ngày cuối cùng, khi vị quan tòa này nhìn chúng ta, ông thấy chúng ta hoàn toàn vô tội, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu đã che phủ bản tính tội lỗi của chúng ta. Sự tha tội thứ hai là của người Cha Thượng Ðế. Là con nuôi của Ngài, nhưng vẫn còn bị giam hãm trong xác thịt, chúng ta vẫn còn phạm tội. Nhưng khi chúng ta đến với Chúa trong sự cầu nguyện, như trong lời cầu nguyện chung, “Xin tha tội chúng con, cũng như chúng con tha tội kẻ nghịch cùng chúng con,” Chúa sẵn sàng tha thứ.

Có một lúc nhà cải cách Martin Luther bị bịnh. Nằm trên giường bịnh, ông cảm thấy tinh thần rất xuống dốc. Sa-tan hiện ra với ông, với một nụ cười rất khinh bỉ, “A ha, bây giờ tinh thần ngươi xuống dốc, ta sẽ làm cho tinh thần ngươi xuống thêm.” Rồi Sa-tan cho ông thấy nguyên một danh sách thật dài kể lại tất cả nhưng tội lỗi ông phạm trong quá khứ. Khi Martin Luther cảm thấy như mình không còn gì để bám víu, ông liền nói với Sa-tan, “Vâng, những tội này là sự thật, nhưng chúng đã được dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ che phủ.” Sa-tan biến mất cùng danh sách đó.

Dòng huyết của Chúa Giê-xu Christ không những đã tha thứ tất cả những tội phạm của chúng ta trong quá khứ, cũng sẽ tha thứ tất cả những tội lỗi của chúng ta trong tương lai. Như chúng ta đã bàn đến tuần trước, nếu Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi sáng thế để làm con nuôi của Ngài, thì Ngài sẽ không bao giờ bỏ chúng ta, mặc dầu chúng ta phạm tội. Ngài là người Cha sẵn sàng tha thứ tội lỗi của con mình, dù trong qua khứ hay tương lai.

 

Phao-lồ nói thêm, “Chúng ta được tha tội theo sự dư dật của ân điển Ngài.” Có một nhà tỷ phú tên là John D. Rockefeller. Ông có một tấm hình mà ông thích khoe với mọi người. Ðó là hình chụp ông đang cho một người ăn mày một số tiền. Chúng ta có thể nói rằng số tiền đó đến từ tài sản của ông, nhưng không theo sự dư dật của ông. Nếu một người nghèo có thể cho người nghèo hơn mình 10 đồng, thì theo sự dư dật của ông, ông phải cho một số tiền lớn hơn nhiều. Thượng Ðế giàu có hơn tất cả mọi người trên đời, và Ngài ban cho chúng ta theo sự dư dật của Ngài. Nói theo toán học, 1/10 của vô cực là gì? Thưa, cũng là vô cực. Ðó là điều Thượng Ðế ban cho chúng ta, tức là mọi ơn phước thiêng liêng. Xin chúng ta nhớ lại: Thứ nhất, như chúng ta học tuần trước, Ngài đã chọn chúng ta làm con nuôi. Hôm nay chúng ta học rằng Ngài đã cứu chuộc chúng ta trong Ðấng Christ để chúng ta được tha tội.

 

Câu hỏi kế tiếp là phản ứng của chúng ta trước sự cứu chuộc trong Ðấng Christ bởi huyết Ngài là như thế nào. Nếu có ai trong phòng này chưa biết Chúa, thì chỉ có một điều quý vị cần làm mà thôi, ấy là nhận lấy sự cứu chuộc đó, và cám ơn Chúa. Có một em bé tìm được một cái ná. Hôm nọ trên đường đến nhà bà ngoài, thấy con vịt của bà ngoại mà bà để dành làm tiết canh, em lấy ná bắn trúng đầu vịt, làm nó chết tức khắc. Không may cho em, người chị của em thấy. Tới nhà bà ngoại, người chị dùng điều này để làm áp lực ép em phải rửa chén, quét nhà, làm giường cho chị. Nếu em không làm, chị sẽ méc bà ngoại. Sau nhiều ngày phục dịch người chị, em lấy hết can đảm đến nhận tội với bà ngoại. Bà ngoại nói, “Ngoại biết là con đã lỡ bắn chết con vịt của ngoại, nhưng ngoại muốn xem con sẵn sàng làm nô lệ cho chị con đến chừng nào, trước khi đến xin lỗi ngoại.” Thưa quý vị, Thượng Ðế sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta không muốn nhận sự tha thứ đó. Chúa đang mong chờ chúng ta đến làm con nuôi của Ngài, không còn kéo dài sự nô lệ cho tội lỗi nữa.

Nếu đã có lần đón nhận sự tha thứ rồi, chúng ta chỉ biết đếm các phước thiêng liêng Chúa ban cho chúng ta, và cám ơn Ngài. Nhớ rằng Ngài đã mua chúng ta về với một giá quá đắt, chúng ta phải quyết định sống đời sống đẹp lòng người Cha Thượng Ðế của mình. Ðây là căn bản Tin Lành mà chúng ta phải nhắc đi nhắc lại mỗi khi chúng ta nhóm lại. Tôi cám ơn Chúa là hôm nay tôi được dịp nhắc lại với quý vị và với chính tôi rằng “Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh