Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn

Bài 4

CHÚA SẼ LÀM GÌ?

I GIĂNG 2:3-6

 

Thưa quý vị, bây giờ chúng ta tiếp tục học thư Giăng thứ nhất. Tuần trước, Giăng khuyên là, nếu muốn tấn tới trong sự thông công với Chúa, chúng ta phải ngừng phạm tội. Nếu lỡ lầm phạm tội, chúng ta phải nhận tội mình với Chúa, nhớ rằng “chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Đấng công bình.” Đó là điều tiêu cực. Bây giờ Giăng tiếp tục nói về sự thông công này, nhưng một cách tích cực hơn. Tôi xin đọc phần chúng ta sẽ học, đó là thơ Giăng thứ nhất, đoạn 2, từ câu 3 đến câu 6:

3 Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.

4 Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.

5 Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài.

6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.

I. Các điều răn

Giăng khuyên là, muốn tấn tới trong sự thông công với Chúa, chúng ta phải “giữ các điều răn của Ngài.” Trước hết, Giăng nói đến các “điều răn của Chúa,” chứ không phải các “luật lệ của Chúa.” Luật lệ của Chúa là những điều lệ trong sách Cựu Ước, như không ăn thịt heo, hay nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát. Mặc khác, các điều răn nói đến mười điều răn trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 20, mà Chúa Giê-xu tóm tắc trong sách Mác đoạn 12, câu 28 “Bấy giờ, có một thầy thông giáo nghe Chúa và người Sa-đu-sê biện luận với nhau, biết Đức Chúa Giê-xu đã khéo đáp, bèn đến gần hỏi Ngài rằng: Trong các điều răn, điều nào là đầu hết? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Nầy là điều đầu nhứt: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.”

Giăng nói thêm trong câu 6, “ Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” Muốn làm theo điều răn của Chúa, chúng ta làm như Chúa Giê-xu đã làm. Đời Ngài là một ví dụ cụ thể của một đời sống làm theo các điều răn. Như thế chúng ta phải biết về Chúa Giê-xu trước. Chúng ta phải học kinh thánh, để biết Chúa đã làm gì trên thế gian này.

Mấy ngày trước tôi có nói về câu “WWJD?,” hay “What Would Jesus Do?” Dịch ra tiếng Việt là “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” Bây giờ xin chúng ta tập đặt câu hỏi đó trong đời sống chúng ta. Khi đối diện với những vấn đề trong đời sống, chúng ta phải tự hỏi, “Nếu Chúa ở trong trường hợp của tôi, thì Ngài sẽ làm gì?” và làm giống vậy.

Xin quý vị tưởng tượng ngày mai khi thức dậy, quý vị thấy Chúa chiếm trọn con người mình. Tất cả mọi điều khác vẫn như cũ. Quý vị vẫn ở nhà đó, vẫn có gia đình đó, vẫn có việc làm đó. Những khó khăn trong công việc vẫn còn đó. Những xích mích trong gia đình vẫn còn đó. Chỉ có một điều khác mà thôi. Đó là bây giờ Chúa điều khiển mọi hành động của quý vị, chứ không phải quý vị nữa. Trong trường hợp đó, quý vị có thấy cách Chúa đối xử với những người trong gia đình có khác với cách của quý vị trước kia hay không? Quý vị có thấy cách Chúa đối xử với những người đồng nghiệp có khác với cách của quý vị trước kia hay không? Cách Chúa nói chuyện có khác với cách của quý vị nói chuyện hôm trước hay không? Nếu gặp người không ưa quý vị, hay quý vị không ưa, cách Chúa đối xử với họ có khác với cách quý vị đối xử với họ hôm trước hay không? Nếu Chúa ở trong quý vị làm những việc khác với điều mà quý vị vẫn thường làm, quý vị có sẽ làm giống như Chúa hay không? Giữ các điều răn của Chúa không phải là làm theo các luật lệ trong Cựu Ước, nhưng làm theo điều Chúa làm, nếu Chúa ở trong cùng một hoàn cảnh.

II. Giữ các điều răn

Trong nguyên bản, Giăng dùng chữ “giữ” trong thể hiện tại, nói đến một hành động liên tục, chứ không phải nổi hứng, bất chợt. Có người cho ví dụ như thế này: Sau khi đi dự một hội đồng bồi linh, một người thấy cảm động, bước lên dâng mình hầu việc Chúa. Hành động này giống như dâng 10 ngàn đô-la lên Chúa. Nhưng thật ra Chúa không muốn như vậy. Chúa muốn người đó liên tục dâng đời sống lên Chúa. Điều này giống như người đó đổi 10 ngàn đô-la ra thành tiền nhỏ, 1 cent chẳng hạn, rồi từ từ, liên tục dâng những đồng một cent này lên Chúa. Chúa muốn chúng ta áp dụng điều răn của Ngài trong mỗi giây phút trong đời sống chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đợi đến hội đồng bồi linh mới đưa tay lên, cám ơn Chúa, hứa nguyện cùng Ngài, rồi ra về, không làm gì hết. Chúa không muốn chúng ta chỉ dâng đời mình trong ngày Chúa nhật, nhưng trong tuần không dâng gì hết.

1. Điều kiện: Phải tin Chúa trước

Có một vài điều liên quan đến việc giữ các điều răn của Chúa mà tôi muốn xin phân tích với quý vị ở đây. Thứ nhất, chúng ta phải tin Chúa trước, rồi mới có thể giữ các điều răn của Ngài. Chúng ta không thể nào làm ngược lại, giữ điều răn của Ngài trước khi tin Chúa. Kinh thánh nói rất rõ ràng là không người nào không tin Chúa mà có thể làm vừa lòng Thượng Đế.

Martin Luther trước kia sống một đời sống rất khổ hạnh trong tu viện. Ông tự hành hạ thân xác mình. Có những đêm ông nằm dài trên sàn lạnh lẽo, để tìm biết Chúa. Nhưng càng hành hạ mình bao nhiêu, ông càng thấy mình xa Chúa bấy nhiêu. Một ngày nọ, ông đọc thơ Rô-ma đoạn 1 câu 17, trong đó Phao-lồ nói rằng “Người công bình sống bởi đức tin.” Từ đó, ông tin Chúa, và bắt đầu thấy mình biết Chúa nhiều hơn và có thể làm theo những điều răn của Ngài.

2. Động lực: Yêu Chúa

Thứ hai, nếu trước khi tin Chúa, mình không giữ được các điều răn của Chúa, thì mình phải ráng giữ sau khi tin Chúa. Không giữ điều răn của Chúa tức là không tin Chúa. Giăng nói sau đó, trong đoạn 4 câu 16, “Đức Chúa Trời là tình yêu thương.” Nếu như thế, chúng ta phải biết là những điều răn của Ngài đến bởi sự yêu thương đó. Chúng không làm hại chúng ta, nhưng chỉ là những điều tốt lành, làm chúng ta tốt hơn. Như thế, nếu không giữ lời răn của Chúa, chúng ta hàm ý nghi ngờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời, và như thế chưa tin Chúa.

Có ít nhất ba động lực khiến một người làm theo người khác. Thứ nhất vì luật lệ, họ bị bắt buộc làm, như những người nô lệ ngày xưa bị bắt buộc theo lệnh của chủ. Thứ hai là vì nhu cầu. Tôi phải sinh sống, nên chủ sai điều gì, tôi làm điều đó. Thứ ba là vì tình yêu thương. Khi tin Chúa, chúng ta không bị áp lực từ bên ngoài để tuân theo lời răn của Ngài, nhưng chúng ta làm vì tình yêu thương chúng ta dành cho Chúa. Nếu Chúa yêu chúng ta, đến nỗi chết cho chúng ta trên thập tự giá, thì chúng ta cũng phải yêu Chúa, và làm theo lời Ngài trong mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống chúng ta.

Nhưng làm sao tôi có thể “làm theo như chính Ngài đã làm.” Ngày xưa, Chúa đuổi quỷ, làm bao nhiêu phép lạ, làm sao tôi làm được? Đời sống của Chúa luôn luôn hướng đến Thượng Đế tối cao, làm sao tôi làm được? Khó quá Chúa ơi! Nhưng, thưa quý vị, Giăng không đòi hỏi mình trở thành người toàn hảo như Chúa. Giăng nói rõ ràng trong đoạn 1 rằng, “8. Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta... 10. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.”

Ở đây, Giăng muốn nói đến ý muốn, hơn là hành động của mình. “Mục sư ơi, từ khi tin Chúa, tôi cố gắng bỏ rượu mà không được. Chắc là tôi chưa tin Chúa, phải không?” “Trước khi tin Chúa, anh có muốn bỏ rượu không?” “Có chứ, nhưng cũng không được.” “Lý do anh muốn bỏ rượu lúc đó là gì?” “Vì tôi thấy nó không tốt cho thân thể tôi.” “Bây giờ, tin Chúa rồi, lý do anh muốn bỏ rượu là gì?” “Vì tôi sợ làm phật lòng Chúa.” “Tôi nghĩ anh đã tin Chúa, và Chúa đang làm việc trong đời sống của anh.” Bằng chứng của niềm tin là sự cố gắng theo Chúa vì yêu Ngài, và biết rằng Chúa muốn chúng ta theo vết chân Ngài. Nhìn lại đời sống của mình, nếu mình thấy có một vài khuyết điểm nào đó, xin đừng nghĩ là mình chưa thật sự tin Chúa. Nhưng nếu mình thấy những khuyết điểm đó, mà mặc kệ, không thèm sửa đổi, dẫu biết rằng Chúa không thích, đó là dấu hiệu rằng mình chưa tin Chúa.

Nếu có thái độ đó, chúng ta có thể đọc trong Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 30, câu 11, nói về các điều răn: “Điều răn nầy mà ta truyền cho ngươi ngày nay chẳng phải cao quá ngươi, hay là xa quá cho ngươi. Nó chẳng phải ở trên trời, để ngươi nói rằng: Ai sẽ lên trời đem nó xuống cho chúng tôi nghe, đặng chúng tôi làm theo? Nó cũng chẳng phải ở bên kia biển, để ngươi nói rằng: Ai sẽ đi qua bên kia biển, đem nó về cho chúng tôi nghe, đặng chúng tôi làm theo? Vì lời nầy rất gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi, để ngươi làm theo nó.” Giăng cũng nói thêm trong đoạn 5, câu 3, “Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.”

3. Kết quả: Tăng trưởng và vui sống

Giăng nói tiếp trong câu 5, “Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy.” Trong nguyên bản, chữ “lòng kính mến Đức Chúa Trời” có thể có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là “lòng thương mến Đức Chúa Trời dành cho mình,” nghĩa thứ hai là “lòng kính mến của mình đối với Đức Chúa Trời.” Cả hai nghĩa đều thích hợp. Nếu làm theo điều răn của Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy gần với Chúa hơn, và Chúa gần với chúng ta hơn. Mấy tuần trước, khi chia xẻ với quý vị về sự tăng trưởng, tôi nói về sự khác nhau giữa dấu hiệu và phương cách của sự tăng trưởng. Bây giờ cũng vậy, làm theo những điều răn của Chúa là dấu hiệu, bằng chứng của sự tăng trưởng. Nhưng đó cũng là phương cách của sự tăng trưởng nữa, vì càng theo điều răn của Chúa, mình sẽ càng tăng trưởng, càng biết Chúa, càng thấy Chúa gần với mình hơn, và càng yêu Chúa nhiều hơn.

Thế thì mình gần với Chúa hơn để làm gì? Cuộc sống của mình sẽ có ý nghĩa hơn. Tin Chúa, mình được sự cứu rỗi, nhưng nếu không theo các điều răn của Chúa, đời sống của mình cũng như bao nhiêu người khác. Sáng dậy, ăn uống, đi làm. Tối về, mở ti-vi ra coi, đi ngủ, chờ sáng thức dậy, ăn uống, đi làm tiếp... Đời thiếu vắng ý nghĩa. Nhưng khi mình làm theo điều răn của Chúa, thấy Chúa càng gần mình hơn, đời sống mình khác hẳn. Mình giờ đây có một lý tưởng, đó là sống cho Chúa. Thế gian này có bao nhiêu tỉ người, nhưng có mấy ai thấy đời mình có ý nghĩa! Nếu tìm được ý nghĩa cho đời, chúng ta là người có vinh hạnh nhất.

Người làm theo ý Chúa có một niềm vui khác hẳn với niềm vui của người ngoài. Những người không tin Chúa thường nói là đời sống của tín đồ nhàm chán. Nhưng họ không biết là niềm vui của họ chỉ là tạm bợ thôi. Sau những niềm vui đó là những ngao ngán, ê chề. Sau bữa tiệc qua đêm, họ thức dậy, nhức đầu, chóng mặt. Sau bữa tiệc qua đêm, những khó khăn trong đời sống của họ vẫn còn đó. Nhưng cái vui của người theo Chúa luôn luôn đậm đà, thắm thiết. Nó đem lại cho chúng ta một ý nghĩa của đời sống, và một niềm vui trong tâm hồn ngọt ngào hơn tất cả mọi điều.

Mục Sư Đỗ Lê Minh