Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

Hai con người khác biệt

 

Cô Angie Prosser, cố vấn sinh viên quốc tế của trường Kinh Thánh mà tôi theo học, đi cùng tôi đến văn phòng sở di trú.  Ngay phút đầu tiên, người nữ nhân viên phỏng vấn dường như không mấy thiện cảm.  Cô nhìn tôi, lạnh lùng:

-  Anh giơ tay lên thề nói sự thật!

-  Tôi không thề được, nhưng tôi nói sự thật vì tôi là Cơ Đốc nhân.

Chưa trải qua những sự việc này, hơi bất ngờ nên tôi chỉ nhớ đến lời Chúa dạy, "phải nói phải, không nói không. Đừng thế thốt!"

 Nét mặt cô nhân viên trở nên cau có khó chịu:

-  Đã có hàng trăm Cơ Đốc nhân nói dối ở đây.  Nếu anh không làm theo, tôi sẽ không hỏi anh nữa.

Cô Angie không được phép nói gì cả.  Cô ra dấu cho tôi biết phải giơ tay thề, và tôi đã nghe theo.  Sau nhiều tiếng đồng hồ chất vất với bao câu hỏi hóc búa.  Tôi cảm thấy có điều gì không ổn vì những câu trả lời của tôi lúng túng, không thuyết phục.  Mỗi lúc, cô càng đưa tôi vào chỗ bế tắc khó có câu trả lời thỏa đáng.  Dường như cô chỉ ở vai trò tấn công kẻ yếu thế.  Quang cảnh diễn ra như cảnh sát tra vấn tội phạm.  Tôi thầm nghĩ có lẽ cô đã thành kiến với nhiều Cơ Đốc nhân đã nói dối.  Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, tôi ký vào những trang giấy cô ghi chép lời khai của tôi, và nghe cô kết luận:

- Bổn phận tôi chỉ làm công việc vừa xong.  Phần quyết định do Giám Đốc.  Trong một tuần, anh sẽ nhận được thông báo kết quả.

 Không cần nhận giấy tờ thông báo gì cả, tôi cũng đã đoán ra được kết quả ngay lúc đó.  Nhưng tôi thản nhiên ra về cùng với cô Prosser dịu dàng, nhân hậu. Cô an ủi tôi:

- Đừng buồn làm chi anh ạ!  Cô ta cũng chỉ làm bổn phận của mình mà thôi.  Về nhà, anh nhớ cầu nguyện nhiều hơn nữa!

- Cảm ơn Angie! Chúa sẽ không bỏ con cái của Ngài. Nhìn Angie một lần nữa, tôi cảm nhận một điều gì đó khác biệt rất xa giữa hai người phụ nữ!

Tôi không buồn lắm, nhưng thật sự đã lo lắng.  Nếu bị từ chối chuyện phục hồi di trú, tất nhiên gia đình chúng tôi phải trở về Việt Nam.  Nguyên nhân câu chuyện này bắt nguồn từ nỗi nhớ nhà và sự cô đơn của tôi.  Tôi đã xin chuyển về một trường Thần Học Việt Nam ở California để gần gũi gia đình.  Có một giáo sư trong Ban Điều Hành tại đó khích lệ.  Nhưng khi trở về mới biết rằng trường không có thẩm quyền trong việc cấp I.20 cho sinh viên quốc tế.  Mục sư có trách nhiệm giúp tôi lại bận về Việt Nam.  Tôi đã gọi điện thoại cho ông nhiều lần, nhưng không được trả lời.  Cuối cùng, tôi thả trôi cho đến mùa Xuân của năm sau, mới trở lại Portland để học lại và xin phục hồi di trú.

Một buổi sáng, Prosser đến gặp tôi buồn bã:

- Cô ấy đã gưỉ email thông báo là từ chối trường hợp của anh.

- Tại sao lại gửi bằng email? Tôi cần văn bản chính thức gửi qua bưu điện.

Thế là mấy hôm sau, tôi đã nhận thư thông báo chính thức. Trong thư có nói rằng, tôi không phải phí thì giờ để trình bày, giải thích gì khác vì đó là quyết định chính thức và cuối cùng.

Ông hiệu trưởng gặp tôi khuyên phải chấp hành thông báo của Sở Di Trú.  Nếu không, sẽ ảnh hưởng cho trường đối với sinh viên quốc tế trong tương lai.  Biết rằng không còn cách nào khác, nên hai cha con chúng tôi chuẩn bị rời bỏ Portland, chia tay với trường lớp, những bạn bè thân yêu và nhất là Hội Thánh Nước Sống nơi chúng tôi đang sinh hoạt.

Patrick luống cuống cả buổi sáng khi tiễn đưa hai cha con chúng tôi.  Mặt cậu ta xanh mét.  Cặp mắt thường ngày đã ẩn chứa nỗi buồn sâu kín nào đó, bây giờ trông có vẻ thảm não hơn.  Patrick yêu thương cha con chúng tôi trong một thứ tình yêu không giống sự đổi chác như thế gian này, và chúng tôi cũng vậy.  Nhưng, giờ đây tất cả mọi thứ đẹp đẽ kia cũng sắp sửa kết thúc; những ngày tháng được sống gần bên nhau sẽ không còn nữa.  Tôi tin chắc rằng, trong mỗi chúng tôi kỷ niệm sẽ còn sống mãi. 

Chuyến bay mệt mỏi, đầy ưu tư đưa chúng tôi rời Portland; thành phố sương mù vẫn còn đọng lại trong lòng hai cha con chúng tôi bao nhớ thương và nuối tiếc…

Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, cho dù phải đối diện trong muôn nghìn khó khăn, có lúc tưởng chừng như hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng kỳ thật lòng chúng tôi vẫn bình an. Chúng tôi tin cậy   Đức Chúa Trời và chờ đợi sự  giải cứu của Ngài.

 

"Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va,

"Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi

"Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm

"Ngài đặt chân tôi trên hòn đá

"Và làm cho bước tôi vững bền."

                 (Thi Thiên 40:1,2)