Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8 | Hướng Dẫn

Bài 9

HÃY CẢM TẠ NGÀI

THI-THIÊN 100

(BÀI GIẢNG NHÂN LỄ TẠ ƠN 2002)

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta ăn mừng lễ tạ ơn. Trong lễ tạ ơn, chúng ta cám ơn Chúa. Bây giờ tôi xin học cùng quý vị Thi Thiên 100. Trong Thi Thiên này, chúng ta sẽ thấy những lý do chúng ta có thể cám ơn Chúa trong mùa tạ ơn này.

Thi Thiên này ngắn thôi, chỉ có 5 câu:

1. Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va!

2. Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, Hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài.

3. Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.

4. Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.

5. Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành tín Ngài còn đến đời đời.

I. Hãy vui mừng

Thi Thiên này có hai đoạn: một đoạn từ câu 1 đến câu 3, và một đoạn từ câu 4 tới câu 5. Chúng ta có thể chia từ câu 1 tới câu 3 làm hai phần; phần thứ nhất là từ câu 1 tới câu 2. Có một mệnh lệnh chung trong câu 1 và câu 2 rất là rõ ràng: Hãy vui mừng trong Chúa, và hãy bày tỏ sự vui mừng của mình ra ít nhất bằng ba cách.

1. Hãy hát xướng

Cách thứ nhất là “Hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va.... Hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài.” Đây có nghĩa là chúng ta không nín lặng. Quý vị nhớ, khoảng thập niên 1960, khi có các ban nhạc rock ngoại quốc (như ban The Beatles chẳng hạn) đến nước Mỹ, thì mấy em trẻ tuổi ra đón chào, la hét mừng rỡ. Đó là hình ảnh mà tác giả Thi Thiên khuyên chúng làm khi đến với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-xu.

Đôi khi mình nghĩ là mình không làm được chuyện đó. Nó có vẻ trẻ con quá, không thích hợp với văn hóa Việt Nam. Nhưng hãy nhìn đến người Anh chẳng hạn. Chúng ta nghĩ họ là những người rất điềm đạm. Nhưng quý vị đã thấy họ coi đá banh chưa? Họ cũng la hét ồn ào, cũng có sự vui mừng, mặc dầu chỉ vui trong những trò chơi thể thao. Bây giờ Thi Thiên nói chúng ta hãy vui mừng khi nghĩ đến Chúa, như người Anh khi coi đá banh. Còn người Việt Nam chúng ta có điềm đạm như vậy hay không? Tôi cũng thường nghĩ như vậy. Nhưng một hôm tôi nhận xét mấy cụ già Việt Nam ngồi xem bóng rổ. Khi đội Laker thắng trận rồi, thì mấy cụ nhảy lên, la hét om sòm. Chúa muốn chúng ta vui mừng như vậy khi nghĩ đến Chúa. Có thể chúng ta không cất tiếng reo mừng ngợi khen Chúa không phải vì văn hóa Việt Nam, nhưng vì chúng ta sợ người khác cười chê, hay phê bình. Nhưng cái gì quan trọng hơn? Làm theo điều Chúa muốn chúng ta làm, hay không làm vì sợ người khác nghĩ gì về mình? Cũng có thể chúng ta không ca hát vui mừng là vì một lý do khác sâu đậm hơn. Đó là vì chúng ta chưa biết Chúa là ai, và Chúa đã làm gì cho chúng ta. Tôi tin chắc là nếu thật sự biết Chúa, chúng ta sẽ không thể nào nín lặng, mà không cất tiếng reo mừng được.

Chúng ta hát xướng vì muốn ca ngợi Chúa, muốn bày tỏ sự vui mừng trong lòng mình. Đến nhà thờ, xin đừng cảm thấy mình phải hát, hay phải nói ra lời cám ơn Chúa, mặc dầu lòng mình buồn bã nặng nề. Điều quan trọng không phải là lời nói của mình, nhưng sự vui mừng tận bên trong lòng.

Hát hay không bằng hay hát. Đến Hội Thánh, xin đừng sợ người ta nghĩ mình hát lạc giọng, hay đúng giọng; chuyện đó không thành vấn đề. Nhiều khi tôi nghe những người lớn tuổi hát những bài hát ca ngợi Chúa, mặc dầu lạc giọng, nhưng sao tôi thấy họ hát hay quá! Tôi cảm nhận được tấm lòng của họ bày tỏ trong những bài hát, và tôi hòa điệu với những lời hát đó. Lời ca của họ là âm nhạc tuyệt vời trong tai Chúa, và Chúa nhận những lời hát đó một cách vui vẻ. Chúa muốn nghe lời hát lạc giọng đó, hơn là nghe lời ca của một ca sĩ đại tài ngoài đời.

2. Hãy hầu việc Đức Giê-hô-va

 Sự vui mừng thật sự được bày tỏ ra trong tiếng sự hát ca ngợi Chúa, và cũng trong sự hầu việc Chúa. Câu 2, “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng.” Khi có sự vui mừng trong lòng, chúng ta không thể nào không hầu việc Ngài được. Mình không thể nào giữ kín trong lòng sự vui mừng mà không nói cho người khác biết, không nói cho nhau biết, hay không khuyến khích lẫn nhau trên bước đường theo Chúa. Khi có sự vui mừng trong lòng, tự nhiên chúng ta hát ngợi khen Chúa, và đem tin lành đến người khác. Thấy một người thiếu ăn, chúng ta cho họ miếng ăn; thấy một người thiếu nước, chúng ta mang lại cho họ một chén nước. Chúng ta làm những điều đó với sự vui mừng tình nguyện, không phải bị ai bắt buộc.

II. Vì biết rằng...

Bây giờ tác giả Thi Thiên giải thích tại sao chúng ta phải vui mừng. Trong lễ Tạ Ơn, đôi khi chúng ta đứng lên cám ơn Chúa về những điều vật chất Chúa cho chúng ta, chẳng hạn như về sức khỏe, về con cái, hay về những điều mà chúng ta thấy được trước mắt. Vâng, cám ơn Chúa về những điều đó không có gì sai lầm. Nhưng nếu chúng ta chỉ cám ơn Chúa về những điều đó không, thì chúng ta thiếu sót rất nhiều. Có phải nếu không có tiền, sức khỏe, hay gia đình hạnh phúc, thì chúng ta không cám ơn Chúa, nhưng chê trách Ngài hay không? Thưa không. Đa-vít nói ở đây là chúng ta vui mừng hát xướng, ca ngợi Chúa không phải vì những điều vật chất, nhưng vì Đức “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài, chúng tôi là dân sự của Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài” (câu 3).

1. Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.

Thứ nhất, chúng ta cám ơn Chúa vì Ngài là Đức Chúa Trời. Hai tuần trước chúng tôi có rủ nhau đi đến thăm một gia đình, và thấy họ có một bàn thờ, trên đó họ để danh sách các vì sao như sao Nam Tào, Bắc Đẩu.... Thấy bàn thờ đó, tôi thấy đau xót trong lòng. Họ thờ các ngôi sao trên trời, tức là những vật mà Đức Chúa Trời tạo ra! Chúng ta không thờ những thần tượng gỗ đá, do con người đục ra, nhưng chúng ta thờ Đức Giê-hô-va, một đấng sáng tạo quyền năng.

Tên “Giê-hô-va” là tên Đức Chúa Trời muốn dân Do Thái gọi Ngài. Đấng ở khắp mọi nơi, biết tất cả mọi chuyện, có quyền năng sáng tạo vũ trụ này đã cho con người biết tên Ngài, để thờ phượng Ngài. Niềm vui lớn nhất, ơn phước lớn nhất mình có là biết được Đức Chúa Trời, và thờ phượng Ngài.

2. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi.

Hồi nãy mình nói chúng ta phải vui mừng, vì Đức Chúa Trời có quyền năng tạo dựng vũ trụ, nhưng bây giờ mình nói “chính Ngài đã dựng nên chúng tôi.” Tôi vui mừng Ngài đã dựng nên chính cá nhân tôi, Đỗ Lê Minh này, với tất cả những cái xấu xa, đẹp đẽ trong đó.

Cảm ơn Chúa rằng Ngài không tạo nên chúng ta giống hệt nhau, như từ một cái máy. Không, Chúa dựng nên tôi khác hẳn với quý vị; không ai giống tôi, và tôi cũng không giống ai hết. Và mình cám ơn Chúa điều đó. Hôm nọ hoàng đế Herry ở nước Anh đi săn, và bị lạc. Chỉ còn một mình giữa rừng sâu, ông thấy một đền thờ. Bước vào, ông thấy có một thầy tế lễ trong đó. Nhìn thầy tế lễ này, ông thấy tội nghiệp quá, vì thầy rất xấu xí. Nhưng vì gặp thầy tế lễ, ông xin thầy làm lễ cho mình. Thầy có một người phụ tá, và hôm đó thầy bảo người phụ tá đó đọc Thi Thiên 100. Thấy người phụ tá đọc một cách bất cẩn câu “Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi,” thầy liền la, “Phải nghiêm chỉnh khi đọc câu này, vì Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta, chứ không phải chúng ta dựng nên mình.” Khi hoàng đế Herry nghe thầy tế lễ, là một người cực kỳ xấu xí, nói câu đó, ông biết đây chính là nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, và ông năn nỉ mời thầy làm Tổng Giám Mục xứ Cologne.

3. Chúng tôi thuộc về Ngài

Chúng ta vui mừng vì, thứ nhất Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời; thứ nhì, Ngài đã dựng nên chúng tôi; và thứ ba là “chúng tôi thuộc về Ngài, chúng tôi là dân sự Ngài.” Không những Chúa tạo dựng chúng ta, nhưng giữa bao nhiêu người trên thế gian này mà Ngài đã tạo dựng đó, Ngài chỉ chọn một số người để cứu chuộc, để làm con của Ngài. Không những Chúa tạo dựng chúng ta là những người ngồi đây trong thể xác này, nhưng Ngài cũng tạo dựng lại thần linh của chúng ta nữa. Chúa đã làm chúng mới lại. Chúa đã làm chúng ta thành con người mới, được tái sanh. Trong thơ Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn thứ 6 câu 20, Phao-lồ viết, “Anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi.” Chúng ta đã được Chúa chuộc bởi dòng huyết của Ngài, để chúng ta thuộc về Ngài. Mình vui mừng ngợi khen Chúa, vì mình không quá nhỏ bé, để Chúa bỏ bê mình; nhưng mình quá quý giá trước mặt Ngài, để Ngài phải chết trên thập tự giá hầu cứu chuộc mình.

4. Chúng tôi là bầy chiên của đồng cỏ Ngài

Thuộc về Chúa, có thể mình trở thành như một kẻ nô lệ, thuộc về một tên chủ tàn ác. Nhưng không, không những là dân sự của Ngài, chúng ta cũng là “chiên của đồng cỏ Ngài” (câu 3). Chúa tạo dựng chúng ta, chọn chúng ta ra, mua chúng ta về, coi chúng ta như con chiên của Ngài. Trong Giăng đoạn 10 câu 14-15, Chúa Giê-xu nói, “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta, cũng như Cha biết ta và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình.” Chúa là người bạn, người Cha của chúng ta. Nếu thấu hiểu điều này, thì làm sao chúng ta không vui mừng được?

Là người chăn chiên hiền lành, Chúa không để chúng ta lạc lõng bơ vơ, đi lang thang, thiếu thức ăn. Chúa gìn giữ chúng ta. Lời của Chúa bồi dưỡng linh hồn của chúng ta. Tôi nhớ đến Thi Thiên 23, và xin quý vị đọc cùng với tôi,

1. Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

2. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.

3. Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.

4. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.

5. Chúa dọn bàn cho tôi, trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, Chén tôi đầy tràn.

6. Quả thật, trọn đời tôi phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi; Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va Cho đến lâu dài.

Chúng ta ca hát, phục vụ Chúa vì chúng ta là chiên trong đồng cỏ Ngài.

II. Hãy cảm tạ Ngài

Mệnh lệnh thứ nhất là “hãy vui mừng;” mệnh lệnh thứ hai trong Thi Thiên 100 là “Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài. Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài” (câu 4). Chúng ta vui mừng nhưng không phủi tay bỏ đi, chúng ta trở lại với Chúa để cảm tạ Ngài. Chúng ta đến với Chúa và nói, “Chúa ơi, Chúa đã ban cho con quá nhiều, không chỉ những điều vật chất, nhưng Ngài đã chết trên thập tự giá, để con có thể thành con chiên trong đồng cỏ của Ngài, và bây giờ con trở lại cám ơn Chúa.”

Trong thời Cựu Ước, mỗi năm một lần các thầy tế lễ phải vào trong đền thờ để dâng của lễ lên Thượng Đế. Bây giờ chúng ta không cần phải nhờ các thầy nữa: bức màn trong đền thờ đã bị xé toạc làm hai, và mỗi người chúng ta đều có thể bước thẳng vào trong đền thờ của Chúa. Hơn nữa, bước vào trong đó, chúng ta không cần phải đem của lễ nữa, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu đã là của lễ chuộc tội cho chúng ta. Dầu vậy, có một của lễ mà Chúa vẫn muốn chúng ta đem vào, đó là sự cảm tạ Ngài. Hê-bơ-rơ đoạn 13 câu 15: “Vậy hãy cậy Đức Chúa Giê-xu mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miệng xưng danh Ngài ra.” Của tế lễ của chúng ta ngày hôm nay là sự ngợi khen cảm tạ Đức Chúa Trời.

III. vì Đức Giê-hô-va là thiện

Sau khi nhắc nhở chúng ta hãy cảm tạ ngợi khen Thượng Đế rồi, tác giả Thi Thiên đưa ra thêm một vài lý do để chúng ta biết tại sao mình phải làm điều này. Lý do đầu tiên là vì Đức Giê-hô-va là thiện (câu 5a). Thiện là gì? Có lẽ mình gọi một người khác là tốt, là thiện, khi người đó sẵn sàng chia xẻ những điều họ có cho người khác. Như khi mình chia xẻ tiền cho người nghèo hơn, thì mình là thiện. Vâng, Thượng Đế cũng vậy. Tại sao không cần chúng ta mà Ngài vẫn tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài? Vì Ngài muốn chia xẻ sự sống, và hình ảnh của Ngài, cho chúng ta.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời là thiện vì Ngài trong sạch, thánh khiết vẹn toàn; không có một chút nhơ bẩn nào trong Ngài. Thế thì tại sao một Thượng Đế trong sạch vẹn toàn như vậy lại đưa tay xuống cứu vớt một người dơ bẩn đầy tội lỗi như mình? Và đây là lý do thứ hai mà Thi Thiên này nói đến. Ngài là thiện vì “sự nhơn từ Ngài hằng có mãi mãi” (câu 5). Không những Đức Chúa Trời thánh khiết, nhưng Ngài còn có sự nhân từ, yêu thương chúng ta. Giữa cái thánh khiết, không thể chấp nhận tội lỗi của Ngài, và sự yêu thương của Ngài đối với con người, Ngài phải giải quyết bằng cách gởi con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ xuống đây, để chết cho chúng ta trên thập tự giá, để ngày nay chúng ta được cứu. Phải thấu hiểu được cả sự thánh thiện và sự nhân từ của Ngài, chúng ta mới có thể cám ơn Ngài được.

Hồi nãy giờ mình chỉ cám ơn Chúa về những điều đã xảy ra trong quá khứ: Chúa đã tạo dựng thế gian, đã tạo dựng tôi, đã chết trên thập tự giá vì tôi. Nhưng chúng ta cũng cám ơn Chúa về những điều sẽ xảy ra trong tương lai nữa. Thi Thiên này nói Đức Chúa Trời là thiện vì “sự thành tín Ngài còn đến đời đời” (câu 5b). Sự thành tín là gì? Ấy là Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài. Ngài hứa là ngày nào đó Ngài sẽ trở lại thế gian để đón tiếp chúng ta về thiên đàng, và chúng ta tin chắc vào lời hứa đó, và trông chờ ngày Chúa trở lại. Nếu không tin Ngài thành tín, thì chúng ta cũng sẽ còn mù mờ, không biết mình sẽ về đâu. Nhưng chúng ta tin chắc là Ngài sẽ trở lại đón chúng ta, vì chúng ta là chiên của đồng cỏ Ngài.

Tại sao chúng ta biết là Đức Chúa Trời thành tín, sẽ giữ lời hứa trong tương lai? Vì Ngài đã giữ tất cả những lời Ngài hứa của Ngài trong quá khứ. Nếu nhìn những lời hứa của Chúa trong Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy phần nhiều đã được thành tựu. Tôi tin chắc một ngày nào đó, Thượng Đế sẽ trở lại, và tôi tin chắc lúc đó tôi sẽ gặp lại quý vị trên thiên đàng. Ngày đó, chúng ta sẽ không gặp nhau trong thân thể hư nát, trong sự đau đớn của xác thịt này nữa, nhưng trong vòng tay thân yêu của Ngài, trong sự thông công với Ngài. Và đó là lý do mà chúng ta cám ơn Chúa. Cám ơn Ngài vì Ngài thánh khiết, nhân từ và thành tín.

Tóm lại, hôm nay là ngày lễ Tạ Ơn. Chúng ta có thể nhìn những vật chất, những điều trên đời này mà Chúa đã ban cho mình để cám ơn Ngài. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta nhìn Chúa, và cám ơn Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời. Chúng ta cám ơn Ngài vì việc làm của Ngài: Ngài đã tạo dựng thế gian, tạo dựng chính cá nhân tôi. Chúng ta cám ơn Chúa vì những mỹ tính của Ngài: Ngài trong sạch vẹn toàn, nhân từ, và thành tín.

Nếu thấy những điều này, lễ Tạ Ơn sẽ có một ý nghĩa rất cao, và chúng ta sẽ không thấy tinh thần mình nặng trĩu; và tôi tin chắc là khi rời khỏi Hội Thánh này về nhà, quý vị sẽ luôn cám ơn Chúa, vì biết đời mình có giá trị, mặc dầu mình đang đi qua bao nhiêu khó khăn trong đời sống.

Mục sư Đỗ Lê Minh